Bệnh tự miễn dịch hành hạ nhiều người trẻ

30/05/2023 - 06:01

PNO - Ước tính số trường hợp mắc bệnh tự miễn dịch đang tăng từ 3 - 9% mỗi năm trên toàn thế giới và 78% bệnh nhân là phụ nữ.

Pang (bên phải) tập thể thao 3-5 lần/tuần để hạn chế  việc bệnh viêm cột sống dính khớp của anh trở nặng - ẢNH: CNA
Pang (bên phải) tập thể thao 3-5 lần/tuần để hạn chế việc bệnh viêm cột sống dính khớp của anh trở nặng - Ảnh: CNA

Hallie Hale và gia đình đang thích nghi với cuộc sống bình thường mới ở thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ). Cô bé 13 tuổi hiện cần 1 chiếc xe lăn để di chuyển. Chỉ vài tháng trước, Hallie vẫn còn nhảy múa nhưng tất cả đã thay đổi khi cô bé mắc một căn bệnh hiếm gặp. Bé liên tục đánh rơi đồ đạc và té ngã, không thể nhìn hoặc nghe thấy dù cha bé ở ngay trước mặt.

Gia đình nghĩ Hallie bị đột quỵ vì phần bên trái cơ thể cô bé cử động rất khó khăn. Sau đó, Hallie bắt đầu nhầm lẫn về ngày tháng và bị ảo giác, thậm chí lên cơn co giật. Bác sĩ thần kinh Vikram Prakash đã chẩn đoán cô bé bị viêm não do kháng thụ thể NMDA - một loại bệnh tự miễn dịch hiếm gặp. Bác sĩ cho biết, căn bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và khiến người bệnh hôn mê chỉ trong vài tuần. Vì vậy, họ lập tức điều trị cho Hallie.

Cô bé đã trải qua gần 2 tháng trong bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng. Bác sĩ Prakash cho biết, nguyên nhân chính xác của bệnh viêm não do kháng thụ thể NMDA vẫn chưa rõ ràng nhưng 60% bệnh nhân có khối u lành tính khiến phản ứng miễn dịch khởi phát. Căn bệnh này thường thấy ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống và thanh thiếu niên. Đáng chú ý, căn bệnh tác động đến nữ giới nhiều hơn nam.

Abrial Pang là một người Singapore trưởng thành, trông khỏe mạnh như nhiều người khác. Thế nhưng anh lại bị hành hạ bởi những cơn đau như bị dao đâm vào cơ thể. Lần đầu Pang cảm nhận cơn đau thắt lưng là năm 2014 nhưng anh cho rằng do mình tập gym quá sức. Nhìn lại, anh nhận ra mình có thể đã trải qua các đợt “bùng phát sưng viêm” - tê cứng lưng, đau ở các cường độ khác nhau và mệt mỏi - trong giai đoạn 2014-2015. Nhưng mãi đến năm 2017, ở tuổi 25, anh mới được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp.

Theo bác sĩ chuyên khoa thấp khớp Koh Li Wearn - chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Tan Tock Seng - căn bệnh tự miễn dịch này dẫn đến tình trạng viêm chủ yếu ở cột sống và khớp cùng chậu, nối cột sống với xương chậu. Khoảng 0,2 - 0,5% dân số thế giới mắc bệnh này, ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ và bệnh thường khởi phát ở độ tuổi 20-30. Khi nghe bác sĩ nói bệnh không thể chữa, Pang suy sụp. Chàng trai 31 tuổi tập thể dục thường xuyên để ngăn tình trạng xấu đi, nhưng anh phải dùng thuốc chống viêm để đối phó với những cơn đau bùng phát, xảy ra khoảng 1 lần mỗi tháng. 

Ngày càng có nhiều người trên khắp thế giới phải chịu đựng những cơn đau do hệ thống miễn dịch của họ không phân biệt được các tế bào khỏe mạnh và các vi sinh vật xâm nhập, dẫn đến việc chúng tự tấn công vào các mô, cơ quan của cơ thể. Ước tính số trường hợp mắc bệnh tự miễn dịch đang tăng từ 3 - 9% mỗi năm trên toàn thế giới và 78% bệnh nhân là phụ nữ. Bác sĩ James Lee - chuyên gia miễn dịch học từ Viện Francis Crick của London, Anh - tin rằng, các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong sự gia tăng các bệnh tự miễn. 

Nhóm bệnh tự miễn bao gồm nhiều căn bệnh khác nhau, từ bệnh tiểu đường type 1 đến viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột và bệnh đa xơ cứng. Ngoài ra còn có các tình trạng hiếm gặp như viêm mạch máu. Các bệnh tự miễn dịch khác nhau ảnh hưởng đến cơ thể bệnh nhân theo những cách khác nhau, nhưng thường tất cả đều cảm thấy mệt mỏi và đau nhức.

Quá trình chẩn đoán và điều trị cũng khác nhau giữa các tình trạng bệnh, điểm chung là các bệnh tự miễn dịch đều là mạn tính và tồn tại suốt đời. Hiện không có cách chữa trị hiệu quả, tác dụng của thuốc là ức chế hệ thống miễn dịch và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm.

Ngọc Hạ (theo CNA, WESH, Guardian

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI