Sáng 10/7, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh N.B.D. (sinh năm 1986, ở Thạch Hà, Hà Tĩnh) không giấu được nỗi bức xúc sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cách đây 4 tháng.
Anh D. kể, tháng 2/2019, anh cảm thấy tê đầu ngón tay phải khi vận động cổ. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) đốt sống cổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận anh bị thoát vị đĩa đệm, nghi u tủy cổ.
Ngày 1/3, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. “Sau khi vào viện, tôi phải chờ nửa tháng trời, từ ngày 1-14/3 mới được mổ. Trong thời gian này, tôi không được khám, tư vấn và chụp lại cộng hưởng từ mà các bác sĩ chỉ lấy phim cũ của bệnh viện tỉnh để điều trị tiếp”, bệnh nhân D. phản ánh.
|
Hình ảnh bệnh nhân D. tại Bệnh viện Bạch Mai |
Bệnh nhân D. nhớ lại, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho biết ca mổ khá thành công nhưng không lấy được hết u vì vị trí quá khó. Sau đó, anh tiếp tục được điều trị, hồi phục chức năng tại bệnh viện này trong gần 1 tháng. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Cụ thể, tay trái của anh D. cử động khó khăn, bàn và ngón tay phải không cử động được. 2 chân có cử động ngón nhưng tê bì và không còn cảm giác. Bệnh nhân bị co kéo cơ khiến vận động vô cùng khó khăn.
Đến lúc này, gia đình anh D. yêu cầu xem xét lại thì bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp lại cộng hưởng từ. Theo anh D., kết quả chụp cộng hưởng từ mờ, không khả quan vì bị nhiễu ảnh do nẹp, ốc vít sau mổ.
Sau đó, bệnh viện tiếp tục chỉ định cho gia đình lên lấy mẫu sinh thiết từ khối u đã lấy ra trong quá trình phẫu thuật để đưa sang Bệnh viện Việt Đức xác định lại.
“Tại Bệnh viện Việt Đức, kết quả ghi nhận đây chỉ là khối viêm tủy, không có tế bào u. Bác sĩ phẫu thuật cho tôi xem kết quả cũng nói: Đây không phải u mà là viêm rồi. Rõ ràng, Bệnh viện Bạch Mai không kiểm tra lại kỹ lưỡng khi dựa vào kết quả tuyến dưới chuyển lên khiến tôi bị mổ nhầm”, anh D. bức xúc kể lại.
|
Bệnh nhân D. cho rằng, việc các bác sĩ không kiểm tra lại kỹ càng khiến anh bị "mổ nhầm" và hiện anh bị yếu tứ chi, phải ngồi xe lăn. |
Sau khi thẻ bảo hiểm y tế của anh D. hết thời hạn sử dụng, anh được chuyển về tuyến dưới và tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại Hà Tĩnh thêm gần 2 tháng nhưng không tiến triển.
Cách đây hơn 10 ngày, theo hướng dẫn của bác sĩ đã mổ cho mình tại Bệnh viện Bạch Mai, anh D. cho biết đã tới một bệnh viện để chụp lại cộng hưởng từ. Cơ sở này kết luận anh bị thoát vị đĩa đệm, bị tổn thương tủy ngang và dính tủy nghi do phẫu thuật.
“Điều khiến tôi bức xúc hơn là thái độ của bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đối với bệnh nhân. Tôi phải đi xe lăn từ Hà Tĩnh ra Hà Nội nhưng sau 1 ngày đêm mới gặp được bác sĩ phẫu thuật để xem lại hình ảnh chụp MRI. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ nói bệnh của tôi không có thuốc chữa, nếu 1 năm không phục hồi thì chấp nhận tới khi chết”, anh D. bức xúc.
Anh D. rầu rĩ hiện anh là lao động chính trong gia đình để nuôi 2 con nhỏ; nhưng đến thời điểm hiện tại sau ca mổ, bệnh nhân đã sụt 12 kg và yếu tứ chi, không đi lại được.
“Toàn thân tôi bị tê bì, co kéo cơ từ ngang cổ đến chân, co cứng nên chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn. Do đó, tôi rất muốn Bệnh viện Bạch Mai có lời giải thích thỏa đáng. Quy trình làm việc của bệnh viện có đúng không? Lý do sợ tốn kém cho bệnh nhân mà không chụp lại dẫn tới tình trạng tôi không bị u mà lại mổ khiến tôi liệt cả người!”, anh D. bức xúc.
|
Bệnh viện Bạch Mai - nơi xảy ra vụ việc |
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết bệnh viện vừa mới tiếp nhận thông tin của bệnh nhân. Hiện, bệnh viện đang cho tiến hành kiểm tra và xác minh lại thông tin.
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng đưa ra đánh giá ban đầu không có bất thường về chuyên môn.
“Thứ nhất, bệnh nhân chuyển ra chẩn đoán là u. Như vậy đã thấy một khối choán chỗ ở tủy. Bản thân đây là u viêm hay u ác tính thì sẽ tính sau. Thứ hai, việc chụp phim lại hay không chụp không phải bắt buộc bởi phía bệnh viện ở Hà Tĩnh có chẩn đoán như vậy thì chắc chắn đã có hình ảnh chụp phim tốt. Ra tới Bệnh viện Bạch Mai, tùy theo thực tế, nếu sử dụng được dữ liệu trên phim của bệnh viện tỉnh thì không chụp lại vì lãng phí và nguy hiểm cho bệnh nhân”, bác sĩ Hùng phân tích.
Ngoài ra, bác sĩ Hùng cũng cho rằng, bệnh nhân chắc chắn đã có chèn ép trước khi phẫu thuật chứ không tự nhiên chuyển viện. Như vậy, cần phải xem xét lại từ “mổ nhầm” mà bệnh nhân đang sử dụng.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra một số giả thiết, có thể bệnh nhân mắc khối u viêm. Trong phẫu thuật, việc không lấy hết được tổ chức viêm có tỷ lệ chấp nhận được chứ không phải luôn lấy được hết. Hoặc, khối viêm sau khi mổ tiếp tục phát triển và chèn ép cho bệnh nhân.
“Tuy nhiên, đây chỉ là những giả thiết đặt ra, phía Bệnh viện Bạch Mai đang kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ bệnh án để xem lại tình trạng trước mổ của bệnh nhân như thế nào, các tư vấn trước phẫu thuật và trả kết quả cho người nhà bệnh nhân ra sao… Sau khi có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí”, ông Hùng nói.
Huyền Anh