Bệnh thận mạn rình rập người trẻ

10/08/2024 - 06:20

PNO - Bệnh thận mạn đang rình rập giới trẻ với số ca mắc gia tăng đáng báo động. Những thói quen sinh hoạt tưởng chừng vô hại như ăn uống thiếu khoa học, ít vận động là nguyên nhân chính đẩy nhiều người trẻ vào cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Bệnh thận mạn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, xã hội.

Phát hiện bệnh muộn vì chủ quan

Anh P.V.H. (40 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) là trưởng phòng kinh doanh của một công ty thiết kế. Anh có tiền sử hút thuốc lá 20 năm. Mỗi lần stress vì công việc, anh càng hút nhiều hơn. Bên cạnh đó, anh còn bị tăng huyết áp. Dù được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị nhưng anh H. hay chủ quan, quên uống thuốc và không tái khám đúng hẹn. Gần đây, anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chân tay phù nề, đặc biệt là vào buổi tối. Việc tiểu tiện của anh cũng thay đổi, lúc nhiều lúc ít, nước tiểu có bọt và màu sắc lạ. Ban đêm, anh không ngủ được vì đi tiểu nhiều lần. Các triệu chứng này khiến anh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và công việc.

Cố gắng chịu đựng nhưng các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng, anh H. lo lắng và quyết định đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng thận của anh đã suy giảm nghiêm trọng: anh được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Việc điều trị chạy thận nhân tạo hằng tuần đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của anh. Mỗi lần chạy thận, anh phải dành cả ngày tại bệnh viện. Điều đó khiến anh không thể chuyên tâm cho công việc. Chi phí điều trị khá cao cũng là một gánh nặng lớn cho gia đình anh. Kể từ khi phát hiện bệnh, anh rất chán nản, cô đơn, tự ti.

Lối sống thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân  khiến bệnh thận mạn ngày càng trẻ hóa - Ảnh minh họa: Internet
Lối sống thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến bệnh thận mạn ngày càng trẻ hóa - Ảnh minh họa: Internet

Chị T.T.B. (35 tuổi, giáo viên, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường từ khi còn rất trẻ do yếu tố di truyền từ gia đình. Chị không kiểm soát đường huyết tốt do hay quên uống thuốc và khó duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp. Sau nhiều năm, bệnh đái tháo đường của chị ngày càng nặng và bắt đầu gây các biến chứng lên thận. Chị thường xuyên cảm thấy khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, sụt cân.

Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, chị B. đi khám và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Chị phải đối mặt với việc chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Việc chạy thận làm chị cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược và dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Chị B. không thể làm việc như trước đây, các mối quan hệ xã hội cũng bị hạn chế. Chưa hết, chị luôn cảm thấy lo lắng về tương lai và chi phí điều trị kéo dài.

Thêm một trường hợp là anh N.V.D. (35 tuổi, nhân viên phòng kỹ thuật của một công ty tại quận 1, TPHCM). Do áp lực công việc cao, anh thường xuyên thức khuya, ăn uống không điều độ, ít vận động.

Trong một thời gian dài, anh D. hay cảm thấy mệt mỏi, đau đầu và tiểu ra máu. Tuy nhiên, anh chủ quan cho rằng đó chỉ là dấu hiệu tạm thời nên không đi khám ngay. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, anh mới quyết định đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh bị viêm cầu thận cấp, tiến triển nhanh thành suy thận mạn. Việc điều trị khiến cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn. Anh phải nghỉ việc, dành nhiều thời gian để điều trị và chăm sóc sức khỏe. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn khiến anh cảm thấy bất lực, chán nản.

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu

Trong hội nghị khoa học thường niên năm 2024 Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa tổ chức tại TPHCM, thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Ngọc Yến - Phó trưởng Khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, bệnh thận mạn ở người trẻ là vấn đề rất cần quan tâm. Ước đoán có hơn 800 triệu người trên thế giới mắc bệnh thận mạn. Dự đoán tới năm 2040, bệnh thận mạn sẽ là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nếu không có sự dự phòng, kiểm soát, can thiệp kịp thời. Không chỉ có tỉ lệ mắc và tử vong cao, bệnh còn gây ra gánh nặng về y tế. Chi phí điều trị bệnh này rất cao, nhất là khi bệnh nhân đã vào giai đoạn điều trị thay thế thận (cao gấp nhiều lần so với chi phí điều trị suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim). Đây được xem là một khủng hoảng về y tế cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo số liệu thống kê của nhiều nghiên cứu từ năm 2020, bệnh thận mạn ở người trẻ đang gia tăng. Bệnh thận mạn ở người trẻ gây ra rất nhiều hệ lụy, tuổi thọ rút ngắn khoảng 30 năm. Chẳng hạn người 40 tuổi mà sức khỏe và chất lượng sống như người 75 tuổi.

Hiện nay, các vấn đề về bệnh thận mạn ở người trẻ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Điều trị bệnh thận mạn ở người trẻ chủ yếu dựa vào khái niệm suy từ nghiên cứu cho bệnh nhi hoặc người lớn tuổi mắc bệnh này. Nguyên nhân người trẻ mắc bệnh thận mạn gia tăng có liên quan tới sự gia tăng về đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì. Cụ thể, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận chiếm gần 80% nguyên nhân gây bệnh thận mạn. Trong đó, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu. Ước tính 36% bệnh nhân đái tháo đường sẽ có bệnh thận mạn đi kèm.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy xu hướng mắc đái tháo đường ở độ tuổi thanh thiếu niên cũng gia tăng. Tương tự đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì cũng đang chiếm một tỉ lệ khá cao ở người trẻ. Như vậy, có thể hiểu đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì và bệnh thận mạn như 1 vòng xoắn bệnh lý, đặc biệt ngày càng trẻ hóa. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây ra bệnh thận mạn như tiền đái tháo đường, hút thuốc lá, đặc điểm dân số (béo phì, lớn tuổi…), môi trường, biến đổi khí hậu, suy dinh dưỡng…

Dự phòng, tầm soát, điều trị kịp thời

Bệnh thận mạn cần được tầm soát sớm từ giai đoạn đầu, kéo dài thời gian bệnh nhân không cần điều trị thận thay thế. Các đối tượng phải tầm soát là người có tiền sử béo phì, tăng huyết áp, tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường, người có yếu tố gia đình về bệnh thận mạn… Bệnh thận mạn không đơn độc mà đi cùng với bệnh tim mạch, chuyển hóa. Bệnh nhân cần được đánh giá yếu tố nguy cơ rồi kiểm soát thật tốt các yếu tố đó, xét nghiệm tầm soát nhằm phát hiện sớm để kéo dài thời gian cần điều trị thay thế thận. Bệnh nhân cần được kiểm soát biến chứng kịp thời. Cuối cùng, lúc bệnh nhân vào suy thận mạn giai đoạn cuối thì cần được điều trị bảo tồn, thay thế, ghép thận kịp thời.

Các đối tượng phải tầm soát bệnh thận mạn là người có tiền sử béo phì, tăng huyết áp, tiền đái tháo đường  hoặc đái tháo đường, người có yếu tố gia đình  về bệnh thận mạn… - Ảnh minh họa: Internet
Các đối tượng phải tầm soát bệnh thận mạn là người có tiền sử béo phì, tăng huyết áp, tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường, người có yếu tố gia đình về bệnh thận mạn… - Ảnh minh họa: Internet

Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng rất nhiều tới thận. Ăn quá nhiều đạm sẽ làm giảm khả năng tự điều hòa của thận, tăng lưu lượng máu ở cầu thận… Những điều này là khởi đầu cho quá trình xơ hóa thận của bệnh thận mạn. Tương tự, ăn nhiều thực phẩm như trứng, sữa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn.

Qua đó, bác sĩ Ngọc Yến khuyến cáo người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi cần thực hiện 8 nguyên tắc vàng để phòng tránh bệnh thận mạn. Đó là: giữ cân nặng và hoạt động thể lực, kiểm tra và kiểm soát đường huyết, theo dõi huyết áp, ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng, không hút thuốc lá, duy trì uống đủ nước, không uống thuốc giảm đau và kháng viêm không kê đơn thường xuyên, kiểm tra chức năng thận khi có bất cứ yếu tố nguy cơ nào.

Bệnh thận mạn được coi như đoạn cuối con đường của nhiều bệnh khác. Trên thế giới và Việt Nam, tình trạng trẻ hóa thận mạn đặt ra nhiều vấn đề đối với việc điều trị, gây gánh nặng y tế cho xã hội, gánh nặng kinh tế cho các gia đình.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI