Bệnh viện 'khó thở' khi bị siết... siêu âm

16/07/2018 - 10:33

PNO - Từ 15/7, giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm 88 mục: giá khám, giá giường bệnh, giá dịch vụ chẩn đoán cận lâm sàng. Tuy nhiên, các bệnh viện cho rằng, đang gặp khó khi bị hạn chế lượt khám bệnh, số lần siêu âm.

Benh vien 'kho tho'  khi bi siet... sieu am
 

Bệnh viện tuyến cuối lo hơn quận/huyện

Ở lĩnh vực giá khám bệnh, Thông tư số 15/2018/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 15/7) quy định, giá khám ở bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 giảm từ 39.000 đồng xuống còn 33.100 đồng; bệnh viện hạng 2 từ 35.000 đồng xuống 29.600 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 31.000 đồng còn 26.200 đồng… Tuy nhiên, Bộ Y tế quy định bác sĩ ở mỗi bàn khám tiếp nhận tối đa 65 bệnh nhân/ngày, nếu bệnh viện khám vượt số lượt quy định sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh nhân số 66 trở đi. 

Tương tự ở lĩnh vực chụp phim, một máy siêu âm chỉ được phép thực hiện tối đa 48 ca/ngày, máy x-quang là 58 ca, máy CT đến 32 dãy số là 29 ca, máy chụp cộng hưởng từ (MRI) chỉ 19 ca. Nếu bệnh viện thực hiện nhiều hơn sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán. Việc khống chế số lượt khám bệnh, số lần siêu âm trong ngày đã khiến các bệnh viện đứng ngồi không yên.

Benh vien 'kho tho'  khi bi siet... sieu am
 

Tiến sĩ bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, chưa tính số lượng bệnh nhân khám dịch vụ, khám ngoài giờ; bệnh viện vẫn rơi vào tình trạng quá tải khi mỗi ngày khám hơn 1.500 ca. Từ lúc bệnh viện xây thêm khu mới đã nâng được tổng số bàn khám lên 34 bàn. Nếu tính theo mức trung bình thì mỗi bàn khám chỉ tiếp chừng 45 ca.

Thế nhưng, Thông tư 15 không tính số lượng bù trừ giữa các bàn khám, mà chỉ tính số lượng thực tế ở mỗi bàn. Bởi có những bàn khám chuyên về hóa trị, bệnh tổng quát, ung thư vú (thuộc Khoa Nội 4) sẽ vượt 91 lượt/bàn/ngày. Trong khi có những bàn khám không đủ 65 bệnh nhân, kết thúc giờ khám sớm nhưng vẫn không thể khám thay chuyên môn cho bệnh nhân ở Khoa Nội 4. Bệnh viện cũng không còn diện tích để mở thêm bàn khám. Rõ ràng, với cách tính này sẽ khó khăn cho bệnh viện tự thu - tự chi. 

Riêng về máy siêu âm, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM có 12 máy phục vụ khoảng 800 ca/ngày và bệnh nhân phải đăng ký trước 1-2 ngày mới tới lượt. Nếu áp dụng Thông tư 15 thì bệnh viện chỉ thực hiện được 576 ca/ngày. Tình trạng quá tải, danh sách đăng ký chờ đến lượt siêu âm sẽ tiếp tục dài ra. Trong số 22 mục điều chỉnh giá bị ảnh hưởng, bệnh viện này tạm tính thất thu khoảng 7 tỷ đồng/năm.

Benh vien 'kho tho'  khi bi siet... sieu am
 

Tương tự, dù Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM được xếp hạng đặc biệt nhưng bệnh viện này ước tính sẽ thất thu hàng tỷ đồng. Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện lo lắng không đủ máy x-quang khi chỉ được phép chụp chiếu tối đa 58 ca/máy/ngày. 

