Bệnh thần kinh vẫn làm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu: Thật giả mơ hồ

18/03/2013 - 10:04

PNO - PN - Mất sức lao động đến 76% và mắc bệnh về thần kinh nhưng một vị bác sĩ vẫn làm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu. Chuyện tưởng như đùa nhưng hoàn toàn có thật ở Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Benh than kinh van lam Truong khoa Hoi suc cap cuu: That gia mo ho

Benh than kinh van lam Truong khoa Hoi suc cap cuu: That gia mo ho

Đùa với mạng sống người bệnh?

Giữa năm 2012, đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Châu Thành đã đồng loạt lên tiếng trước những biểu hiện “lạ” về sức khỏe của BS Tạ Xuân Viễn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC). Không chỉ công khai xin không tham gia trực đêm vì sức khỏe suy giảm, BS Viễn còn có biểu hiện lơ đễnh trong công tác, không đảm bảo giờ giấc làm việc. Để có cơ sở giải quyết vấn đề, ngày 4/7/2012, Ban giám đốc (BGĐ) BV đã thống nhất đưa BS Viễn ra Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Đồng Tháp giám định sức khỏe để làm cơ sở bố trí công tác thích hợp. Ngày 26/7/2012 kết quả giám định công bố: BS Viễn (SN 1961) bị mất sức lao động vĩnh viễn 76% với hai chứng bệnh: giảm thị lực: mắt phải và mắt trái 2/10; sỏi túi mật. Tuy không được Hội đồng giám định đề cập nhưng dư luận rất lo lắng trước thông tin BS Viễn còn mắc bệnh về thần kinh. Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Văn Tạo, Giám đốc BVĐK huyện Châu Thành xác nhận: "Theo đơn thuốc BS Viễn cung cấp trong bốn lần khám tại BV Tâm thần Tiền Giang, cho thấy BS Viễn mắc bệnh F41.2”. BS Tạo cho rằng, do đơn thuốc ghi quá giản lược nên chỉ biết đó là bệnh trầm cảm, chưa thể xác định mức độ và ảnh hưởng của chứng bệnh đến sức khỏe và khả năng làm việc.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với BV Tâm thần Tiền Giang. BS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp, cho biết: Theo phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD-10), thì F41.2 là bệnh “Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm”. Theo BS Tuyết Mai, người mắc bệnh này luôn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng quá mức, không còn tự tin và suy giảm năng lực làm việc, mất những ham thích trước đây…

Theo BS Mai Văn Hoa (Khoa Điều trị - BV Tâm thần Tiền Giang), kinh nghiệm điều trị cho thấy, trong trường hợp mắc bệnh F41.2 mà có thêm biểu hiện sức khỏe giảm sút đến mức khó ngủ, mất ngủ như trình bày của BS Viễn thì rất cần nghỉ việc để tập trung điều trị bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có kết quả giám định, BS Viễn đã làm đơn “Tự nguyện tiếp tục công tác”. BS Tạo đưa vấn đề này ra bàn bạc, lấy ý kiến trong BGĐ, Chi ủy, Chi bộ và cuộc họp toàn thể cơ quan. Tại các cuộc họp này, đa số các ý kiến thống nhất chấp thuận để BS Viễn tiếp tục công tác với lý do thiếu nhân sự. Thậm chí, từ đề xuất trực tiếp của hai Phó Giám đốc BV là BS Nguyễn Hòa Nam và BS Trương Thị Kim Hồng tại cuộc họp BGĐ BV, sau đó BS Viễn còn tiếp tục làm Trưởng khoa HSCC.

Với việc bố trí một người bị mất vĩnh viễn 76% sức khỏe và mắc bệnh về thần kinh như trường hợp của BS Viễn làm Trưởng khoa HSCC, có phải BGĐ BV đang “đùa giỡn” với mạng sống của người bệnh?

Benh than kinh van lam Truong khoa Hoi suc cap cuu: That gia mo ho

Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, nơi BS Viễn đến khám bệnh về thần kinh

Giả bệnh né trực?

Sự do dự trong cách giải quyết vấn đề của BGĐ BV đã khiến dư luận tiếp tục đặt ra những nghi vấn quanh câu chuyện bệnh thần kinh của BS Viễn.

Theo thông tin của lãnh đạo BVĐK Châu Thành, “hồ sơ bệnh” mà BS Viễn trình ra để xin miễn trực đêm chỉ duy nhất có đơn thuốc của BS điều trị tại BV Tâm thần Tiền Giang với phần ghi chẩn đoán rất giản lược. Chính điều này đã khiến dư luận đặt nghi vấn: Phải chăng vì đơn thuốc “có vấn đề” nên BS Viễn không dám công khai? Hay vì BS Viễn “giả bệnh để né trực” nên không dám công khai đơn thuốc?

Tại BV Tâm thần Tiền Giang, chúng tôi được tiếp xúc với những thông tin liên quan từ những dòng ngắn gọn trong bản “Tóm tắt hồ sơ người lao động" số 173/GGT ngày 4/7/2012 của BVĐK Châu Thành. Theo đó, BS Viễn đã điều trị bệnh F41.2 tại BV Tâm thần Tiền Giang trong ba tháng vào các thời điểm: 12/4/2012 (15 ngày); 26/4/2012 (15 ngày); 17/5/2012 (một tháng) và 22/6/2012 (một tháng). Tuy nhiên, khi bộ phận nghiệp vụ kiểm tra danh sách bệnh nhân khám theo diện BHYT vào các ngày này thì không thấy có tên Tạ Xuân Viễn. BS Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: “Sau khi kiểm tra, xác định bệnh nhân Tạ Xuân Viễn có đến BV khám dưới hình thức dịch vụ, nhưng không thấy cấp giấy xin nghỉ do bệnh”. Cũng theo xác nhận của BS Tuyết Mai, trong các ngày nói trên, bệnh nhân Tạ Xuân Viễn có đến khám bệnh, nhưng quầy dược của BV không lưu toa mua thuốc mang tên Tạ Xuân Viễn. Điều này cho thấy BS Viễn không mua thuốc điều trị tại BV Tâm thần Tiền Giang, dù thuốc điều trị các bệnh về thần kinh là thuốc đặc trị, không dễ mua được ở các nhà thuốc bên ngoài. Các tài liệu lưu trữ tại BV Tâm thần Tiền Giang còn cho thấy, BS Viễn đã có kiểu trị bệnh “nửa vời”. BS Tuyết Mai nhấn mạnh, người mắc bệnh “Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm” (F41.2) thường cần thời gian điều trị tối thiểu từ sáu tháng đến một năm mới ổn định. Nhưng theo hồ sơ lưu, BS Viễn chỉ điều trị trong ba tháng, tức chỉ bằng 30-50% thời gian tối thiểu chung, rồi tự ngưng.

Như vậy có hay không việc BS Viễn giả bệnh để né trực? Dư luận đang chờ một thái độ minh bạch của BGĐ BVĐK Châu Thành đối với trường hợp của BS Viễn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài BS Tạ Xuân Viễn, hiện tại BVĐK Châu Thành còn có BS CKI Thái Thị Thu Hồng cũng đang được bố trí tiếp tục làm Trưởng khoa Nhi sau khi được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Đồng Tháp (ngày 26/7/2012) kết luận: mất sức lao động vĩnh viễn 63% với ba bệnh: Viêm Amydan mạn; Giảm thị lực: mắt phải 3/10, mắt trái 5/10; Gai: C6, L3-L5. Được biết, BS Thu Hồng sinh năm 1961 và đã có trên 30 năm tham gia BHXH.

Kiên Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI