Bệnh thủy đậu vào mùa, phải lưu ý hơn đến con trẻ

19/01/2018 - 08:03

PNO - Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cảnh báo, nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu (trái rạ), thậm chí cả trẻ sơ sinh và những trẻ đã chích ngừa nhưng chưa đủ liều.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cảnh báo, từ đầu tháng 1/2018 đã xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu (trái rạ), thậm chí cả trẻ sơ sinh và những trẻ đã chích ngừa nhưng chưa đủ liều. Đây là thời điểm “đầu vụ” của bệnh nên mọi người phải hết sức lưu ý phòng tránh, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ.   

Benh thuy dau vao mua, phai luu y hon den con tre
Trẻ sơ sinh bị thủy đậu. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Chủ quan vì đã chích ngừa

Chiều 11/1, chị Trần Hồng X. (Q.8, TP.HCM) đã phải đưa con trai 4 tuổi đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 khám vì mặt bé nổi chi chít bóng nước. Chị kể: “Cách đây một tuần, tôi thấy con bị nổi mấy mụn nhỏ trên tay nhưng chỉ nghĩ con bị kiến cắn. Lúc đó, con tôi không sốt, cũng không có biểu hiện chán ăn, nóng sốt; chỉ hơi hâm hấp.

Sáng nay tôi vẫn cho cháu đi học bình thường, nhưng đến trưa thì cô giáo gọi điện báo cháu bị thủy đậu, yêu cầu đến đón về để tránh lây sang các bạn khác. Tôi đến trường thì đã thấy mặt cháu lấm tấm mụn nước, nên đưa thẳng vào đây khám luôn. Tôi cứ tưởng cháu đã chích ngừa rồi thì không mắc bệnh nữa, vậy mà...”.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh thủy đậu thường xảy ra vào mùa đông - xuân và kéo dài đến tháng 6. Bệnh có thể lây nhiễm cho mọi người, từ trẻ sơ sinh đến người già. Trẻ chích ngừa rồi vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa đủ liều (chích 2 mũi mới đủ miễn dịch). Vì vậy, nhiều trẻ dễ bị lơ là khi mới phát bệnh vì phụ huynh chủ quan nghĩ là con mình đã chích ngừa thì không mắc bệnh nữa.

Benh thuy dau vao mua, phai luu y hon den con tre
Từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể mắc bệnh thủy đậu

Bỏ qua dấu hiệu cảnh báo, điều trị sai lầm  

Khi mới phát bệnh, nhiều trẻ bị ngứa quá đã gãi đến bể bóng nước gây bội nhiễm, vì cha mẹ không nghĩ con mình đang mắc bệnh thủy đậu để đưa đi điều trị kịp thời và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý dấu hiệu của bệnh thủy đậu như: khởi phát đột ngột với sốt, người mệt mỏi, chán ăn, đau nhức mình; sau đó trên da xuất hiện các mụn bóng nước, trong vòng 24-48 giờ mụn nước có thể nổi khắp toàn thân.

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra; lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), qua nước bọt bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi... lây từ bóng nước, vùng da bị tổn thương, lở loét của người bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh rất dễ lây cho thai nhi qua nhau thai.

Những nốt đỏ của bệnh thủy đậu giống với chân rạ nên dân gian gọi là bệnh trái rạ. Chữ rạ trong từ bệnh trái rạ và gốc rạ không  liên quan với nhau về mặt y học.

Một  sai lầm thường gặp là khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ thường không cho trẻ ra gió. Nhiều trường hợp trẻ còn không được tắm rửa hoặc dùng gốc rạ nấu nước tắm hay uống nước nấu với gốc rạ. Việc này khiến nhiều trẻ khi được đưa đến BV thì đã trong tình trạng nhiễm trùng nặng do không giữ vệ sinh cơ thể. Có những bà mẹ còn giữ rịt con trong nhà, trùm kín mít với niềm tin mụn nước sẽ mau “trổ” hết, con mau khỏi bệnh.

“Mọi người cần hiểu, với những người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước sẽ nổi ít hơn, tình trạng bệnh sẽ ít trầm trọng hơn so với người bệnh có thể trạng không tốt, bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu...” - bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Để phòng tránh bệnh thủy đậu, trẻ cần được chích ngừa đủ 2 mũi. Người lớn khi mắc bệnh phải cách ly với trẻ nhỏ, vì nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh sẽ lây cho con nhỏ. Bệnh thủy đậu có thể chăm sóc tại nhà, nhưng nếu thấy mụn nhiễm trùng tấy đỏ lan ra xung quanh, nổi quá nhiều mụn nước, sốt quá cao, bỏ ăn, thở mệt... phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Đây là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và  màng não… 

Benh thuy dau vao mua, phai luu y hon den con tre
Bệnh thủy đậu có lây không luôn là câu hỏi của nhiều bà mẹ có con nhỏ? Ảnh: Hiếu Nguyễn

Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị thủy đậu

Không cần kiêng ăn, kiêng gió, kiêng nước để sổ mụn ra hết vì trẻ ra mụn càng ít thì sức đề kháng càng tốt, càng ít biến chứng.

Trùm kín người và không tắm sẽ gây đổ mồ hôi, ngứa ngáy, dễ nhiễm trùng nốt rạ và để lại sẹo (không nhiễm trùng thì không có sẹo).

Trùm kín sẽ không thoát được nhiệt, sốt càng cao.

Vẫn tắm cho trẻ mỗi ngày, tắm bằng xà phòng như trước khi bệnh. Không cho trẻ tắm nước gốc rạ và càng không được uống nước gốc rạ.

Khi mụn nước chưa bể có thể bôi pommade acyclovir, khi mụn bể thì bôi milian.

Cho trẻ bú bình thường và ăn uống đủ chất.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh có thể phải nhập viện.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI