Bệnh viện dặn bệnh nhân về địa phương “đòi” tiền bảo hiểm, còn bảo hiểm “dặn” bệnh nhân quay lại đòi tiền bệnh viện. Giằng co mãi mà không ai giải quyết cho bệnh nhân. Tình trạng này đang diễn ra tại một số bệnh viện của TP.HCM và Hà Nội.
Có bảo hiểm y tế vẫn mất oan hơn 300 triệu đồng
Trị bệnh ung thư máu bạch cầu cấp tại Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TP.HCM cuối năm 2018 (28/9/2018 đến 23/11/2018), bệnh nhân N.Q.T. đã phải chi 330.480.000 đồng mua thuốc Erwinase cho một đợt điều trị vì BV hết thuốc. Số tiền này không được bảo hiểm y tế hoàn trả cho bệnh nhân. Dù lúc đó, loại thuốc này đã được bảo hiểm y tế đồng ý chi trả một phần chi phí.
|
Bệnh nhân đóng viện phí tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
So với các thuốc khác cùng hoạt chất, thuốc Erwinase đắt hơn đến 24 lần. Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, cho biết: “Trường hợp này là bất khả kháng vì thuốc bệnh nhân điều trị là loại thuốc quá hiếm. Bệnh nhân cũng ký cam kết thanh toán tiền thuốc và không khiếu nại. BV chỉ mua giùm thuốc cho bệnh nhân, không có lời lãi gì”.
Lý do hết thuốc theo BV, vì đây là thuốc hiếm nên số lượng dự trữ ít, thời gian sử dụng chỉ trong vòng 12 tháng, sau đó phải xin lại giấy phép nhập khẩu nên rất phức tạp.
Tương tự, bệnh nhân N.H.L. (35 tuổi) trị ung thư máu tại BV Chợ Rẫy cũng phải bỏ tiền túi ra mua thuốc chỉ vì “lỗi”… hết thuốc. Tháng 11/2018, anh L. được thông báo BV đã hết thuốc Atra 10mg (Vesanoid 10mg), phải bỏ tiền ra mua thuốc bên ngoài theo giá thị trường, trong khi đây là loại thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
Số tiền anh L. mua thuốc một tháng là 5,3 triệu đồng. Nếu BV Chợ Rẫy còn thuốc thì anh chỉ phải trả 1,8 triệu đồng. Sau đó, anh L. còn phải trả thêm nhiều lần mua thuốc bên ngoài vì BV Chợ Rẫy hết thuốc.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, thông tin: “Hiện nay, thuốc Atra 10mg hay Vesanoid 10mg (hoạt chất Tretinoin 10mg) thuộc danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm thanh toán. Đây là thuốc đặc trị cho bệnh nhân có chẩn đoán bạch cầu cấp tiền tủy bào và chưa có thuốc thay thế.
Để BV cung ứng thuốc cho bệnh nhân (bằng giá mua vào) và được bảo hiểm y tế thanh toán thì BV Chợ Rẫy phải thực hiện mua thuốc theo hình thức đấu thầu. Đối với thuốc Tretinoin 10mg, BV đã tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà cung cấp nào dự thầu nên BV không thể mua loại thuốc này cung ứng cho bệnh nhân theo quy định”.
Tình trạng này cũng xảy ra tại BV Nhi Đồng 2, khi mới đây gia đình bức xúc vì phải bỏ tiền túi ra mua thuốc trị dậy thì sớm, trong khi loại thuốc này có bảo hiểm thanh toán.
Ai trả lại tiền cho bệnh nhân?
Có nhiều lý do để các BV giải thích việc thiếu thuốc. BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM thì cho là thuốc hiếm, xin giấy phép nhập khẩu khó. BV Chợ Rẫy thì đổ cho không có nhà thầu nên không mua được thuốc.
Còn BV Nhi Đồng 2 thì lấy lý do số lượng bệnh nhi trị dậy thì sớm tăng đột ngột nên hết thuốc. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM nhận định lỗi thiếu thuốc chủ yếu là do các BV không dự trù sát với thực tế, chậm chạp trong triển khai đấu thầu thuốc.
Như vậy, dù không có bảo hiểm y tế nhưng bệnh nhân đang phải gánh lấy cái lỗi của một ai đó. Bệnh nhân N.Q.T. phải ký cam kết tự trả tiền thuốc, để rồi sẽ chẳng bao giờ nhận lại số tiền chính đáng của mình lên đến hơn 300 triệu đồng. Còn đa số bệnh nhân, như anh N.H.L. được BV “dặn” cứ mua thuốc bên ngoài, lấy hóa đơn rồi về bảo hiểm xã hội địa phương “đòi” lại tiền.
|
Văn bản của Bảo hiểm xã hội TP.HCM từ chối trả tiền cho anh N.H.L. sau khi anh phải trả tiền túi vì lý do Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc |
Thực tế, việc lấy lại tiền còn khó hơn… lên mặt trăng vì đây là những trường hợp chưa được hướng dẫn theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Anh N.H.L. ngao ngán đưa cho chúng tôi xem văn bản ngày 11/3/2019 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM về trường hợp của anh. Theo đó, Bảo hiểm xã hội TP.HCM không đồng ý chi trả vì BV phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc và đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Đề nghị bệnh nhân quay trở lại BV để được thanh toán lại. Nhưng BV thì cương quyết không trả lại tiền cho bệnh nhân.
Trách nhiệm của BV trong tình trạng thiếu thuốc được Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định bằng văn bản với Bộ Y tế vào ngày 26/6/2019: “Việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người bệnh thuộc trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn xảy ra tình trạng cung ứng thuốc, vật tư y tế không đầy đủ, kịp thời tại một số BV”.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, theo các quy định hiện hành, các trường hợp nêu trên không thuộc trường hợp được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp.
Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến giải quyết hai vấn đề: cơ quan bảo hiểm xã hội hay cơ sở khám, chữa bệnh phải thanh toán lại cho những trường hợp người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, vật tư y tế theo chỉ định điều trị của bác sĩ do cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng đủ, kịp thời?
Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh hoàn trả chi phí thuốc cho người bệnh thì áp dụng giá nào và cách tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội để các cơ sở khám chữa bệnh có thể gửi dữ liệu lên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết. “Người bệnh phải chống chọi với bệnh nan y đã khổ sở lắm rồi. Chi phí điều trị tốn kém. Bây giờ lại vướng phải thủ tục, thanh toán khó khăn, người bệnh quá thiệt thòi mà không biết kêu ai”, anh L. than.
Hiếu Nguyễn