Bệnh tay chân miệng tăng đột biến tại tỉnh Đồng Nai

08/05/2013 - 08:49

PNO - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang tăng đột biến.

 Tính đến ngày 7/5, toàn tỉnh đã có 2.163 ca, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 ca tử vong ở phường Tân Phong (Biên Hòa). Điều đáng nói là chủng EV71 gây bệnh tay chân miệng có độc lực cao, biến chứng gây suy đa phủ tạng rất nhanh và bệnh nhân tử vong chỉ sau một ngày nhiễm bệnh.

Những địa bàn có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao là thành phố Biên Hòa và các huyện Định Quán, Trảng Bom, Long Thành. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu dưới 5 tuổi, trong đó đa số là trẻ dưới 3 tuổi.

Benh tay chan mieng tang dot bien tai tinh Dong Nai

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trên tay của bệnh nhi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Hiện nay, tại Khoa nhiễm của bệnh viện, mỗi ngày có từ 30-35 ca phải điều trị nội trú, trong đó phần lớn là trẻ bị bệnh tay chân miệng. Từ giữa tháng Tư đến nay, số bệnh nhân tay chân miệng điều trị nội trú tăng khoảng 50% so với những tháng đầu năm. Phòng điều trị của khoa có 120 giường nhưng đã phải kê lên 150 giường mới có chỗ cho bệnh nhân nằm.

Việc quá tải tại Khoa nhiễm dẫn đến tình trạng đông đúc, chật chội, hôi hám vì lượng người tập trung quá đông. Còn ở Khoa hồi sức tích cực-chống độc của bệnh viện cũng chật ních bệnh nhân có biến chứng do bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Ở đây, các y bác sỹ đã phải kê lên tới 30 giường thay vì 20 giường theo chỉ tiêu.

Trong khi đó, tại một số bệnh viện đa khoa tuyến khu vực, như khu vực Long Khánh, Định Quán, Long Thành, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng cũng tăng từ 5-10%.

Bác sỹ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán cho biết hiện nay, dù được tập huấn phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, nhưng bệnh viện cũng chỉ giữ lại điều trị bệnh nhân tay chân miệng ở độ 1, độ 2. Từ độ 3 trở lên đều phải chuyển tuyến vì bệnh viện thiếu những thiết bị chuyên dụng và thuốc đặc hiệu.

Ngành y tế tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, kêu gọi người dân thực hiện 3 sạch (Giữ tay sạch, ăn uống sạch, đồ chơi sạch); tổ chức nhiều đợt tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi của các bậc phụ huynh có con nhỏ, vì trẻ em là nhóm có nguy cơ mang trùng bệnh cao, dễ lây.

Sở Y tế tỉnh tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt là với ngành giáo dục để giám sát bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và tại các trường học; duy trì hoạt động của các đội đặc nhiệm điều trị tay chân miệng tuyến tỉnh để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện.

Theo Lê Hiền (TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI