Bệnh tiêu chảy có nguy cơ bùng phát

01/08/2014 - 11:01

PNO - PN - Trước thông tin bé Mạc Thị Anh Th. (30 tháng tuổi, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) vừa tử vong do tiêu chảy cấp; nhiều người dân tại TP.HCM không khỏi lo lắng vì trong vòng chưa tới 10 ngày, tại huyện Bình Chánh đã có hai ca...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ổ dịch mới với bảy người mắc

Chiều 31/7, trời mưa lất phất, con đường ngoằn ngoèo vào nhà bé Th. rất khó tìm; khi chúng tôi đưa địa chỉ nhà bé Th. ra, không ai biết, nhưng khi hỏi về một bé gái vừa tử vong do tiêu chảy cấp thì người dân nào cũng rành rọt hướng dẫn “qua ngã ba gần cây đa, quẹo phải, anh cứ chạy thẳng đến khu vườn mít nơi xảy ra ổ dịch”…

Trong con hẻm vừa xảy ra ổ dịch, chỉ có vài nhà mở cửa, nhưng thấy người lạ đến là vội đóng cửa lại. Anh Tuấn (cha của bệnh nhi vừa tử vong) ngồi co ro bên mâm cơm chay trước bàn thờ bé Th.

Rụt rè tiếp chúng tôi, anh kể: “Ngày 23/7, tôi cũng nghe bên xã Lê Minh Xuân có một bé (quê Đồng Tháp) tử vong do tiêu chảy cấp. Không ngờ, đến ngày 25/7, cả hai con của tôi là cháu Th. và em trai cùng bị sốt 380C, ói bốn-năm lần/ngày nên tôi sợ quá đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau đó, cả hai chị em tiếp tục tiêu chảy sáu-bảy lần/ngày. Sau ba ngày điều trị, thằng em thì ổn định, được xuất viện nhưng riêng cháu Th. thì... Gia đình tôi đã đưa cháu về Tiền Giang chôn cất”. Vợ anh Tuấn nói thêm: “Cháu vốn mắc bệnh tim bẩm sinh, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh nên sức đề kháng với bệnh tiêu chảy cấp quá yếu”.

Thấy gia đình anh Tuấn trao đổi với phóng viên, một gia đình bốn-năm người, sát nhà anh Tuấn cũng ra bắt chuyện. Một cụ ông băn khoăn “Ở đây toàn là trẻ nhỏ, mỗi gia đình có từ hai-ba trẻ. Kể từ khi xóm xảy ra ổ dịch tiêu chảy cấp thì nhà nào cũng đóng cửa. Gia đình tôi có nhiều cháu nên rất hoang mang không biết dịch bệnh do đâu. Nếu ấp 5 này dơ bẩn như bên ấp 1, xã Lê Minh Xuân mà báo chí nêu thì không bàn, chứ nhà nào ở đây cũng xây cất khang trang, có nhà vệ sinh riêng biệt, đường hẻm đổ xi măng thông thoáng, ngoại trừ một vài lô phía trước đọng nước mưa do chưa xây cất nhưng không ai lấy nước đọng để nấu ăn, tắm rửa. Đáng lo là một số gia đình không hợp tác với cơ quan chức năng khi giấu bệnh cho con”. Rồi cụ ông chỉ vào một căn nhà cho biết: “Nhà này có đứa con nhỏ bị tiêu chảy mà không báo cho ai biết, đến khi uống thuốc không cầm được mới báo cho trạm y tế”.

Benh tieu chay co nguy co bung phat

Người dân ở ấp 1 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh sử dụng nước ao trong sinh hoạt - Ảnh: Ngọc Trương

Ngăn ngừa dịch bệnh cả trong trường học, khu công nghiệp

Trao đổi về trường hợp của bé Th. vừa tử vong, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: bệnh nhân sốt cao liên tục, diễn tiến co giật, hôn mê, sốc kéo dài. Dù các bác sĩ điều trị chống sốc tích cực, hỗ trợ hô hấp thở máy, kháng sinh nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết thêm, trong trường hợp này, dù cháu bé nhiễm E.Coli nhưng tử vong vì thể tạng yếu và có nhiều bệnh lý đi kèm như tăng tuyến thượng thận và tim bẩm sinh.

Ngay khi xảy ra ổ dịch tại ấp 5, nhân viên Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A liên tục tuyên truyền cho người dân phòng bệnh tiêu chảy cấp. Y sĩ Nguyễn Thị Thi, quyền Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A cho biết, ngoài hai chị em bé Th., ấp 5 còn có năm bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nghi do mắc bệnh tiêu chảy cấp. Hiện các bệnh nhân này đang được theo dõi chặt, một số người đã hết bệnh sau khi uống thuốc. Ấp 5 có đến 90 hộ dân nên sau khi bé Th. tử vong, nhân viên y tế đã xuống phát thuốc Chloramin B cho các hộ dân lau sàn nhà, thả chất diệt khuẩn xuống các khu nước đọng và lấy mẫu nước giếng khoan của các hộ đi xét nghiệm… Điều đáng lo là thái độ của người dân khi mắc bệnh, đã không đưa trẻ đi chữa trị kịp thời, thậm chí còn muốn giấu thông tin với cơ quan y tế.

Chiều 31/7, làm việc với Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) bà Lê Thị Nữ, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, trong khoảng thời gian ngắn, trên địa bàn đã có hai ca tử vong do tiêu chảy cấp là điều không bình thường. Chính quyền địa phương đã khẩn trương cùng các ban ngành xử lý môi trường, lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm, tuyên truyền vận động người dân ăn chín uống sôi, rửa tay, giữ gìn vệ sinh cá nhân... UBND huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị trường học và khu công nghiệp tuyên truyền vận động mọi người giữ vệ sinh thân thể và môi trường xung quanh nhằm ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cảnh báo, hiện bệnh tiêu chảy cấp đang vào mùa, người dân cần phải hết sức đề phòng bằng việc ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh. Sở Y tế thành phố đã yêu cầu địa phương cung cấp nước sạch cho người dân và xử lý môi trường, khoanh vùng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 Văn Thanh - Tiến Đạt

  

Ngày 31/7, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Các khu di dân, khu ở tạm, khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường thấp, khu vực trước đây đã ghi nhận các ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả cần đảm bảo duy trì nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5mg/lít tại vòi sử dụng. Các sở y tế tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, tập trung vào bệnh tiêu chảy cấp nhằm phát hiện sớm, chủ động xử lý các ổ dịch không để bùng phát…

 Bảo Thoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI