Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất “luật hóa” Nghị quyết 30

24/03/2023 - 06:12

PNO - Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Luật Đấu thầu nên có chương riêng về y tế, quy định cụ thể các tình huống cấp bách, để các nhà quản lý có thể mua sắm.

 

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Sáng 23/3, Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã thông tin về hoạt động khám chữa bệnh, tình hình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành. Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Thức đánh giá: Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tạo nhiều thuận lợi trong việc sửa chữa máy móc, mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế cũng như hóa chất, thuốc điều trị bệnh. 

Trước đây, bệnh viện chỉ còn 1/6 máy chụp CT, 2/5 máy xạ trị gia tốc hoạt động, 57% các gói thầu vật tư y tế “bị vướng” … nên việc cấp cứu, điều trị vô cùng khó khăn. Đến nay, bệnh viện đã sửa chữa máy CT đặt ở Khoa Cấp cứu, 3/5 máy xạ trị được đưa vào hoạt động. Các máy móc còn lại dự kiến sẽ sửa chữa xong vào giữa tháng Tư.

Về việc mua sắm máy CT, Nghị quyết 30 đã cho phép hội đồng kỹ thuật tự quyết về cấu hình, sau đó mới đến khâu chào giá theo cấu hình, tức đã “mở” cho các nhà chuyên môn quyền mua sắm không dựa vào giá rẻ nhất mà là thiết bị phù hợp nhất. 

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết vẫn còn một số khó khăn xoay quanh Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bởi nhiều vấn đề vẫn còn chưa được quy định rõ ràng. Theo đó, bệnh viện phải đăng tải công khai việc chào giá đấu thầu trên cổng thông tin của Bộ Y tế, nhưng hiện kênh này vẫn chưa đăng tải được, bệnh viện phải thực hiện công khai mời thầu qua báo chí. 

Nghị quyết 30 cho phép chọn thầu khi chỉ có 1 báo giá, nhưng bệnh viện không biết giá chào này có đúng hay không, chênh lệch với giá gốc như thế nào. bệnh viện không thể thẩm định, không biết được giá gấp bao nhiêu lần giá hải quan. Nếu sau này cơ quan chức năng xác định giá thầu chênh lệch 5-7 lần thì rất khó cho bệnh viện lẫn nhà đầu tư. 

Nhiều thiết bị chưa niêm yết giá, nên có không ít trường hợp bệnh viện chỉ nhận được 1 báo giá. Trong khi đó theo quy định, báo giá không được cao hơn giá niêm yết. Nếu bệnh viện mua xong rồi mới có niêm yết giá có thể xảy ra tình huống giá niêm yết thấp hơn giá mua thì bệnh viện sẽ bị vi phạm.

“Tôi mong các cơ quan chức năng có các quy định mang tính chất bắt buộc hơn về quản lý giá thuốc, thiết bị y tế, niêm yết giá… giúp bệnh viện tránh rủi ro. Để tháo gỡ triệt để, về lâu dài cần điều chỉnh Luật Đấu thầu và “luật hóa” Nghị quyết 30, để hàng hóa y tế được xếp vào hàng hóa đặc biệt vì liên quan đến sinh mạng con người”, bác sĩ Thức đề nghị.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Luật Đấu thầu nên có chương riêng về y tế, quy định cụ thể các tình huống cấp bách, để các nhà quản lý có thể mua sắm. Như vừa qua, nhiều người ngộ độc botulinum ở Quảng Nam, nếu không có 3 lọ thuốc giải độc BAT rất hiếm, có lẽ 3 bệnh nhân nặng đã không qua khỏi. Đây là điển hình của tình huống vô cùng khẩn cấp, bệnh viện cần được mua sắm thuốc sau khi đã qua các bước phê duyệt cần thiết từ hội đồng chuyên môn. 

Ngoài ra, nên có các quy định rõ về các gói thầu bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, bởi việc sửa chữa, bảo trì đang rất khó khăn vì nhiều hệ thống máy hiện đại, chuyên sâu chỉ có 1 nhà cung cấp, các hãng khác sửa không được. Nhưng nếu bệnh viện mua gói sửa chữa hoàn toàn của một nơi, rất dễ bị đặt vào thế sai phạm về chỉ định thầu.

“Trong thời gian chờ sửa luật có thể kéo dài, tôi mong Quốc hội ra Nghị quyết cho phép tạm thực hiện những nội dung nêu trên, để các bệnh viện có thể dễ dàng mua sắm, tránh tiêu cực”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đề xuất.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI