Bệnh viêm màng não do vi rút gia tăng

24/10/2024 - 06:15

PNO - Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) đã ghi nhận khoảng 200 trẻ nhập viện vì viêm màng não do Enterovirus (EV) gây ra.

Nhiều trẻ viêm màng não do EV

Bệnh nhi mắc viêm màng não  do vi rút điều trị tại Trung tâm  Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi trung ương
Bệnh nhi mắc viêm màng não do vi rút điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi trung ương

Sau khi ăn bữa tối ở nhà, bé N.T.H. (4 tuổi, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bỗng xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói. Buổi tối, bé bắt đầu đau đầu và cơn đau càng lúc càng tăng. Thấy các triệu chứng của con không thuyên giảm, sáng sớm hôm sau, gia đình đã đưa bé tới Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy. Kết quả, dịch não tủy biến đổi, xét nghiệm PCR trong dịch não tủy cho kết quả dương tính với EV, khẳng định trẻ viêm màng não do EV. Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, trẻ đã hết nôn, sốt, ăn uống tốt và không bị liệt tay chân.

Cũng được chẩn đoán dương tính với vi rút viêm màng não EV, bé Đ.T.M. (8 tuổi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) không có biểu hiện nôn nhưng bị đau đầu dữ dội kèm theo sốt. Khi vào viện, trẻ tỉnh táo nhưng nghi ngờ mắc viêm màng não nên được chỉ định chọc dịch não tủy và xác định mắc bệnh. May mắn, tới thời điểm hiện tại, trẻ hồi phục tốt, không để lại biến chứng về thần kinh. Mẹ của bé M. cho hay, ở lớp của con dù chưa có học sinh nào ghi nhận mắc bệnh nhưng chị cũng đã nghe tới căn bệnh nguy hiểm này. Vì vậy, 1 ngày sau khi con có biểu hiện bệnh, gia đình vội vàng đưa con đi bệnh viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Yên - Khoa Khám và điều trị ban ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) - cho biết, viêm màng não vi rút là tình trạng viêm màng não do căn nguyên vi rút gây nên. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em. Căn nguyên gây viêm màng não vi rút thường gặp nhất bao gồm: EV, Herpesvirus, nhóm Arbovirus (vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút sốt xuất huyết…). Trong đó, Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận số ca mắc viêm màng não do EV gia tăng so với những tháng trước. Theo thống kê, từ ngày 1/9 - 9/10, chỉ tính riêng ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới có khoảng 200 trẻ nhập viện điều trị vì căn bệnh này.

Các triệu chứng chính của bệnh nhi mắc viêm màng não do vi rút nói chung và EV nói riêng là sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), chán ăn, mệt mỏi. Đôi khi, bệnh nhi còn có các triệu chứng của nhiễm vi rút như sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể hoặc phát ban, trước khi có triệu chứng của viêm màng não. Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu bao gồm: sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều…

Không nên giấu bệnh

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Quế - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) - chia sẻ, EV là một họ vi rút đường ruột, gồm nhiều loại vi rút khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. EV chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải vi rút qua phân hoặc qua các dịch tiết của đường miệng. Chính vì vậy, bệnh có thể lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay chân miệng.

Theo các chuyên gia, thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, trong đó có bệnh viêm màng não do vi rút. Bên cạnh đó, viêm màng não do EV là bệnh truyền nhiễm nên dễ gia tăng khi trẻ quay lại trường học.

Phần lớn các trường hợp viêm màng não do EV thường tiến triển lành tính, sau quá trình điều trị từ 3-5 ngày, trẻ hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng. Tuy nhiên, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - nhấn mạnh, bệnh có thể tạo thành các ổ dịch nhỏ và để lại triệu chứng nặng hơn ở trẻ lớn, khiến trẻ đau đầu, khó chịu nhiều. Phần lớn trẻ phải nhập viện điều trị, cha mẹ phải nghỉ việc chăm sóc nên tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, với các bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương cũng khó để dự liệu chính xác các vấn đề có thể xảy ra từ 5-10 năm tới.

Để chẩn đoán bệnh, trẻ được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên vi rút. Hiện, bệnh viêm màng não do EV chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh. Bệnh chủ yếu điều trị theo triệu chứng, dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng…

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ có các dấu hiệu sốt, nôn, đau đầu… gia đình không nên chủ quan. “Nếu trẻ có biểu hiện nôn quá 3 lần/giờ và 5 lần/ngày, hoặc đau đầu dữ dội, đau đầu không đáp ứng thuốc giảm đau, cha mẹ cần đưa ngay tới cơ sở y tế, bởi trẻ có thể mắc các bệnh nguy hiểm như viêm màng não do EV, lồng ruột…” - bác sĩ Lê Thị Yên lưu ý.

Để phòng bệnh, các bác sĩ lưu ý, cần hướng dẫn trẻ rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt xì, đi vệ sinh. Trẻ cần ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, bác sĩ Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh: “Khi trẻ có kết quả khẳng định viêm màng não do vi rút hay các bệnh truyền nhiễm khác, gia đình không nên giấu mà cần thông báo tới trường học, các bạn chơi cùng để cùng phòng ngừa, không để bệnh lây lan. Sàn nhà, đồ chơi chung, bát đũa cần được vệ sinh sạch sẽ. Các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế… được khử trùng thường xuyên từ 5-7 ngày để hết tuần lưu ủ bệnh của vi rút”.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI