Nhiều bệnh viện đang khát nguồn ngân sách để đầu tư trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt hơn cho người bệnh.
Ngân sách “mắc kẹt”
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) số 25/2008/QH12 và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung số 46/2014/QH13 quy định: nếu tỉnh/thành nào còn kết dư quỹ BHYT trong năm tài chính thì được giữ lại 20% quỹ BHYT sử dụng.
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn: “Trong thời hạn 12 tháng, phần kinh phí được để lại địa phương chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết, bảo hiểm xã hội tỉnh chịu trách nhiệm thu hồi và chuyển về cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam”.
|
Tại TP.HCM, năm 2015, quỹ BHYT có dư sau một năm trừ tất cả chi phí khám chữa bệnh. Do đó, năm 2017, sau khi tất toán, các bệnh viện tại TP.HCM được chi hơn 176 tỷ đồng (trong số hơn 228 tỷ đồng) để mua sắm máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT.
Năm 2016, các bệnh viện tiếp tục đem lại quỹ kết dư cho BHYT và được chi lại hơn 98,5 tỷ đồng (trong số 164 tỷ đồng) để tái đầu tư. Năm 2017 vẫn có dư nhưng không nhiều (do từ tháng 12/2016 giá khám chữa bệnh tăng) nên quỹ kết dư dành mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…
Thế nhưng, thời hạn sử dụng quỹ kết dư của năm 2015, 2016 đã hết mà các bệnh viện vẫn chưa mua được máy móc. Nhiều bệnh viện vẫn đang khát nguồn ngân sách để đầu tư trang thiết bị y tế.
|
Nhiều bệnh viện công tại TP.HCM cần đầu tư máy móc cho khoa chẩn đoán hình ảnh |
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, một bác sĩ tuyến quận trăn trở: “Cơ chế được giữ lại 20% số tiền kết dư từ quỹ BHYT giúp các cơ sở y tế mua được máy móc, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên. Đây cũng là cơ hội để nhiều bệnh viện ở xa trung tâm, vị trí giao thông không thuận tiện hoặc bệnh viện quận/huyện nằm gần các phòng khám tư, bệnh viện tư… thu hút bệnh nhân”.
Theo bác sĩ này, ngân sách từ quỹ kết dư của năm 2015 dành mua máy móc trong năm 2017 có thời hạn sử dụng đến ngày 29/12/2017, nhưng đến nay, nhiều bệnh viện đã được phê duyệt vẫn không mua được.
Đơn cử như Bệnh viện Q.9, được cấp 3,145 tỷ đồng để tự tổ chức đấu thầu mua tám loại máy móc từ 40 - 800 triệu đồng. Nhiều nhất là Bệnh viện H.Nhà Bè được cấp đến 17,58 tỷ đồng để mua 30 loại máy móc, trong đó có nhiều loại máy đơn giản như: máy monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy siêu âm màu, máy phân tích nước tiểu, máy giúp thở, máy đo điện cơ, máy đo điện não…
Năm 2018, các cơ sở y tế tại TP.HCM tiếp tục được sử dụng hơn 92,5 tỷ đồng trong số 164 tỷ đồng để mua sắm máy móc, số dư còn lại dùng mua thẻ BHYT cho đối tượng nghèo…
Đặc biệt, trong đợt mua sắm lần này, TP.HCM ưu tiên đầu tư quỹ kết dư này cho hầu hết các trạm y tế. Đơn cử như Trạm Y tế P.12 (Q.Gò Vấp) gần 7,3 tỷ đồng để mua máy điều trị vật lý trị liệu đa năng, ghế máy nha, hệ thống x-quang số hóa và phòng chì…
Trạm Y tế P.12 (Q.Bình Thạnh) gần 5,8 tỷ đồng; Trạm Y tế P.15 (Q.Tân Bình) hơn 5,5 tỷ đồng; Trạm Y tế P.5 (Q.Phú Nhuận) hơn 3,8 tỷ đồng; Trạm Y tế P.9 (Q.8) hơn 5,4 tỷ đồng. Nhưng đến nay, quỹ kết dư BHYT của năm 2016 dành mua sắm trong thời hạn của năm 2018 vẫn chưa… động đậy.
Tại sao nhiều năm vẫn không mua được máy móc?
Đó là câu hỏi mà nhiều bệnh viện được phê duyệt mua sắm luôn trăn trở. Bác sĩ tuyến quận nói trên cho biết: theo Sở Y tế, mục đích quy về đấu thầu tập trung là do UBND TP.HCM mong muốn các cơ sở đấu thầu thống nhất giá với nhau, tránh tình trạng mỗi nơi một giá.
Mỗi ngày, nơi này có gần 2.000 bệnh nhân đến khám nhưng bệnh viện thiếu nhiều máy móc, người bệnh luôn phàn nàn và đòi bỏ đăng ký thẻ BHYT. Bệnh viện thiếu cả máy đơn giản, rẻ tiền như: đo điện tim 3 cần, bộ dụng cụ tiểu phẫu (15 triệu đồng), đèn sưởi sơ sinh có xe đẩy (45 triệu đồng).
Trong khi đó, đấu thầu máy móc không giống như đấu thầu thuốc. Ví dụ, một mặt hàng thuốc sẽ cung ứng cho hầu hết các bệnh viện nhưng máy móc thì phải phụ thuộc trình độ kỹ thuật ở mỗi bệnh viện, do đó đấu thầu tập trung sẽ rất khó khăn.
Nhiều bác sĩ cho rằng, Sở Y tế nên để các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu, giá do sở phê duyệt. Sở chỉ nên tổ chức đấu thầu tập trung cho những nơi không tự tổ chức được. Hoặc sở nên tạo điều kiện để cơ sở chủ động mua máy móc có giá trị dưới 50 triệu đồng, chứ không phải máy móc nào cũng tập trung về sở.
Tính theo cách này, nếu Sở không kịp mua sắm tập trung thì các bệnh viện vẫn mua được; còn bây giờ thời hạn mua sắm không còn và các bệnh viện đều không mua được máy cho người bệnh. Lỗi này thay vì quy cho sở thì người bệnh lại trách bác sĩ.
Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đây đấu thầu máy móc tập trung không diễn ra được là giao cho trung tâm mua sắm tập trung của sở, còn bây giờ UBND thành phố giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình (cũng thuộc sở) nên kéo dài thời gian.
Việc mua trang thiết bị y tế từ nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015 đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán với các bệnh viện. Nhưng do chưa được tạm ứng tiền thanh toán theo hợp đồng nên các nhà thầu trúng thầu chưa bàn giao trang thiết bị.
Nhiều lần TP.HCM đã kiến nghị xin gia hạn quỹ kết dư năm 2015 và lần gần nhất là tháng 8/2018 nhưng Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa phản hồi và cho rằng phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện Sở Y tế đang trình UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét gia hạn việc sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2016 để mua trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2019.
Văn Thanh