Bên cạnh việc lo ngại khó đạt chỉ tiêu số bàn khám phục vụ mỗi ngày cho 5.000-6.000 ca (trong đó 50% thuộc diện bảo hiểm y tế), nhất là khám cho bệnh nhân bị tim mạch, nội tiết, nội thận; bệnh viện này cũng cuống cuồng với giá giường bệnh. Bác sĩ Phạm Thanh Việt phân tích, bệnh viện có 2.700-2.800 giường bệnh, trong đó chỉ có 150 giường hồi sức nhưng Thông tư 15 chỉ tăng định mức ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 362.800 đồng/ngày lên 401.300 đồng/ngày (giá bệnh viện hạng đặc biệt), trong khi giảm hết giá giường còn lại. Và 60-70% số lượng giường bệnh ở đây phục vụ cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế. 

Ngay cả bệnh viện tuyến quận/huyện tại TP.HCM như H.Nhà Bè, Q.2, Q.Phú Nhuận… cũng cho biết sẽ thất thu khi áp dụng Thông tư 15. Riêng Bệnh viện Quận 2, chưa tính số lượt bệnh nhân/bàn khám, chỉ tính giá khám bệnh giảm sẽ thất thu khoảng 2,4 tỷ đồng/năm cho khoảng 400.000 lượt người đến khám.

Không có lợi cho người bệnh, chỉ lợi cho quỹ bảo hiểm?

Các bác sĩ cho rằng, Thông tư 15 chưa thực sự vì người bệnh khi khống chế số lượng bệnh nhân khám bảo hiểm y tế bằng cách tính số bàn khám/ngày. Với quy định này, người khám bệnh diện bảo hiểm y tế sẽ xếp hàng dài để chờ tới lượt khám và chụp chiếu phim. Lúc đó, không ít bệnh nhân sẽ bỏ ra các bệnh viện tư khám cho nhanh, hoặc chuyển sang khám dịch vụ và sẽ tốn tiền nhiều hơn.

Benh vien 'kho tho'  khi bi siet... sieu am
 
Một bác sĩ nhận định: Người bệnh không nên thấy giá giảm mà ham. Để đảm bảo hoạt động tự thu - tự chi, khắc phục tình trạng thất thu này, các bệnh viện sẽ tìm mọi cách đẩy số tiền cần bù lỗ này qua cho người bệnh.

Thông tư 15 mới tính toán có lợi cho quỹ bảo hiểm y tế. Bệnh viện chỉ được bảo hiểm y tế chi trả khi thực hiện đúng số lần chụp chiếu và số lần khám bệnh; trong khi chính người bệnh vẫn đồng chi trả đúng như quy định trước đây. 

“Tôi lo các bệnh viện tuyến cuối sẽ vỡ trận, bởi những bệnh viện tuyến đầu có quyền từ chối bệnh nhân đến khám sau người bệnh có số thứ tự 65. Nếu khám quá số lượng quy định, bệnh viện tuyến dưới không thu được tiền. Từ đó, các bệnh viện tuyến dưới có thể chuyển hoặc tư vấn bệnh nhân lên tuyến trên để không phải chờ đợi… Còn người bệnh chấp nhận vượt tuyến dù bảo hiểm y tế thanh toán ít hơn so với khám đúng tuyến. Và khi lên tuyến cuối cùng, bác sĩ không còn quyền để từ chối người bệnh...”, một bác sĩ ở bệnh viện tuyến cuối trăn trở. 

Benh vien 'kho tho'  khi bi siet... sieu am
 

Cũng theo bác sĩ này, định mức giá ở nhiều danh mục khám chữa bệnh giảm rõ rệt nhưng việc xây dựng cơ cấu giá lại áp dụng trên mức giá của năm 2012. Một ca khám bệnh, một ca phẫu thuật vẫn không thay đổi các dụng cụ như găng tay, điện nước, bông băng, dung dịch sát khuẩn, thuốc men… Trong khi giá của những vật tư này đã tăng chóng mặt suốt sáu năm qua, bệnh viện mua vào với giá cao hơn trước nhưng chi phí bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh viện thấp hơn. 

Theo quy định tại điều 5 Thông tư số 15/2018/TT-BYT, sau ba tháng đầu tiên thực hiện, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên, nhưng hết thời hạn này sẽ không thanh toán nữa.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI