Bệnh viện cho chụp ảnh nữ bác sĩ ngồi hớ hênh để… chấn chỉnh

23/04/2017 - 15:59

PNO - Khi phát hiện một nữ bác sĩ mặc váy ngắn, ngồi trên ghế cao khám bệnh và gác chéo chân, nhân viên giám sát của bệnh viện đã chụp lại hình, báo cáo ban giám đốc…

Gửi đơn phản ánh đến báo Phụ Nữ, các nữ nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt Đới (TP.HCM) cho biết, tại đây họ bị phòng chức năng BV này chụp hình mà không báo trước.

Những hình ảnh này được chụp bằng điện thoại, ghi lại “những tư thế và vị trí nhạy cảm” trong lúc đang làm việc, “nhất là với những nhân viên mặc váy ngắn” và được chuyển cho lãnh đạo BV “phân tích”.

Hoang mang vì lúc nào cũng có cảm giác bị rình mò?

Theo đơn thư, khi có người phản ứng, các cấp lãnh đạo cho rằng việc làm trên là theo lệnh của ban giám đốc BV, bắt buộc phải thi hành, nhằm chấn chỉnh tác phong làm việc, bảo đảm quy trình chuyên môn.

Các nữ nhân viên viết: “Chúng tôi vô cùng hoang mang vì không biết việc chụp hình cá nhân mà không có văn bản thông báo trước như vậy có hợp pháp hay không? Nếu chúng tôi không đồng ý mà vẫn chụp là đúng hay sai? Nhân viên làm việc, nhất là những người mặc váy, vô cùng lo lắng vì không biết khi nào thì những hình ảnh chụp tư thế, vị trí nhạy cảm của mình trở thành đề tài xoi mói cho toàn thể BV?”.

Trao đổi với chúng tôi ngày 18/4, Điều dưỡng trưởng Bùi Thị Hồng Ngọc khẳng định, BV có cho phép phòng chức năng chụp hình nhưng không có chủ trương chụp “tư thế, vị trí nhạy cảm” của chị em như đơn phản ảnh. “Thật ra, công tác quản lý, giám sát do các phòng chức năng gồm phòng Điều dưỡng, phòng Quản lý chất lượng, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tiến hành thường ngày tại BV.

Có khi, ban giám đốc cũng tham gia công tác này. Thỉnh thoảng, khi thấy anh em làm việc chưa đúng, chưa hợp lý thì chúng tôi sẽ chụp hình để chấn chỉnh. Tuy nhiên, khi chụp thì ghi nhận cả ngoại cảnh, khoa phòng… chứ không riêng gì nhân viên y tế. Và quy ước nếu đã chụp người thì phải chụp từ phía sau, không tiết lộ danh tính, khoa phòng họ đang làm việc” - bà Ngọc nói.

Theo bà Ngọc, trường hợp mà lá đơn đề cập xảy ra vào cuối năm 2016, khi khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đi giám sát việc không tuân thủ quy định làm việc, thực hành rửa tay không đúng cách, không đội mũ, không đeo khẩu trang trong quá trình vận hành hoặc đang làm thủ thuật, kỹ thuật v.v…

Khi phát hiện một nữ bác sĩ mặc váy ngắn, ngồi trên ghế cao khám bệnh và gác chéo chân, nhân viên giám sát đã chụp lại hình, báo cáo ban giám đốc để cảnh báo chị em nếu không ý tứ sẽ dễ gây phản cảm. “Hình chỉ chụp phần chân cho thấy, với tư thế ngồi trên ghế cao của người đó như vậy, chỉ cần sơ ý đưa chân cao hơn một chút hoặc dang rộng ra một chút là có thể hớ hênh” - bà Ngọc nhận xét.

Hình ảnh chụp nữ bác sĩ mặc váy ngắn, ngồi chéo chân khám bệnh đã được trình chiếu trong buổi giao ban lãnh đạo BV vào tháng 12/2016, với thành phần tham dự gồm ban giám đốc, các trưởng khoa và điều dưỡng trưởng, để nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên.

Bệnh viện cam đoan bảo mật, không lộ danh tính

Khi chúng tôi đặt vấn đề gây lo lắng cho người bị chụp hình “ai bảo đảm những hình ảnh đó chỉ để phục vụ công tác giám sát chuyên môn mà không bị rò rỉ ra ngoài”, bác sĩ Huỳnh Thị Loan - Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt Đới - cho rằng, không ai trong BV biết được người trong ảnh là ai, làm việc ở khoa nào. 

Hơn nữa, người chụp phải trong đoàn giám sát được giao chức năng làm việc này và phải chịu trách nhiệm về các hình ảnh chụp trong BV. “Chúng tôi bảo đảm hình chụp không lộ diện ai cả, cũng như chịu trách nhiệm bảo mật các hình ảnh này. BV luôn chủ trương tôn trọng chị em, hoàn toàn không có chuyện chụp chỗ nhạy cảm. Chúng tôi đã triển khai hình thức chụp ảnh này hai năm nay và thấy rằng nó rất hiệu quả để nhắc nhở, chấn chỉnh” - bà Loan nói.

Trao đổi về câu chuyện trên, ngày 20/4, luật sư Phùng Thanh Sơn - Công ty Thế Giới Luật Pháp (TP.HCM) - cho rằng, chúng ta có quyền bảo mật về hình ảnh cá nhân, nhưng khi đang thực hiện một việc gì đó nơi công cộng, lúc đó vấn đề bí mật đời tư về hình ảnh không còn được đặt ra.

“Không chỉ nhân viên BV, mà cả bệnh nhân, thân nhân cũng có thể chụp để ghi nhận lại những khoảnh khắc về tư thế, tác phong trong công việc, thái độ phục vụ đang diễn ra, có nhiều người chứng kiến chứ không phải chụp nơi riêng tư trong phòng ngủ, phòng nghỉ ngơi, nhà vệ sinh của nhân viên y tế. 

Việc lãnh đạo BV làm lại nhằm mục đích cho nhân viên thấy được hình ảnh mà người khác nhìn mình như thế nào để ý thức thay đổi, chấn chỉnh… thì không có gì phải phàn nàn. Nếu không phải BV chụp mà là người dân chụp thì lại càng tệ hại hơn” - ông Sơn nhận xét.

Tuy nhiên, theo luật sư Sơn, BV phải đưa ra quy chế cụ thể, rõ ràng về việc quản lý, bảo mật những hình ảnh, thông tin này, đồng thời cũng  phải quy chế hoá cả những yêu cầu  như chụp từ phía sau, không đặc tả gương mặt, vùng nhạy cảm, không tiết lộ thông tin…

“Nếu sau này xảy ra rò rỉ thông tin, các hình ảnh sai các quy chế đó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhân viên thì họ có thể khởi kiện vì BV đã vi phạm nghĩa vụ bảo mật theo quy chế. Lúc đó BV phải bồi thường” - luật sư Sơn nói.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI