Bệnh viện công mở dịch vụ khám VIP: Có gì sai?

15/03/2021 - 07:53

PNO - Ngay khi Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) thông báo giá khám bệnh theo yêu cầu từ 250.000 - 550.000 đồng (tùy học hàm, học vị của bác sĩ) và giá giường dịch vụ tăng cao nhất lên 3,3 triệu đồng đã khiến nhiều người phản ứng và Bộ Y tế “tuýt còi”. Điều này có công bằng với bệnh viện công?

 

Khám bệnh giá 500.000 đồng, bệnh nhân được phục vụ những gì?

Sáng 9/3, tại phòng khám chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, chị Nguyễn Thanh Tâm, quê ở Quảng Ngãi, cho biết, chị đưa mẹ 75 tuổi từ quê vào TP.HCM khám u đại tràng. “Do mẹ già yếu nên tôi gọi điện trước qua tổng đài bệnh viện để đăng ký khám bệnh giá 500.000 đồng. Mẹ tôi được bác sĩ trưởng khoa trực tiếp khám. Nhờ khám ở phòng chuyên gia nên tất cả các công đoạn đóng tiền, xét nghiệm, siêu âm, đo điện tim được thực hiện ngay tại phòng rất thuận lợi”, chị kể. 

Chị Tâm còn cho biết, chị không phải để mẹ ở một góc, rồi chen lấn bốc số thứ tự, đưa đi khám… mất thời gian và mệt mỏi. Chỉ có khâu chụp CT phải đến khu chẩn đoán hình ảnh chung của bệnh viện. “Tôi thấy tiền khám 500.000 đồng là hợp lý, thực ra chi phí này cũng bằng đi khám ở bác sĩ phòng mạch, và rẻ hơn nhiều so với bệnh viện tư nhưng lại được các bác sĩ Chợ Rẫy khám, tôi an tâm”, chị chia sẻ. 

Tương tự, tại Bệnh viện Nhân dân 115, giá khám tại phòng khám VIP cũng 500.000 đồng/người. Một nhân viên của phòng khám VIP vui vẻ hướng dẫn chúng tôi: “Anh đến lúc nào sẽ được khám lúc đó. Tất cả khâu xét nghiệm và đóng tiền đều sẽ thực hiện tại chỗ, không phải chờ đợi”. 

Phòng khám VIP - doanh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115
Phòng khám VIP - doanh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115

Khảo sát tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, ngoài khu vực khám bảo hiểm y tế, khu vực khám theo yêu cầu đều có mức giá cao nhưng vẫn thu hút bệnh nhân đăng ký. Ở Khoa Khám theo yêu cầu của Bệnh viện Việt Đức, nếu đăng ký khám với bác sĩ phó khoa trở lên hay tiến sĩ, giáo sư là 500.000 đồng. Tại Khoa Ngoại Quốc tế S Bệnh viện Nhi Trung ương (TP.Hà Nội), giá khám bệnh cũng 500.000 đồng/lượt. 

Vì sao bệnh viện công cung cấp nhiều mức giá khác nhau cho bệnh nhân? Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “Hiện nhiều người Việt Nam có thu nhập cao đi nước ngoài khám, chữa bệnh, nhất là Singapore, Đài Loan... vì ngại đến bệnh viện công tuy có nhiều bác sĩ giỏi, nhưng phải xếp hàng lấy số thứ tự và chờ lượt khám. Đây là nhu cầu có thật nên Bệnh viện Chợ Rẫy mở phòng khám chuyên gia để ngăn chảy ngoại tệ ra nước ngoài. Đồng thời, tạo nguồn thu cho bệnh viện nhà nước để cải thiện thu nhập, đầu tư máy móc, xây dựng bệnh viện tốt hơn”. 

Cần công bằng với bệnh nhân 

Đa số chuyên gia và người bệnh đều cho rằng: việc cung cấp nhiều mức giá khám để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân là hợp lý, nhưng dịch vụ đi kèm phải tương xứng. Ví dụ, giá khám 500.000 đồng thì tất cả công đoạn xét nghiệm, siêu âm, đo điện tim… phải được thực hiện tại chỗ hoặc có nhân viên y tế đi kèm. Còn nếu chỉ tăng giá để giải quyết chuyện được khám nhanh thì chưa công bằng với bệnh nhân. 

Như chị Lê Huyền (ở Hà Đông, TP.Hà Nội) đăng ký tái khám sỏi tiết niệu với mức giá 500.000 đồng ở Khoa Khám theo yêu cầu của Bệnh viện Việt Đức, cho biết: “Với mức giá 500.000 đồng, tôi có thể chủ động lựa chọn, đặt hẹn đích danh bác sĩ khám cho mình nếu họ có lịch làm việc tại khoa. Ngoài ra, còn có rất nhiều nhân viên của bệnh viện hướng dẫn người khám để làm thủ tục nên thời gian khám nhanh hơn, không phải chờ đợi lâu như các khu vực khám thông thường. Tuy nhiên, về mặt cơ sở vật chất thì ở đây không được khang trang, sạch đẹp như nhiều bệnh viện tư, hay khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu của một số bệnh viện khác”.

Phòng Deluxe của Bệnh viện Từ Dũ ở khu N. có giá 4 triệu/ phòng/ ngày
Phòng Deluxe của Bệnh viện Từ Dũ ở khu N. có giá 4 triệu/phòng/ngày

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nhận định: bệnh viện công có nghĩa vụ phục vụ người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, trung bình. Nhưng rõ ràng nhu cầu bệnh nhân được khám dịch vụ tại bệnh viện công là có thật. Vì thế, với bệnh viện nào phục vụ đủ chỉ tiêu của sở y tế giao về số lượng khám ngoại trú và nội trú, cũng cần mở rộng các dịch vụ y tế để tái đầu tư vào cơ sở vật chất, đào tạo, tăng lương. Hiện nay, lương của điều dưỡng và bác sĩ bệnh viện công đều thấp nên dẫn đến tình trạng bác sĩ giỏi “đầu quân” cho các bệnh viện tư. Nhà nước đã giao cho bệnh viện công cơ chế tự chủ nhưng lại không cho làm dịch vụ sẽ rất khó hoạt động. Với giá viện phí hiện nay, các bệnh viện công chưa tính đúng, tính đủ; hầu như chỉ tính các chi phí trực tiếp, chưa tính các yếu tố về tái đầu tư, đào tạo, công nghệ thông tin... Còn khi thu dịch vụ, từ tiền công khám đến tiền giường cũng cao hơn vì các đơn vị sẽ tính tất cả chi phí trực tiếp lẫn gián tiếp. Từ đó cải thiện thu nhập và tăng nội lực của bệnh viện công.

Mô hình “công bằng với người bệnh” đang được triển khai khá tốt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, mỗi sáng, các trưởng, phó khoa; phó giáo sư; tiến sĩ vẫn phải đi từng phòng để khám cho các bệnh nhân, đảm bảo trách nhiệm của mình tại nơi làm việc, rồi mới tham gia khám dịch vụ. Do đó, người bệnh gọi điện thoại đặt hẹn khám cũng phụ thuộc vào lịch của bác sĩ. Bác sĩ tại phòng khám chuyên gia chỉ được nhận 75.000 đồng cho một lần khám bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy giới hạn số người khám trong một ngày không quá 20 người. Tất cả tiền thu được từ các dịch vụ, kể cả phòng khám chuyên gia đều đưa vào ngân sách của bệnh viện. Từ đó, bệnh viện trả lương cho y bác sĩ, tái đầu tư các trang thiết bị như: mua sắm các máy thở, máy điện tim, hệ thống ECMO, máy xạ trị… Đặc biệt, bệnh viện còn có quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Đây là hoạt động rất cần thiết mà hiện nay nhiều bệnh viện tại Việt Nam chưa thực hiện được. 

Còn đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, bệnh viện có sắp xếp phòng dịch vụ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh tăng cao, bệnh viện sẽ phải bỏ một số phòng dịch vụ để có chỗ cho bệnh nhi nằm viện. 

 Hiếu Nguyễn - Gia Huy - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI