Bệnh tay-chân-miệng sắp vào đỉnh, nhiều bệnh viện thiếu máy móc

22/05/2014 - 08:04

PNO - PN - Số bệnh nhân bị bệnh tay-chân-miệng (TCM) ở các tỉnh phía Nam đang tăng mạnh, riêng TP.HCM tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các bác sĩ dự báo, bệnh TCM sẽ bước vào đỉnh vào tháng Sáu khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng 20/5, Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM có đến 55 trẻ đang nằm điều trị bệnh TCM; trong đó có bệnh nhi Tống Quốc B. (22 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đang được theo dõi nguy cơ biến chứng.

Cha của bé cho biết: “Quanh xóm có nhiều trẻ mắc bệnh TCM. Do đó, khi bé B. nổi bóng nước dưới lưỡi, quấy khóc, chán ăn tôi đã nghĩ ngay đến bệnh TCM và đưa con đến BV địa phương theo dõi. Hai ngày tiếp theo bé vẫn sốt trên 390C nhưng các bác sĩ chỉ cho uống thuốc rồi về. Uống thuốc, bệnh vẫn không hết, bé có biểu hiện mệt mỏi, lơ mơ nên vợ chồng tôi chở bé lên thẳng BV Nhi Đồng 2 ngay trong đêm khuya”. Khi nhập viện, các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 đánh giá, trường hợp của bé B. có nguy cơ chuyển nặng nên đã dùng máy monitor để theo dõi diễn tiến bệnh.

Benh tay-chan-mieng sap vao dinh, nhieu benh vien thieu may moc
Trẻ em bị bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh
(Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tương tự, tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, mỗi ngày có từ 50-60 ca điều trị nội trú; trong đó có bốn ca nặng. Có rất nhiều bệnh nhi từ các tỉnh đổ về. Nguyên nhân nhiều phụ huynh đưa con vượt tuyến vì nghi ngại tay nghề, máy móc của tuyến dưới. Mẹ bé V.P.T.A. (sáu tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) băn khoăn: “Sau đợt dịch sởi, thấy nhiều trẻ bị tử vong nên khi con bị sốt, nổi bóng nước ở lưỡi, tôi đã đưa ngay cháu lên BV Nhi Đồng 1. Tôi cho con vượt tuyến vì chưa tin tưởng lắm vào BV tuyến dưới”.

Tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè” do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Viện Pasteur TP.HCM, nhiều bác sĩ ở các tỉnh đang lo ngại “tay không chống dịch” khi thiếu máy móc như: máy thở, máy truyền dịch tự động, máy monitor…; nơi có máy thì hệ thống máy không đủ các thông số để theo dõi người bệnh. Bác sĩ Đỗ Nhân Châu, Trưởng khoa Nhi, BV đa khoa tỉnh Bình Phước bức xúc: “Hiện khoa Nhi của BV này không có bất cứ máy thở nào. Các máy móc do chương trình quốc gia hỗ trợ thì đã hỏng. Chúng tôi thông báo lên UBND tỉnh hơn một tháng rồi. UBND hứa sẽ cấp kinh phí nhưng phải chờ”.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 20.500 ca mắc bệnh TCM, trong đó có hai ca tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An; tác nhân gây bệnh là chủng vi-rút EV71. Đáng lưu ý, trong tháng 4/2014, bệnh TCM lại tập trung ở các tỉnh khu vực phía Nam đến 80,4%.

Theo BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, số bệnh nhi bị TCM được ghi nhận tăng có thể nhờ việc phụ huynh ý thức đến bệnh TCM nhiều hơn nên nhiều trẻ được phát hiện mắc bệnh hơn. Mặt khác, mùa của bệnh TCM diễn ra từ tháng Tư - Sáu, bệnh lại do vi-rút lây truyền theo đường tiêu hóa nên vào thời điểm tháng Tư năm nay, nắng nóng hơn mọi năm, là điều kiện thuận tiện cho các vi-rút đường tiêu hóa phát triển. PGS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo: Nếu năm 2005, chủng vi-rút EV71 - tác nhân gây tử vong chủ yếu ở khu vực phía Nam chỉ chiếm 42% ở các ca TCM thì trong tháng 4/2014 đã tăng đến 71%. Điều này cảnh báo nguy cơ xuất hiện số bệnh nhân nặng nhiều hơn vào thời gian tới.

Để tránh tình trạng quá tải cho các BV tuyến cuối, nguy cơ lây nhiễm chéo gây tử vong như dịch sởi vừa xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản chỉ đạo các BV thành lập đội điều trị cơ động, phân mức độ điều trị giữa các tuyến BV, tăng giường cho BV tuyến dưới nhằm giảm ca bệnh tập trung quá đông ở BV tuyến cuối… Tuy nhiên, điều này chỉ giải quyết được nguồn bệnh tại TP.HCM; trong khi một số tỉnh đang thiếu máy móc nên người bệnh càng kéo về TP.HCM khi dịch xảy ra trên diện rộng.

BS Nguyễn Trần Nam phân tích: Bên cạnh kinh nghiệm của bác sĩ thì máy thở, máy lọc máu liên tục, máy monitor (máy theo dõi) là những “vũ khí” phải có để điều trị bệnh TCM từ độ nhẹ đến nặng. Can thiệp chậm trễ sẽ không trở tay kịp với các biến chứng. Đặc biệt, nếu bệnh nhân đông, lực lượng bác sĩ, y tá không thể nào theo dõi, quan sát bằng mắt thường và túc trực thường xuyên cho tất cả các bệnh nhân, nên việc trang bị máy monitor theo dõi người bệnh rất cần thiết.

 Thanh Khê 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyến cáo: Trẻ mắc bệnh TCM có nguy cơ chuyển sang độ nặng khi có dấu hiệu sốt cao, sốt không hạ, sốt trên hai ngày, nôn ói. Riêng với những trẻ có dấu hiệu: giật mình, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay chân, mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp cao… chắc chắn bị nặng. Biến chứng của bệnh TCM có thể diễn ra từ ngày thứ hai-năm của bệnh.

Trẻ có thể bị biến chứng như: biến chứng thần kinh (phù não, giật mình, yếu tay chân, run chi), hô hấp (suy hô hấp, phù phổi), tim mạch (mạch nhanh, cao huyết áp nếu không can thiệp kịp sẽ chuyển sang sốc và nguy cơ tử vong). Biến chứng thần kinh nếu không can thiệp kịp sẽ chuyển sang biến chứng hô hấp, tim mạch rất nhanh; thường diễn tiến nhanh trong vòng sáu giờ. Nếu thấy trẻ nổi bóng nước (kích thước từ 2-10mm, màu xanh, hình ô van) ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau thì phải đưa đến bác sĩ. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng gây đau và trẻ bỏ ăn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI