Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội: Xe ôm kiêm 'cò thuốc' lộng hành

16/01/2019 - 10:00

PNO - Không chỉ hoạt động đón, trả khách thông thường, nhiều “xe ôm” hoạt động trong Bệnh viện Bạch Mai còn thường xuyên chèo kéo, dẫn khách ra các nhà thuốc tư nhân bên ngoài với chiêu bài lừa lọc, “đánh lận con đen”.

Lập lờ “kho thuốc” nằm ngoài bệnh viện

Nằm ngay gần cổng chính của Bệnh viện Bạch Mai nên nhiều tài xế xe ôm thường lựa chọn địa điểm xung quanh nhà thuốc số 9 làm địa bàn hoạt động. Không chỉ túc trực mời chào, chèo kéo khách, nhiều xe ôm trong số này còn có thêm nghề “cò thuốc”. 

Một buổi sáng mùa đông Hà Nội, trời mưa, lạnh. Vừa thấy người phụ nữ trung niên (quê tỉnh Hòa Bình) bước chân lên vỉa hè của nhà thuốc số 9, ngay lập tức, một xe ôm vẫn còn lùm xùm trong chiếc áo mưa màu xanh, vội vàng dựng xe, chạy vào hỏi han. Khi bệnh nhân nói đi mua thuốc, người đàn ông này mau mắn xua tay: “Đơn thuốc này mua ở đây làm gì cho đắt. Bác ra ngay “kho thuốc” của bệnh viện mà mua. Ở đó, mỗi đơn rẻ hơn từ 400.000-500.000 đồng”.

Thấy vẻ ngạc nhiên của khách, tay xe ôm tiếp tục phân tích: nhà thuốc số 9 chỉ là hệ thống bán lẻ thuốc của bệnh viện nên nếu ra đúng kho thuốc thì tính theo giá bán buôn. “Không những rẻ mà thuốc còn đảm bảo chất lượng, không lo hàng đểu trà trộn”, “cò thuốc” nhấn mạnh. 

Benh vien Bach Mai, Ha Noi: Xe om kiem 'co thuoc' long hanh
“Cò thuốc” chèo kéo bệnh nhân ngay tại cửa nhà thuốc số 9, sau đó đưa vị khách này ra mua hàng tại một nhà thuốc tư nhân nằm trên đường Giải Phóng (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội)

Thấy vị khách vẫn chưa hết vẻ e dè, “cò” này tiếp tục khai thác thêm thông tin và chèo kéo: “Nếu bác muốn về quê Hòa Bình ngay thì tôi chở bác ra kho thuốc rồi đưa ra đúng bến xe luôn, giá chỉ 20.000 đồng”. Đánh trúng tâm lý “lạ nước, lạ cái” của bệnh nhân ngoại tỉnh, “cò thuốc” nhanh chóng làm thay đổi quyết định của vị khách. 

“Cò” này tiếp tục đưa bệnh nhân đi bộ ra phía cổng chính, rồi chỉ tay sang bên đường để tả vị trí “kho thuốc” của bệnh viện khiến người phụ nữ này tin tưởng và… “gật đầu”. Chỉ khoảng 2 phút sau, người phụ nữ này đã được đưa tới mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Giải Phóng, nằm chếch phía bên kia bệnh viện. Đặc biệt, biển hiệu nhà thuốc này cũng gắn chữ “Bệnh viện Bạch Mai” nên dễ dàng lấy được lòng tin của khách hàng.

Tiếp cận “cò thuốc”

Không khó để trở thành “con mồi” của những tay cò thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong vai bệnh nhân vừa khám bệnh xong, phóng viên cầm trên tay bộ hồ sơ, đi bộ đến gần khu vực nhà thuốc số 9. Ngay lập tức, một “cò” ngồi túc trực trên xe máy vồn vã hỏi thăm.

Benh vien Bach Mai, Ha Noi: Xe om kiem 'co thuoc' long hanh
Một "cò thuốc" đang chèo kéo bệnh nhân

Kịch bản cũng giống như trường hợp nữ bệnh nhân tại tỉnh Hòa Bình. “Cò” này cho biết, sẽ chở tôi ra tận “siêu thị thuốc của bệnh viện” với mức giá chỉ 10.000 đồng cho hai lượt “khứ hồi”. Sau khi gật đầu, phóng viên được “cò” này đưa tới đúng nhà thuốc trên đường Giải Phóng trước đó.

Tại đây, cùng với phóng viên còn có hai vị khách hàng khác cũng được xe ôm chở tới mua thuốc. Khi tôi gặng hỏi đây có phải kho thuốc của bệnh viện hay không, cô nhân viên ậm ờ trả lời: “Đây là cơ sở hai của nhà thuốc bệnh viện. Bây giờ, các nhà thuốc trong bệnh viện đều là của tư nhân đấu thầu hết thôi”. Hai người mua thuốc đứng bên cạnh cũng gật gù, hồ hởi ra mặt vì nghĩ rằng, họ đã không… bị lừa.

Thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn, nhân viên hiệu thuốc tiếp tục khẳng định, giá thuốc ở đây rẻ hơn so với nhà thuốc trong bệnh viện bởi không mất chi phí thuê mặt bằng. “Chất lượng thuốc thì ở đâu cũng thế”, cô này nhấn mạnh. Từ chối mua thuốc, phóng viên lên xe ôm để về bệnh viện bởi lý do đây không phải “kho thuốc” như được quảng cáo. Tuy nhiên, “cò” này vẫn tiếp tục chèo kéo, bẻ quặt tay lái rẽ vào một nhà thuốc khác - cũng gắn mác “Bệnh viện Bạch Mai” để nài ép khách mua thuốc.

“Không có nhà thuốc ngoài bệnh viện”

Trao đổi với phóng viên về tình trạng “cò thuốc”, ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin này. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, việc “cò” sống ký sinh xung quanh bệnh viện là tình trạng vẫn gây bức xúc cho cả bệnh viện và bệnh nhân: “Bệnh viện và lực lượng bảo vệ thường xuyên phối hợp cùng cơ quan công an để giải quyết tình trạng “cò” bệnh viện, hầu như tháng nào cũng bắt được các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, với một bệnh viện có lượng bệnh nhân lên tới hàng chục ngàn người thì vẫn có hiện tượng người xấu trà trộn vào…”.

Ông Dương Đức Hùng cũng cảnh báo, thông tin bệnh viện có “kho thuốc” hay “siêu thị thuốc” đặt ngoài khuôn viên bệnh viện như “cò” quảng cáo là hoàn toàn sai sự thật. “Hệ thống nhà thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai là hệ thống đạt chuẩn, mô hình mẫu cho các nhà thuốc trên toàn quốc. Do đó, bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân và người nhà nên tỉnh táo, không tin vào những lời mời chào sai sự thật”, ông Hùng nói. 

Trở lại câu chuyện giải pháp cho tình trạng “cò thuốc” lộng hành tại bệnh viện, với hoạt động đón trả khách tự do của các xe ôm, ông Hùng cho rằng, đây thực sự là một vấn đề nan giải. Bởi thực tế, khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai hiện quá rộng, nếu để cho bệnh nhân và người nhà đi lại đôi khi gây ra nhiều khó khăn. “Có những bệnh nhân bị đau chân, gãy chân đến bệnh viện, chúng tôi không thể không cho xe vào.

Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng việc này để vào bệnh viện. Thậm chí, có những đối tượng không đi xe mà đi bộ vào bệnh viện, chúng tôi cũng không thể cấm được”, đại diện Bệnh viện Bạch Mai lý giải. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, bệnh viện sẽ tính toán để tới một thời điểm nhất định sẽ cấm đi xe máy trong bệnh viện, hạn chế các hoạt động vi phạm có thể xảy ra. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI