Bệnh truyền nhiễm ở trẻ lớn gia tăng

15/06/2013 - 11:08

PNO - PN - Báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, một số bệnh truyền nhiễm như: sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván đang có xu hướng thay đổi lứa tuổi mắc bệnh, trong đó đáng lo ngại là bệnh gia tăng ở trẻ lớn.

Vẫn còn nhiều trẻ mắc bạch hầu, ho gà, uốn ván

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa tiếp nhận bé trai L.M.Nh. (12 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) nhập viện do mắc bệnh uốn ván. Hơn một tháng nay, bệnh nhi có biểu hiện đau lưng và đã đi khám nhiều nơi, nhưng chỉ được khuyến cáo là cần tăng cường tập thể dục. Gần đây, Nh. có biểu hiện gù lưng và tình trạng này càng lúc càng nặng, dẫn đến yếu hai chân. Sau đó, bệnh nhi bị co giật, gồng người và được người nhà chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán Nh. mắc bệnh uốn ván nên chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị uốn ván, đồng thời, khi tiến hành chụp phim phổi và phát hiện bệnh nhi bị thêm lao cột sống. Các bác sĩ cho rằng, có thể do lao cột sống tạo ổ áp-xe, sau đó bệnh nhi mắc thêm uốn ván.

Benh truyen nhiem o tre lon gia tang

Trẻ lớn vẫn mắc bệnh uốn ván vì không chích nhắc vắc-xin. (Trong ảnh: trẻ đang điều trị uốn ván tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM)

BS Hồ Vĩnh Thắng, Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, một số bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi lớn hơn. Theo ghi nhận của các quốc gia trong khu vực, những năm trở lại đây, gần 50% số ca sởi xác định trong độ tuổi 18-25; hay 25% số ca mắc ho gà lại rơi vào lứa tuổi 5-15, trên 30% số ca mắc bệnh bạch hầu lớn hơn năm tuổi và số trẻ lớn mắc bệnh uốn ván vẫn cao. Tại Việt Nam, các trường hợp mắc sởi, bạch hầu, ho gà ở trẻ dưới sáu tuổi đã giảm so với trước đây, nhưng thay vào đó là gia tăng số trường hợp mắc bệnh xảy ra ở lứa tuổi lớn, nhất là bệnh rubella. Số liệu giám sát tại khu vực phía Nam ghi nhận, ba tháng đầu năm 2013 đã có 34 trẻ lớn mắc uốn ván, bảy ca ho gà, 213 ca nghi sởi và rubella. Còn năm 2012 có 122 ca trẻ lớn bị uốn ván, với 57 ca tử vong; 22 ca ho gà, 11 ca bạch hầu và hơn 1.110 ca sởi, rubella.

Theo BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM: “Nguy hiểm của bệnh bạch hầu là có thể tạo độc tố gây ra các biến chứng nặng như: viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, viêm thận, trong đó biến chứng tim gây tử vong rất cao. Trước khi có chương trình tiêm chủng, bệnh bạch hầu là bệnh của trẻ em, thỉnh thoảng gây dịch lẻ tẻ. Trẻ 6-12 tháng tuổi dễ mắc bệnh nhất. Những ca bệnh không kịp điều trị sẽ có 30-40% trường hợp tử vong, nếu được điều trị đúng thì cũng có 5-10% trẻ tử vong. Bệnh uốn ván do giẫm đạp, sử dụng các dụng cụ nhiễm nha bào uốn ván. Bệnh này gây ra biến chứng hô hấp, tim mạch, rối loạn thần kinh thực vật... bệnh ho gà và sởi lây lan qua đường hô hấp, dịch tiết của người mang mầm bệnh. Trẻ bị ho gà, sởi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, xẹp phổi, viêm não - màng não...”.

Cần lưu ý việc tiêm nhắc

Các bác sĩ cho biết, quy trình tiêm vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván theo lịch trình hiện nay là tiêm ba mũi vào lúc hai, ba, bốn tháng tuổi; riêng bệnh sởi tiêm vào lúc chín tháng tuổi. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm nhắc lại bốn loại vắc-xin này vào lúc 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh này có xu hướng xảy ra ở trẻ lớn nhiều hơn do lúc nhỏ trẻ không được chích đủ liều. Thí dụ loại vắc-xin ngừa bệnh uốn ván, nếu chỉ chích một mũi rồi ngưng sẽ không có tác dụng vì mũi đầu tiên sẽ không tạo được miễn dịch phòng bệnh. Mặt khác, có những trẻ đã chích đủ liều lúc nhỏ, nhưng vẫn mắc bệnh khi lớn vì hiệu quả mỗi loại vắc-xin chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Thí dụ sau khi chích bốn mũi vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu thì sau 10 năm, phụ huynh phải đưa trẻ chích nhắc lại để giữ mức độ kháng độc tố trong cơ thể. Hay sau khi chích bốn mũi vắc-xin ngừa uốn ván thì mũi thứ tư này chỉ bảo vệ được “thân chủ” trong 10 năm tiếp theo. Vì vậy, trẻ phải chích tiếp mũi thứ năm, lúc này trẻ được 11-12 tuổi, tuy nhiên ở thời điểm chích nhắc lại này, nhiều phụ huynh lại quên và cứ nghĩ rằng trẻ đã được chích ngừa lúc nhỏ nên bỏ qua. Trong khi mũi vắc-xin thứ năm sẽ bảo vệ trẻ khỏi uốn ván thêm 20 năm nữa.

Việc chích nhắc lại cho trẻ còn phụ thuộc vào môi trường dịch bệnh, nếu vào những thời điểm dịch bệnh tăng lên hoặc hiện tượng trẻ lớn mắc bệnh ngày càng nhiều thì ngành y tế chủ động triển khai các chiến dịch tiêm nhắc bổ sung.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI