Dần xem COVID-19 như bệnh thông thường
Những ngày cuối tuần qua, số ca COVID-19 ở Hà Nội liên tục giảm, tỷ lệ người khỏi bệnh tăng lên cùng tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong cùng giảm nên công tác phòng, chống dịch đã bớt căng thẳng. Cụ thể, tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hoàng Mai (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay hiện số lượng bệnh nhân nặng điều trị tại đây đã giảm tới 50% so với một, hai tuần trước, chỉ còn 100 ca/ngày. Theo ông, Việt Nam đang ở đỉnh dịch và có cơ sở để tin rằng chỉ vài tuần nữa cuộc sống, đặc biệt là hoạt động chuyên môn bệnh viện sẽ trở lại bình thường.
Thực tế, hiện nay, nhiều cơ sở y tế trên cả nước cũng đã có những bước đi đầu tiên trong tiến trình “bình thường hóa” hoạt động chuyên môn. Đơn cử, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã chủ động tiếp nhận, cấp cứu, mổ cấp cứu, hồi sức sau mổ và chăm sóc điều trị người bệnh COVID-19. “Bình thường hóa”, mở cửa đón bệnh nhân, cơ sở y tế này hướng đến việc bảo đảm tính linh hoạt cũng như dần đưa COVID-19 trở thành bệnh chuyên khoa ở người bệnh nói chung và người bệnh cần phẫu thuật nói riêng.
|
Khi công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế đang dần trở lại bình thường, việc chăm sóc nhóm nguy cơ cao phải được quan tâm để đảm bảo giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 (trong ảnh: Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Không chỉ điều trị COVID-19, nhiều bệnh viện công lập lẫn tư nhân dần xem COVID-19 là bệnh thông thường nên hàng loạt “phòng khám F0” đã hoạt động song song với khám điều trị các loại bệnh khác.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn - đơn vị tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tầng hai và ba của Hà Nội, chỉ sau gần ba tuần mở phòng khám F0, gần 2.000 trường hợp đã đến thăm khám. Cao điểm, có ngày phòng khám nhận tới hơn 100 ca, chủ yếu là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa tiếp cận được hoặc chưa yên tâm với y tế cơ sở. Đáng nói, 40% số F0 đến khám này có chỉ định nhập viện. Họ sẽ được điều trị tới khi kiểm soát được tình trạng bệnh và tiếp tục cho về nhà theo dõi.
Cũng trong tiến trình “bình thường hóa”, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc bệnh viện, cho biết số lượng bệnh nhi tới khám ở viện này hiện khoảng 2.000 ca/ngày, tăng hơn 30% so với thời gian cách đây một vài tháng. Tuy số bệnh nhi chỉ mới đạt 50% so với thời điểm cao nhất (khoảng 4.000-5.000 ca/ngày), nhưng điều này cũng cho thấy hoạt động khám chữa bệnh đã dần trở lại bình thường. Việc gia tăng bệnh nhân tới khám chủ yếu là do số trẻ chuyển tới từ các tỉnh, đặc biệt là các bé mắc bệnh lý mạn tính, suốt cả giai đoạn dài các bé không được lên bệnh viện tuyến trên điều trị vì lo lắng dịch bệnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, với những bệnh nhân COVID-19, bệnh viện bố trí khu vực riêng để khám. Hầu hết bệnh nhi có kết quả dương tính SARS-CoV-2 được tư vấn cho về điều trị ở nhà hoặc tuyến dưới. Những bệnh nhi có nguy cơ cao, bệnh rất nặng, nguy kịch phải thở máy từ các tỉnh chuyển về sẽ được đưa vào Trung tâm Hồi sức COVID-19 - cơ sở vừa được thành lập hồi tháng 2.
Bảo vệ nhóm nguy cơ cao là mục tiêu chiến lược
Trong bối cảnh đang dần “bình thường hóa” công tác chăm sóc sức khỏe người dân, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lưu ý, cần tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng để can thiệp kịp thời, vừa không để quá tải hệ thống y tế, vừa hạn chế số người bệnh tăng nặng và tử vong. Đây cũng chính là mục tiêu và chiến lược của ngành y tế các địa phương.
Liên quan tới vấn đề này, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, khu vực điều trị COVID-19 tại đây đang giảm dần sức nóng. Thời điểm trước tết Nguyên đán, bệnh viện hạng nhất này tiếp nhận, điều trị tới gần 500 ca. Tuy nhiên, tới nay chỉ còn 190 ca. Số F0 nặng, nguy kịch lúc cao nhất khoảng 150 trường hợp nay chỉ 50 người. Do đó, bệnh viện có chủ trương và đang rút dần nhân viên y tế về tập trung điều trị các bệnh thông thường khác, bởi lượng bệnh nhân nội trú tại các khu vực này đang tăng lên, từ 200 ca lên 350 ca/ngày. Thay vì bố trí nhóm nhân viên y tế trực cổng để hướng dẫn khai báo, sàng lọc, bệnh viện lắp các máy đo thân nhiệt tự động, nếu phát hiện bệnh nhân hay người nhà có nhiệt độ cao sẽ lập tức thông báo, sàng lọc, xét nghiệm. Bệnh nhân cũng chủ động khai báo về lịch sử tiếp xúc, tình trạng sức khỏe với các dấu hiệu, triệu chứng. Để bảo vệ các bệnh nhân nặng, tại các khoa, phòng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang yêu cầu cán bộ, nhân viên, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ cần phải chỉ định xét nghiệm ngay…
Một bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, để tập trung bảo vệ nhóm bệnh nhi nguy cơ cao, các khoa, phòng, trung tâm sẽ rà soát các bệnh nhi mắc các bệnh mạn tính điều trị nội trú, ngoại trú như gan, mật, thận, ung thư… để lên danh sách, ưu tiên tiêm phòng vắc-xin COVID-19 sớm khi có điều kiện, như đã thực hiện với nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi. Đồng thời, các khoa, phòng cũng tăng cường tư vấn bệnh nhân tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin khác trong độ tuổi, như vắc-xin cúm, phế cầu… tuân thủ các hướng dẫn điều trị, biện pháp dự phòng. Với nhóm bệnh nhân sơ sinh là đối tượng nguy cơ cao trở nặng khi nhiễm COVID-19, việc tư vấn, truyền thông để các bé được tiêm phòng đầy đủ cũng được thực hiện thường xuyên và hẹn tái khám khi ra viện.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, cũng thông tin bệnh viện linh hoạt khi vừa điều trị F0, vừa điều trị các bệnh lý thông thường liên quan đến lao, phổi. Đây cũng là nhóm bệnh nhân dễ trở nặng nếu nhiễm COVID-19, do đó, dù điều kiện cơ sở vật chất chật chội, nhưng bệnh viện cố gắng tạo lối đi riêng cho F0, liên tục sàng lọc ngay từ bước một cổng vào để phát hiện sớm người nhiễm. Đặc biệt, bệnh viện cũng không để người nhà vào chăm bệnh nhân để tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Mọi việc chăm sóc bệnh nhân sẽ được hỗ trợ từ nhân viên y tế của bệnh viện.
Huyền Anh