Người có bệnh nền mắc thủy đậu dễ nguy kịch
Bác sĩ Võ Trương Quý - Phó trưởng Khoa Nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết, ca thủy đậu ở người lớn ghi nhận tại bệnh viện trong những tháng đầu năm 2024 đang gia tăng. Cụ thể, tháng Một có 164 ca, tháng Hai có 124 ca, tháng Ba có 134 ca. 2 tuần nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 30 trường hợp điều trị nội trú. Những bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu ở thể nhẹ sau khi khám sẽ được bác sĩ kê toa về nhà uống thuốc, trường hợp nặng thì phải nhập viện theo dõi và điều trị. Ca bệnh nặng phải nhập viện chiếm khoảng dưới 2% trên tổng số bệnh nhân tới khám.
|
Bác sĩ Võ Trương Quý - Phó trưởng khoa Nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - khám cho một bệnh nhân lớn tuổi bị thủy đậu gây biến chứng viêm não và viêm phổi |
Trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phải kể tới là nam bệnh nhân (70 tuổi, ngụ tại quận 8) bị tai biến 2 năm nay. Bệnh nhân đang điều trị phục hồi chức năng tại một bệnh viện gần nhà thì bỗng dưng tri giác lơ mơ, có mụn nước nổi rải rác trên cơ thể. Bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào chiều 2/4. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị biến chứng thủy đậu gây viêm não, viêm phổi. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có bệnh lý van tim và tai biến mạch máu não, tiểu đường. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp, truyền thuốc kháng vi rút…, tiên lượng rất nặng.
Một trường hợp khác phải nhập viện điều trị thủy đậu là nam thanh niên P.Đ.V. (22 tuổi, ngụ tại quận 6), bị bội nhiễm bóng nước trên cơ thể. V. có bệnh lý béo phì nên có nguy cơ trở nặng rất cao.
Nhiều bệnh nhân đến khám khi bệnh thủy đậu đã ở giai đoạn trễ, biến chứng nổi mụn mủ nhiều và khó thở. Theo bác sĩ Võ Trương Quý, nếu đến sớm trong vòng 72 tiếng kể từ khi có dấu hiệu sốt và nổi bóng nước thì việc điều trị bệnh rất thuận lợi. Sau khoảng thời gian này, thuốc kháng vi rút giảm hiệu quả, bệnh nhân sẽ phải nằm viện lâu hơn.
So với trẻ em, tỉ lệ mắc thủy đậu ở người lớn cao hơn, dễ bị biến chứng hơn. Trong đó điển hình là các biến chứng viêm phổi, viêm não. Nguyên nhân chính do nhu cầu công việc, khi bị bệnh vẫn gắng sức đi làm, tiếp xúc nhiều... Không chỉ vậy, người lớn đôi khi không nhớ mình đã từng tiêm ngừa thủy đậu hay chưa hoặc tưởng mình đã từng bị thủy đậu lúc nhỏ nên chủ quan, không tiêm vắc xin và không có biện pháp bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với người bị thủy đậu.
Thời điểm bệnh thủy đậu dễ phát triển thành dịch nhất là từ tháng Một đến tháng Năm hằng năm. Do đó, bác sĩ Võ Trương Quý cảnh báo người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ và nhận biết sớm các dấu hiệu để đi khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nhiều trẻ bị lây từ cha mẹ
Ngày 2/4, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết: có 3 ca thủy đậu đang điều trị nội trú. Điều khác biệt là các bệnh nhi thủy đậu đợt này nằm viện kéo dài đến 14 ngày thay vì chỉ vài ngày như trước đây. Tại phòng khám của bệnh viện, mỗi ngày cũng có vài trường hợp tới tái khám và theo dõi bệnh thủy đậu ngoại trú.
Điều này cho thấy bệnh nhi mắc thủy đậu tại bệnh viện đang tăng so với cùng kỳ những năm trước và so với tháng Hai vừa qua. Đáng lưu ý, thường khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, người dân chủ yếu tự chăm sóc và điều trị ở nhà. Chỉ khi nào bệnh trở nặng cha mẹ mới đưa con đi khám.
Tất cả bé mắc thủy đậu phải nhập viện đều có biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng bóng nước ngoài da dẫn tới nhiễm trùng máu. Trường hợp điển hình bị biến chứng của bệnh thủy đậu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bé gái P.T.H.Y. (13 tuổi, quê tỉnh Cà Mau). Bé Y. bị thủy đậu trên nền bệnh lupus ban đỏ. Ban đầu, bệnh nhi bị sốt, nổi bóng nước toàn thân. Sau đó, bé bị co giật, biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan. Y. đã được chăm sóc đặc biệt tới nay là 15 ngày.
Còn bé trai 29 ngày tuổi Đ.A.T. (Đồng Tháp) nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng nhiễm trùng bóng nước trên da rồi diễn tiến thành nhiễm trùng máu, biến chứng viêm phổi. Tới nay, T. đã được điều trị kháng sinh sang ngày thứ năm. Một ca khác đang nằm viện là bé gái sơ sinh 20 ngày tuổi (TPHCM). Người mẹ đã tiếp xúc với người bị thủy đậu, mắc bệnh và lây cho bé. Bé bị thủy đậu biến chứng thành viêm phổi.
Tất cả bệnh nhi thủy đậu có điểm chung là bị lây từ cha, mẹ. Do đó, bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo: nhà trường cần phối hợp với ngành y tế để rà soát lại những bé chưa tiêm ngừa thủy đậu hoặc có nhưng chưa tiêm mũi nhắc để tiêm bổ sung kịp thời, tránh dịch bùng phát trong môi trường học đường.
Ông nhận định thủy đậu là một bệnh lý dễ nhận thấy nhưng nhiều phụ huynh bị nhầm lẫn trong ngày đầu của bệnh. Lúc này, khi các bóng nước chưa nổi nhiều, cha mẹ dễ tưởng là con bị dị ứng do nắng nóng nên chưa đưa trẻ đi khám để can thiệp ngay. Bệnh thủy đậu đa số theo dõi ngoại trú. Bác sĩ sẽ điều trị cho bệnh nhi bằng thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc tím bôi ngoài da tránh nhiễm trùng bóng nước và thuốc kháng vi rút. Phụ huynh cần cho trẻ tái khám đúng hẹn và lập tức đến bệnh viện nếu thấy con có dấu hiệu trở nặng như sốt cao khó hạ, li bì, co giật...
Cần tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu Thủy đậu là bệnh ngừa được. Bác sĩ Võ Trương Quý khuyên người dân hãy tiêm ngừa đầy đủ. Những người lớn không nhớ mình đã từng được tiêm ngừa hay bị thủy đậu chưa thì vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa bệnh. Khi tiếp xúc với người bị nổi nốt bóng nước thì tốt nhất nên đeo khẩu trang vì vi rút chủ yếu lây qua dịch tiết cơ thể và giọt bắn. Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ từ 12 tháng sẽ bắt đầu tiêm ngừa thủy đậu và tiêm nhắc lại vào lúc trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ nhận thấy xung quanh khu vực mình ở đang có trường hợp mắc bệnh thủy đậu thì trẻ từ 9 tháng tuổi cũng có thể tiêm ngừa vắc xin được. |
Thanh Huyền