Bệnh thủy đậu vào mùa

13/04/2016 - 21:59

PNO - Bệnh thủy đậu thường bắt đầu xuất hiện khoảng tháng 12 mỗi năm, đến tháng Hai thì tăng dần và tháng Tư - Năm được xem là cao điểm của bệnh.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1, tháng Tư là cao điểm của bệnh thủy đậu, dân gian còn gọi là trái rạ, phỏng. Hiện mỗi ngày đều có khoảng vài chục trẻ mắc bệnh đến khám tại các BV Nhi Đồng 1 và 2. Bệnh trái rạ thường bắt đầu xuất hiện khoảng tháng 12 mỗi năm, đến tháng Hai thì tăng dần và tháng Tư - Năm được xem là cao điểm của bệnh.

Bệnh này lây qua đường hô hấp, do vi-rút có nhiều trong hầu họng của người bệnh nên khi ho, hắt hơi, nhảy mũi… có thể truyền mầm bệnh sang người lành. Triệu chứng của bệnh là nổi bóng nước, sốt, mệt mỏi, đau nhức khắp người. Đặc biệt, bóng nước nổi rất nhanh, người bệnh càng khỏe thì càng ít mụn nước. Trẻ nhỏ bị bệnh này thì bị hành nhiều hơn trẻ lớn và người trưởng thành.

Việc quan trọng nhất trong điều trị bệnh thủy đậu là làm sạch da và vệ sinh thân thể. Khi mắc bệnh không nên kiêng tắm, kiêng gió, tắm gốc rạ, uống nước gốc rạ, trùm kín, cạy mụn nước vì sẽ khiến bệnh nặng hơn. Khi nốt mụn chưa vỡ có thể bôi acyclovir, mụn vỡ thì bôi milian. Không bôi hay đắp các loại lá theo dân gian, vừa không khỏi bệnh vừa có nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi mụn nước “xổ”, người bệnh sẽ giảm sốt, tổn thương bóng nước khô dần rồi tự bong tróc vài ngày sau đó, nhưng để lại vết thâm da và sẹo trong khoảng ba-sáu tháng mới hết hẳn.

Benh thuy dau vao mua
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Theo BS Trương Hữu Khanh, phần đông trẻ bị thủy đậu đều điều trị ngoại trú, chỉ khi tình trạng bệnh nặng, bị biến chứng mới phải nằm viện. Bệnh nhân thủy đậu có thể bị biến chứng nhiễm trùng da do vệ sinh không kỹ, kiêng tắm, trùm kín… Khi bị nhiễm trùng da nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi có dấu hiệu tấy đỏ lan xung quanh những mụn nước, bệnh nhân cần đi khám để được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, bệnh còn có những biến chứng khác như: viêm phổi - có thể gặp ở người miễn dịch kém, trẻ dưới một-hai tháng; dấu hiệu: thở nhanh, sốt, ho nhiều… Viêm tủy - dấu hiệu là bỗng dưng yếu hai chân. Viêm tiểu não - vừa hết thủy đậu thì bị chóng mặt buồn nôn. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng chỉ với những thai nhi dưới 12 tuần tuổi.

Để phòng bệnh, nên hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay cho trẻ thường xuyên và mang khẩu trang cách ly với người bệnh. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là chích ngừa (hai mũi). Đặc biệt những trường hợp đã tiếp xúc với người bệnh trong 72 giờ, chích ngừa vẫn có tác dụng phòng bệnh.

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI