Những ngày qua, nhiều người dân ở TPHCM phản ánh hiện một số cơ sở y tế vẫn từ chối thực hiện xét nghiệm, hay yêu cầu người bệnh ra ngoài để mua thuốc có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế vì bệnh viện chưa có thuốc, sinh phẩm, hóa chất.
Bệnh viện khẩn trương tổ chức đấu thầu, mua sắm
Từ sáng sớm, ông N.T.M. (45 tuổi, ở quận 3) đến Viện Pasteur để làm xét nghiệm máu nhưng chỉ đến cổng, bảo vệ đã cho biết nơi này chưa thực hiện xét nghiệm và yêu cầu ông đến bệnh viện khác để làm. Ông M. cho biết: “Lúc đó, bên cạnh tôi còn có 2 người phụ nữ đưa con đến đây tiêm ngừa vắc xin cũng được thông báo hết vắc xin”.
Anh P.V.Đ. (35 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp) thì đang rất lo lắng bởi cha anh đang điều trị tại một bệnh viện ở TPHCM và vẫn đang chờ để làm sinh thiết. “Cha tôi có chỉ định làm sinh thiết vì bác sĩ nghi ngờ ông bị ung thư máu, nhưng hơn 1 tuần rồi mà chưa được làm xét nghiệm. Khi tôi hỏi, bác sĩ nói gia đình cố gắng chờ thêm nhưng chờ bao lâu thì bác sĩ này vẫn chưa thể trả lời” - anh Đ. kể.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duy Quang - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Pasteur TPHCM - cho biết, từ giữa năm 2022 đến đầu năm nay, do vướng các thủ tục đấu thầu, mua sắm nên nhiều loại vắc xin đã hết. Vừa qua, viện cũng rơi vào khó khăn trong việc cung ứng các xét nghiệm cho người dân bởi sinh phẩm, hóa chất dùng trong xét nghiệm cũng không còn.
Trên thực tế, ngay khi vừa thiếu vắc xin, sinh phẩm, Viện Pasteur đã rất nỗ lực tìm hiểu, tham khảo các đơn vị liên quan để lên kế hoạch đấu thầu và cố gắng tìm các nhà thầu… Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng viện từng bước tháo gỡ và cố gắng nhanh nhất có thể để đưa về vắc xin ngừa bệnh, sinh phẩm, hóa chất chăm sóc sức khỏe người dân. May mắn, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 ra đời rất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, viện đã lập tức bắt tay ngay vào thực hiện mua sắm các gói thầu.
“Hiện nay, việc mua vắc xin đang vào giai đoạn cuối cùng. Viện Pasteur đang rà soát lại hợp đồng vắc xin, các hợp đồng này đã đấu thầu thành công với đầy đủ các loại vắc xin ngừa bệnh. Dự kiến giữa tháng Tư, chúng tôi sẽ cung ứng lại dịch vụ vắc xin để chăm sóc sức khỏe người dân. Còn về sinh phẩm, hóa chất có thể chậm hơn một chút bởi công tác đấu thầu có nhiều bước phải thực hiện, tuy nhiên viện cũng sẽ cố gắng sớm có sinh phẩm để thực hiện xét nghiệm” - bác sĩ Phạm Duy Quang nói thêm. Theo ông, khoảng đầu tháng Năm, sinh phẩm hóa chất dùng trong xét nghiệm tải lượng vi rút cho bệnh nhân HIV cũng như trong các xét nghiệm khác cũng sẽ được cung ứng.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã ra các thông báo mời báo giá trong việc mua sắm thuốc, hóa chất, sửa chữa, kiểm định các trang thiết bị y tế như mua sắm máy siêu âm, dụng cụ trong phẫu thuật nội soi, sinh phẩm hóa chất… Hiện tại, bệnh viện đang tiếp tục triển khai các gói thầu theo Nghị quyết 30 và Nghị định 07.
|
Người dân tiêm ngừa, làm xét nghiệm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - Ảnh: Phạm An |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Hữu Hào - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết: “Thực tế, bệnh viện nào thiếu thuốc, sinh phẩm… trong thời gian qua đều cũng gặp một số khó khăn chung trong làm hồ sơ đấu thầu, nhập hàng (nếu là hàng nhập khẩu)… nên cần thêm một chút thời gian chứ không thể có ngay được. Tuy nhiên, người dân yên tâm vì khoa dược, phòng vật tư trang thiết bị y tế của bệnh viện vẫn đang đảm bảo nguồn cung cấp về thuốc và các trang thiết bị phục vụ trong khám chữa bệnh, còn các gói thầu theo kế hoạch hằng năm vẫn diễn ra đúng tiến độ”.
Chưa yên tâm mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế lớn
Dù Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tạo ra rất nhiều thuận lợi nhưng các bệnh viện cho biết vẫn còn khá nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện. Bác sĩ Phạm Duy Quang cho hay, mặc dù Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã kịp thời giúp Viện Pasteur vượt qua khó khăn hiện tại, tuy nhiên, thời hạn áp dụng chỉ gói gọn trong năm 2023 là khá ngắn. Rất mong ở những giai đoạn tiếp theo cũng sẽ tiếp tục có những tháo gỡ để việc mua sắm được thông suốt, tránh tình trạng vắc xin và sinh phẩm bị “đứt gãy” như thời gian qua. “Việc có đầy đủ vắc xin, hóa chất, trang thiết bị… rất quan trọng để đáp ứng kịp thời phòng, chống dịch cũng như chăm sóc tốt nhất sức khỏe người dân” - bác sĩ Phạm Duy Quang chia sẻ.
Các bệnh viện khác cũng cho biết còn khó khăn khi Nghị quyết 30 chưa hướng dẫn cụ thể vấn đề sửa chữa các trang thiết bị y tế giá trị cao bị hư hỏng, dễ “vướng” vào Luật Đầu tư công. Bởi theo Nghị định 40 hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công, muốn sửa chữa các thiết bị y tế này cần làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền để cấp này trình HĐND thành phố thông qua.
Ngoài ra, dù Nghị quyết 30 cũng đã giải quyết vướng mắc về giá trong đấu thầu vật tư, cho phép các gói thầu được báo giá dưới 3 nhà thầu, tuy nhiên, việc chấp nhận 1 báo giá khiến các bệnh viện lo lắng về vấn đề “hậu kiểm” bởi bệnh viện không biết được bảng báo giá trúng thầu chênh lệch như thế nào so với giá nhập hải quan, giá nhập khẩu nên rất có nguy cơ vi phạm Luật Đấu thầu.
Vì vậy, về lâu dài, các bệnh viện mong rằng sẽ có các quy định pháp lý chi tiết, cụ thể hơn nữa để đảm bảo an toàn cho các bệnh viện và người trực tiếp chịu trách nhiệm mua sắm, đấu thầu. Từ đó, bệnh viện mới thực sự yên tâm thực hiện mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế, quyết định chọn lựa các nhà thầu tốt nhất cung cấp thuốc, sinh phẩm… với chi phí hợp lý.
Trước những lo ngại của các bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, từ khi Chính phủ triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30, hằng tuần Sở Y tế đều tổ chức họp trực tuyến với tất cả bệnh viện trực thuộc để kịp thời hướng dẫn các đơn vị mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế một cách thuận lợi nhất.
Sở Y tế cũng ghi nhận khó khăn, đề xuất của các bệnh viện trong quá trình thực hiện các nghị định, nghị quyết này. Tổ công tác của sở cũng sẽ có các cuộc khảo sát thực tế để theo dõi, hướng dẫn liên tục nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện yên tâm điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, đơn vị nào còn lúng túng trong xử lý tình huống phải báo cáo ngay để được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay, việc Nghị quyết 30 cho phép kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt máy mượn khi cơ sở y tế trúng thầu hóa chất, vật tư đã kịp thời giúp cho bệnh viện khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị cục bộ, tạo thuận lợi trong điều trị cho bệnh nhân. Tính đến nay, bệnh viện có hơn 80% máy móc, trang thiết bị về xét nghiệm theo hình thức mượn, đặt và khoảng 7% máy móc như máy thở, giường điện… được cho, tặng. Việc đưa các thiết bị được cho, tặng nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân vào phục vụ khám, chữa bệnh đã giải quyết được nhiều khó khăn cho bệnh viện, đặc biệt là với các trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu. “Trong thời gian chống dịch COVID-19, có nhiều máy móc thiết bị y tế được tài trợ cho các bệnh viện. Nghị định 07 và Nghị quyết 30 ra đời kịp thời đã nhanh chóng “tháo nút thắt” cho ngành y tế, hướng dẫn thực hiện thủ tục sử dụng các thiết bị này một cách hiệu quả. Đặc biệt, bảo hiểm y tế cũng thanh toán đối với các thiết bị này, tạo sự thuận lợi cho các đơn vị y tế cũng như người bệnh” - bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ. |
Phạm An