Bệnh viện An Bình thiếu thuốc, bệnh nhân nghèo phải tìm mua bên ngoài

25/08/2018 - 17:30

PNO - Dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng nhiều bệnh nhân nghèo đến khám tại Bệnh viện An Bình (TP.HCM) phải bỏ tiền túi mua thuốc.

Bệnh nhân bán vé số để có tiền mua thuốc ngoài bảo hiểm

Nhận được thông tin Bệnh viện An Bình đang thiếu rất nhiều loại thuốc, kể cả một số thuốc cần dùng khi cấp cứu cũng yêu cầu bệnh nhân ra ngoài mua trong đêm khuya; phóng viên Báo Phụ Nữ đã đến bệnh viện này để ghi nhận thực tế.

Benh vien An Binh thieu thuoc, benh nhan ngheo phai tim mua ben ngoai
Bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện An Bình (TP.HCM).

Chiều 23/8, phóng viên trò chuyện với chị N.K.L. (46 tuổi, ở quận 6, TP.HCM) – bệnh nhân khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện An Bình. Tranh thủ giờ trưa, chị dạo vài vòng quanh bệnh viện để rao bán vé số cho người nhà bệnh nhân đang chờ lấy thuốc.

Chị kể: “Tôi bị huyết áp thấp, từng 2 lần lên cơn nhồi máu não nên giờ còn tê và yếu nửa người, khó ngủ. Ngoài ra, tôi còn bị rối loạn tiền đình, theo dõi động kinh cục bộ. Mỗi bữa trưa, tôi cố bán thêm vài tờ vé số để kiếm tiền mua thuốc”.

Chị cho chúng tôi xem toa thuốc kê ngày 23/8, bác sĩ chỉ định chị tự mua thuốc Lexomil 6mg (một loại thuốc an thần).

Benh vien An Binh thieu thuoc, benh nhan ngheo phai tim mua ben ngoai
Toa thuốc của chị L.

Chị than: “Bác sĩ biết tôi nghèo, có bảo hiểm y tế nhưng vẫn khuyên ra ngoài mua vì bệnh viện không có thuốc. Dù thuốc này không bao nhiêu tiền, nhưng tôi bán mỗi tờ vé số chỉ lời 1.000 đồng mà phải mời khách mua muốn gãy cả lưỡi. Biết mình nghèo, sức khỏe không tốt nên tôi mua bảo hiểm y tế. Lúc mới nhập viện, tôi cũng ứng 2 triệu đồng, giờ bảo hiểm y tế chi trả cho tôi 80%, 20% còn lại tôi tự trả mà vẫn khó khăn. Giờ không có thuốc thì mình đành chịu thôi, ráng bán được tờ vé số nào hay tờ đó, gom lại mua thuốc”.

Benh vien An Binh thieu thuoc, benh nhan ngheo phai tim mua ben ngoai
Chị L. đi lòng vòng trong và ngoài Bệnh viện An Bình bán vé số để có tiền nằm viện.

Nghe chị L. than bệnh viện thiếu thuốc, ra ngoài mua vất vả, ông G.V.C. (53 tuổi, ở quận 5) đang chờ lấy thuốc chữa huyết áp cao cũng bức xúc: “Tôi bị tai biến, kèm đau thần kinh tọa nên nằm điều trị ở Bệnh viện An Bình khoảng 1 tháng nay. Ngày 20/8, bác sĩ kê cho tôi loại thuốc giảm đau Ultracet và dặn ra ngoài mua, trong khi trước đây thuốc này được phát miễn phí cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế”.

Ông C. cho biết, toa thuốc trước đó ông cũng phải mua bên ngoài, thay vì được nhận thuốc bảo hiểm y tế. Lần trước, ông mua hơn 10.000 đồng/viên, mỗi ngày uống 1 viên. Uống 7 ngày hết thuốc nên bác sĩ lại kê cho toa khác ra ngoài mua.

Nơi ông thường tới mua thuốc là các nhà thuốc quanh Bệnh viện Chợ Rẫy vì ở đây có nhiều loại thuốc và giá cả khá mềm.

Benh vien An Binh thieu thuoc, benh nhan ngheo phai tim mua ben ngoai
Toa thuốc của ông C.

Một trường hợp khác là chị T.T.A. (48 tuổi, ở quận 8) bị viêm dạ dày, tá tràng. Dù được bảo hiểm y tế chi trả 80% nhưng cũng như nhiều trường hợp khác, chị phải bỏ tiền túi ra mua thuốc ở bên ngoài.

Thiếu thuốc kéo dài

Những người như chị L., ông C., chị A. chỉ là vài trường hợp trong rất nhiều bệnh nhân đã nghèo lại gặp khó vì chuyện thiếu thuốc ở Bệnh viện An Bình.

Theo nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM, tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện An Bình kéo dài đã nhiều tuần, rơi vào những thuốc thiết yếu, thậm chí cả thuốc cấp cứu như: kháng sinh chích, thuốc chống rối loạn nhịp tim, somatostatin (giảm xuất huyết dạ dày, tá tràng)...

Benh vien An Binh thieu thuoc, benh nhan ngheo phai tim mua ben ngoai
Khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế của Bệnh viện An Bình.

Chiều 24/8, chúng tôi gặp nhiều bác sĩ, cán bộ ở phòng chức năng của bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân thiếu thuốc, nhưng đều được tư vấn: “Nên gặp giám đốc, chứ không ai được phép phát biểu!”.

Chúng tôi gọi điện cho bác sĩ Bùi Mạnh Côn - Giám đốc Bệnh viện An Bình – ông khẳng định: “Có thuốc, đủ thuốc rồi”. Nhưng khi phóng viên đặt vấn đề tại sao có thuốc mà nhiều bệnh nhân, bác sĩ phản ánh phải mua thuốc bên ngoài bệnh viện dù có bảo hiểm y tế, bác sĩ Bùi Mạnh Côn hẹn tuần sau sẽ trao đổi thêm và nhanh chóng tắt điện thoại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, kết quả đấu thầu năm 2018, Bệnh viện An Bình chỉ trúng thầu gói thuốc biệt dược gốc với 79 mặt hàng, giá trị hơn 32 tỷ đồng. Riêng gói thuốc generic (mặt hàng chủ lực ở các bệnh viện) hiện chưa trúng thầu nên dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. 

Sáng 25/8, dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM – cho biết, việc chậm có kết quả trúng thầu là do bệnh viện điều hành chưa tốt nên xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vì Sở luôn hỗ trợ Bệnh viện An Bình xem xét kết quả trúng thầu nhanh nhất.

Cũng theo dược sĩ Dũng, Bệnh viện An Bình vừa mở hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu năm 2017 – 2018 nên gói thầu generic 2018 sẽ sớm có kết quả.

Năm 2018, TP.HCM có 37 đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu với hình thức đấu thầu rộng rãi để chọn danh mục thuốc phục vụ nhu cầu điều trị.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI