Sáng 30/6, tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 TP. HCM có bốn ca viêm não Nhật Bản nặng đang được điều trị. Tại BV Nhi Đồng 1 TP. HCM hiện cũng có hơn 10 đứa trẻ vật vã vì bệnh viêm não. Các bác sĩ cho biết, mùa mưa là cao điểm của các bệnh viêm não, cũng là thời điểm vào mùa bệnh viêm não Nhật Bản.
Sốt một ngày đã hôn mê
Ngồi cạnh cháu ngoại là Trần Lương Bảo K., ba tuổi trong phòng cấp cứu của khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, bà Nguyễn Thị Thu Mai vừa kéo vạt áo lau nước mắt, vừa dỗ dành: “Con mau tỉnh lại, mau hết bệnh, bà ngoại mua nhiều đồ chơi cho”. Đáp lại lời bà là những tiếng rên trong vô thức của bé K.
|
Bà Thu Mai đang chăm cháu ngoại bị viêm não Nhật Bản. |
Chỉ vào đôi chân chỉ còn chút ít cảm giác của cháu, bà Mai khóc: “Mới thấy thằng nhỏ chạy nhảy mà giờ nằm li bì, tôi xót quá. Hôm thứ Sáu (24/6), thằng bé sốt, mẹ nó bồng đi bác sĩ (BS) tư gần nhà, uống thuốc thấy bớt. Hôm sau nó lại nóng, BS nói bị sốt siêu vi, lại cho thuốc tiếp. Về nhà chưa kịp uống thì thằng bé co giật. Gia đình đưa vào BV huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh rồi phải chuyển lên BV Nhi Đồng 2. Trên đường đi thì cháu hôn mê. Vô đây, BS nói cháu bị viêm não Nhật Bản (VNNB) rất nặng. Cháu ở trong phòng cách ly ba ngày, mới cai máy thở và được ra sáng nay (30/6), nhưng vẫn còn nguy hiểm”.
Tuy con bệnh thập tử nhất sinh nhưng cha mẹ bé K. không được ở bên cạnh con. Họ phải về Tây Ninh cạo mủ cao su mướn để ứng tiền chữa bệnh cho con.
Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều trẻ lớn cũng bị mắc bệnh viêm não nặng. Em Trần Văn Ch. (14 tuổi, ấp Qui Long, xã Thạnh Mỹ, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1.
Ông Trần Văn Chanh - ông ngoại của em Ch. kể: “Cháu đang khỏe mạnh, bình thường. Trưa 16/6, cháu đi học về thấy mặt hơi buồn buồn, người hâm hấp, tôi chở ra thầy thuốc trong xóm cho cháu chích thuốc để chiều đi học tiếp. Chích thuốc xong, cháu vẫn đi chơi, đi học bình thường. Qua hôm sau, cháu bị sốt, lừ đừ nên tôi đưa vô BV huyện, ở đây vô nước biển cho cháu rồi cho về. Tới tối, cháu nóng hơn, than nhức đầu nên tôi đưa vô BV huyện và được chuyển lên BV Cần Thơ rồi chuyển tiếp lên Nhi Đồng 1. Vừa vô BV thì cháu hôn mê. BS cho chọc dò tủy sống và thông báo cháu bị VNNB, phải điều trị lâu dài. Ơn trời là cháu đã tỉnh lại được hai ngày, đã nói được một vài từ. Tôi lo quá, sợ cháu không phục hồi, phải nghỉ học thì tương lai lại y như cha mẹ nó, phải làm phụ hồ rất khổ”.
Đã chích ngừa sao vẫn viêm não?
Đó là thắc mắc của không ít phụ huynh khi đưa con vào viện. Nhưng, khi được các BS giải thích họ mới tá hỏa, vì chỉ cho con họ chích có một liều hoặc hai liều, rồi ngưng. Nhiều cha mẹ cũng không biết phải chích nhắc lại sau mỗi ba năm/ lần cho đến lúc trẻ 15 tuổi.
Có một thực tế nữa, mà chúng tôi ghi nhận là nhiều phụ huynhhay bị nhầm lẫn giữa viêm não và sốt vi-rút do chúng có triệu chứng ban đầu giống nhau như: sốt, nôn ói, đau đầu và người. Những triệu chứng này, ngay cả một số BS cũng có thể nhầm lẫn, chỉ đến khi trẻ bị rối loạn tri giác, hôn mê thì đã vào giai đoạn nặng. Có một điểm khác nhau giữa sốt viêm não và sốt virút là: viêm não với triệu chứng ngày càng tăng, trong khi sốt virút sẽ tự ổn định. Nếu có co giật hay hôn mê thì khả năng viêm não rất cao.
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cho biết, từ tháng 5 cho tới tháng 10 hàng năm là mùa SXH và viêm não. Đây là tình trạng viêm cấp tính não bộ do siêu vi trùng gây ra. Có nhiều loại siêu vi trùng gây viêm não cấp như siêu vi VNNB lây qua trung gian muỗi chích, siêu vi từ đường tiêu hóa (Enterovirus) lây qua đường ăn uống hay lây qua đường hô hấp như herpes virus. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em (hơn 90%). Hiện nay, bệnh do siêu vi VNNB có hướng gia tăng và đa phần trẻ mắc bệnh sống ở nông thôn, nơi có nhiều chuồng trại nuôi heo và ruộng lúa.
Độ tuổi mắc bệnh VNNB gặp nhiều ở trẻ từ ba đến tám tuổi. Virút gây VNNB truyền sang người từ heo, chim có mang mầm bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Muỗi Culex hút máu heo hay chim có chứa virút sau đó chích người và truyền siêu vi gây bệnh cho người. Đây là bệnh không lây từ người sang người.
Triệu chứng của viêm não cấp cũng giống như VNNB, trẻ mắc bệnh thường khởi bệnh đột ngột với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, ói mửa, lừ đừ, bỏ ăn, có thể kèm ho, tiêu chảy, sau một-hai ngày xuất hiện co giật và hôn mê và có thể tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, chỉ sau vài giờ bị sốt trẻ bị co giật và hôn mê. Do đó, khi trẻ bị sốt cần phải theo dõi chặt chẽ. Triệu chứng cảnh báo dấu hiệu sắp hôn mê của trẻ bị viêm não là:
* Trẻ sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân.
* Trẻ li bì ngủ nhiều, biếng chơi, lừ đừ, vẻ mặt không còn lanh lợi như trước hay bứt rứt hoảng hốt.
* Trẻ có những lúc trợn mắt, gồng nhẹ rồi tự hết.
Thấy những dấu hiệu này, phụ huynh cần đưa trẻ đến BV ngay. Bởi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì trẻ có thể lành bệnh và không hoặc để lại di chứng. Điều trị muộn, trẻ sẽ bị những di chứng nặng nề như: chậm phát triển, yếu liệt người, không nói được (tổn thương vùng ngôn ngữ), động kinh, sống đời sống thực vật và nguy cơ tử vong cao.
BS Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 lưu ý: Để phòng ngừa bệnh, phải diệt muỗi, ngủ mùng, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống, rửa sạch tay và quan trọng nhất là chích ngừa. Hiện nay có nhiều vắc-xin ngừa bệnh liên quan đến não, tuy nhiên, một loại vắc-xin chỉ ngừa được một bệnh não như: vắcxin VNNB, vắc-xin viêm màng não do Hib, vắc-xin não mô cầu A-C…
Cha mẹ cần cho trẻ chích ngừa khi đủ tuổi (từ 12 tháng trở lên), đủ liều (liều thứ hai cách liều đầu một tuần; liều thứ ba chích nhắc lại sau một năm) và sau đó phải chích nhắc ba năm/ lần cho đến 15 tuổi.
Thùy Dương