Bệnh tay chân miệng khác mọi năm, nhiều trẻ biến chứng nặng

29/03/2021 - 06:36

PNO - Nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhưng người nhà nghĩ bệnh do nắng nóng và tự mua thuốc hạ sốt cho trẻ. Đến khi trẻ ói, co giật, biến chứng nặng… mới đưa đến bệnh viện.

 

Phòng nội trú dành cho bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng không còn giường trống Ảnh: Hiếu Nguyễn
Phòng nội trú dành cho bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng không còn giường trống Ảnh: Hiếu Nguyễn

1/3 trẻ nhập viện khi bệnh trở nặng

Hai ngày cuối tuần, các bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vẫn mướt mồ hôi khi vừa khám bệnh vừa chạy vào theo dõi tình trạng các bé bị tay chân miệng (tay chân miệng) trong phòng cấp cứu.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết từ đầu tháng Ba, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng vọt. Hiện khoa có khoảng 20 trẻ đang điều trị tay chân miệng, trong đó có tới sáu trẻ bị nặng (giai đoạn 2B). 1/3 trường hợp vào đây khi bệnh đã nặng - tỷ lệ này rất cao và rất khác lạ so với mọi năm. 

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có mặt tại phòng 404 - phòng nội trú dành cho bệnh nhi tay chân miệng, nay đã kín chỗ. Chị Đ.T.T. (30 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đang chăm con trai 20 tháng tuổi, băn khoăn: “Tôi không lạ gì bệnh tay chân miệng vì bé đã mắc bệnh này lúc 15 tháng tuổi. Lúc đó, triệu chứng rõ ràng khi ở tay, chân bé có những hột nước và lở miệng. Lần này, trên người bé không hề có hột nước, cũng không lở miệng. Thấy con sốt, tôi cho uống hạ sốt nhưng không hạ, nhiệt độ lên đến 40 độ C. Vào đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng”. 

Ở giường kế bên, chị T.T.L. (35 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) kể: “Con gái bốn tuổi của tôi sốt cao hai ngày, khám ở bệnh viện tỉnh không đỡ. Khi con đi loạng choạng, đứng không vững, nói díu chữ lại với nhau, cả nhà hoảng hốt đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì mới hay bị biến chứng tay chân miệng”. Sau bảy ngày điều trị, giọng nói của bé vẫn chưa trở lại bình thường. 

Tình hình trẻ bị tay chân miệng cũng tăng ở Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 2… Ngồi bên ngoài Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, chị Thương (28 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) cứ hướng mắt nhìn vào khoa, chị bật khóc hối hận vì không đưa con gái T.T.X.M. (13 tháng tuổi) đến bệnh viện sớm hơn.

Bé rơi vào suy hô hấp, tím tái do bệnh tay chân miệng độ 4 (độ nặng nhất), đang được các bác sĩ đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, chống sốc. Hiện sức khỏe bé M. đang dần cải thiện nhưng vẫn còn thở máy. Còn bé N.T.K.T. (hai tuổi, ở tỉnh Long An) thì run giật tay chân, thở hắt, phản ứng chậm khi bác sĩ gọi... do mắc tay chân miệng độ 2B. Kết quả xét nghiệm ghi nhận bé bị biến chứng thần kinh do vi-rút chủng EV71, tiên lượng nặng. 

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, cho hay: hiện bệnh viện có tới 20 bé bị tay chân miệng nặng, trong khi tuần trước, chỉ có 4-5 ca. So với cùng kỳ những năm trước, tuy số lượng trẻ mắc tay chân miệng chưa cao bằng nhưng xuất hiện những trường hợp biến chứng thần kinh, tim phổi rất đáng lo ngại.

“Hầu hết các bé trong độ tuổi 1-3, một ít bé trên 5 tuổi mắc tay chân miệng độ 2B, độ 3. Đáng lo ngại, đa số các bé được đưa đến bị nhiều biến chứng. Trong 20 bé nhập viện, có 5 bé tình trạng khá nặng, có bé bị biến chứng thần kinh do vi-rút EV71 rất nguy hiểm”, bác sĩ Nam nói.

Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, số lượng trẻ nhập viện điều trị cũng gần 20 bé, còn tuần trước chỉ 4-5 ca.

Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM tiếp nhận nhiều ca trẻ bị tay chân miệng nặng, biến chứng thần kinh (Ảnh Phạm An)
Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM tiếp nhận nhiều ca trẻ bị tay chân miệng nặng, biến chứng thần kinh (Ảnh Phạm An)

Tại sao bệnh trở nặng nhanh chóng?

Mới đầu mùa bệnh tay chân miệng, vì sao lượng trẻ bị biến chứng khi vào các bệnh viện nhiều hơn mọi năm và phải điều trị tích cực với truyền thuốc đặc hiệu, thở máy... Vì sao gia đình lại đưa trẻ nhập viện trễ trong khi bệnh tay chân miệng không hề xa lạ ở miền Nam?

Bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ: “Khi khai thác bệnh sử, nhiều bà mẹ nói ngại đến bệnh viện vì sợ lây COVID-19. Thêm vào đó, cha mẹ tìm kiếm thông tin trên Google và thấy con chưa xuất hiện đầy đủ triệu chứng tay chân miệng nên nghĩ mắc bệnh khác. Nguy hiểm ở chỗ, nhiều trẻ chỉ có dấu hiệu biếng ăn, ói cũng có thể bước vào giai đoạn nặng.

Còn biểu hiện nổi mụn nước mọc ở tay, chân, miệng chỉ là triệu chứng giúp chẩn đoán tay chân miệng rõ ràng hơn. Khi trẻ nhập viện trễ, những biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh gây ra tình trạng sốt cao không hạ, giật mình, nôn ói; ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp gây phù phổi; ảnh hưởng đến tim gây trụy tim mạch và tử vong”. 

Do đó, theo bác sĩ Quy, khi cho con uống thuốc hạ sốt paracetamol nhưng sau khoảng một tiếng vẫn không hạ sốt thì đưa trẻ nhập viện, vì đây có thể là dấu hiệu giai đoạn nặng của bệnh tay chân miệng. Nhiều bà mẹ vẫn để con ở nhà, loay hoay đủ mọi cách như lau mát, dùng thuốc nhét hậu môn... Trong khi chờ bốn tiếng sau để tiếp tục uống liều hạ sốt thứ hai thì trẻ đã lên cơn co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. 

Bác sĩ khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 khám cho trẻ bị TCM sáng thứ Bảy 27/3/2021 (Ảnh: Hiếu Nguyễn)
Bác sĩ khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 khám cho trẻ bị TCM sáng thứ Bảy 27/3/2021 (Ảnh: Hiếu Nguyễn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Bệnh tay chân miệng xuất hiện từ tháng Ba đến tháng Sáu hằng năm, trong đó cao điểm vào giữa tháng Tư.

Đa phần trẻ bị tay chân miệng ở tuổi lên ba nhưng nặng nhất là dưới một tuổi. Chủng vi-rút gây bệnh chủ yếu là EV71. Phụ huynh cần để ý các dấu hiệu nguy hiểm để đưa con đi cấp cứu kịp thời như: sốt cao khó hạ, giật mình, tay chân lạnh, yếu chi, run tay…  Chỉ cần sau hai ngày sốt cao là đưa trẻ đi khám ngay. 

Người lớn phải chủ động bảo vệ trẻ bằng cách rửa tay bằng xà phòng khi đi làm về. Trẻ em trước khi vào lớp học và sau khi tan trường phải rửa tay. Nếu nhà có trẻ bị tay chân miệng, tuyệt đối không cho trẻ đến trường để tránh lây cho bạn.

Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, vùng gối, khuỷu tay và mông bé, rìa bàn tay, ngón tay. Lúc này, cha mẹ cần cho bé đi khám ngay. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin, bệnh tay chân miệng đang tăng rất nhanh, nhất là vào tháng Ba và tháng Tư - thời điểm trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ tết.

Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 3/2021, thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 với 1.044 ca.

Từ ngày 8 đến 14/3 có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình tháng Hai là 152 ca. Số ca bệnh tay chân miệng tăng ở mức báo động tại nhiều quận, huyện; đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, TP.Thủ Đức.

Phạm An - Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI