Bệnh tật rình rập khi trẻ trở lại trường

29/09/2024 - 06:43

PNO - Mùa tựu trường cũng là lúc các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Qua đó, phụ huynh cần trang bị kiến thức về phòng chống bệnh nhằm bảo vệ trẻ, đồng thời phát hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

Môi trường học đường đông đúc, trẻ em thường xuyên tiếp xúc gần tạo điều kiện thuận lợi  cho vi khuẩn và vi rút lây lan - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Môi trường học đường đông đúc, trẻ em thường xuyên tiếp xúc gần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút lây lan - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều trẻ hay bệnh sau mùa tựu trường
Chị N.T.M. (ngụ quận 5, TPHCM) kể rằng chỉ sau 1 tuần đi học, con trai 7 tuổi của chị đã có triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi. Ban đầu, gia đình nghĩ bé bị cảm cúm thông thường nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt và thuốc cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, trên cơ thể bé xuất hiện những nốt ban đỏ li ti, bắt đầu từ mặt lan ra toàn thân. Gia đình đưa bé đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh sởi. Bác sĩ cho biết, do không đưa bé đi khám sớm nên bệnh đã tiến triển nặng, gây ra các biến chứng như viêm phổi.

Chị P.T.T. (ngụ quận 3, TPHCM) cũng cho biết sau khi đi học về, con trai 12 tuổi của chị bị tiêu chảy, nôn liên tục. Gia đình cho bé uống thuốc và bù nước qua đường uống. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn: sốt cao, mất nước, cơ thể suy nhược, mệt lả. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa. Do không đi khám sớm nên bệnh nhi bị mất nước nghiêm trọng, cần nhập viện để điều trị.

Mới đây, bé Đ.T.T.H. (10 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đã phải nhập viện sau khi đi học chưa bao lâu. H. có tiền sử hen suyễn từ nhỏ. Bé thường xuyên phải dùng thuốc xịt để kiểm soát bệnh. Cách đây vài ngày, vào sáng sớm, trước lúc đến lớp, bé H. bắt đầu cảm thấy hơi khó thở và ho khan. Lúc đầu, bé nghĩ rằng đó chỉ là một cơn hen suyễn nhẹ nên vẫn đến trường. Tuy nhiên, đến trưa, tình trạng của bé trở nên tệ hơn rất nhiều. Bé ho liên tục, khó thở dữ dội, người mệt mỏi và tím tái. Nhận được điện thoại của cô giáo, mẹ bé vội vàng đến đón, đưa con đến bệnh viện.

Các bác sĩ chẩn đoán H. bị viêm đường hô hấp cấp do vi rút, kèm theo cơn hen suyễn cấp tính. Bác sĩ giải thích rằng vi rút đã tấn công đường hô hấp của bé, khiến các triệu chứng hen suyễn trở nên nặng hơn. H. được nhập viện ngay lập tức để điều trị tích cực. Các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm cần thiết, cho bé dùng thuốc giãn phế quản, corticosteroid và ô xy để cải thiện tình trạng hô hấp. Sau vài ngày, tình trạng của bé đã ổn định hơn.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, anh P.T.M. (ngụ Bình Định) cho biết con trai 8 tuổi của anh đang nằm viện do mắc bệnh viêm màng não. Trước đó, bé bỗng dưng kêu đau đầu dữ dội. Ban đầu, tưởng con chỉ bị cảm cúm thông thường, gia đình mua thuốc giảm đau, hạ sốt cho bé uống nhưng tình trạng không thuyên giảm. Vợ chồng anh đưa con đến khám phòng khám tư nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Lúc này, anh đành đưa con vào TPHCM, đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm, bé được xác định bị viêm màng não. Tuy nhiên, dù đã làm xét nghiệm 2 lần nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây viêm màng não của bé. Nhập viện đã mấy ngày mà tình trạng bệnh nhi vẫn còn rất nặng, có thể phải làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn nữa. Theo cha bé, con anh đã được tiêm đầy đủ vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng quốc gia, trừ những vắc xin dịch vụ như phế cầu, cúm hoặc các mũi bổ sung thì chưa tiêm.

Theo thống kê tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ ngày 1 - 15/9, nhóm bệnh học đường gia tăng đáng kể so với tháng trước đó.
Vì sao bệnh học đường gia tăng?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2  - đang khám cho một trường hợp bị viêm đường hô hấp - ẢNH: T.N.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang khám cho một trường hợp bị viêm đường hô hấp - Ảnh: T.N.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, 4 nguyên nhân chính khiến các nhóm bệnh học đường gia tăng là do thời điểm tựu trường rơi vào mùa mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho siêu vi, nấm mốc phát triển.

Thứ hai, tựu trường, các bé chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang đi học nên cơ thể rơi vào stress. Khi bị stress đột ngột, các bé càng nhỏ (độ tuổi mầm non) có hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ càng dễ mắc bệnh hơn bình thường.

Thứ ba, khi đi học, các bé tiếp xúc với nhiều nguồn lây từ cộng đồng lớn hơn lúc nghỉ hè chủ yếu sinh hoạt trong môi trường gia đình. Cuối cùng, ở trường, các bé sẽ tiếp xúc với phương thức lây truyền mới. Ví dụ như tiếp xúc với bảng, giấy, giẻ lau, đồ chơi, sau đó bốc đồ ăn dẫn tới dễ nhiễm bệnh.

Đa số bệnh nhi đến khám bị mắc bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và một số bệnh đường lây nhiễm. Bệnh hô hấp thường gặp là viêm mũi họng, viêm amidan, nặng hơn là viêm phổi. Bệnh lý đường tiêu hóa điển hình là rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Bệnh lây nhiễm gồm có sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Một số tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh sởi và ho gà.

Cần tăng sức đề kháng cho trẻ

Để giảm vấn đề bệnh tật mùa tựu trường, trước tiên, phụ huynh cần tăng sức đề kháng cho trẻ bằng 3 cách sau. Đầu tiên, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất. Tiếp đến, trẻ phải nghỉ ngơi đầy đủ, không thức khuya. Cuối cùng, khuyến khích trẻ vận động. Hãy cho con chơi các trò vận động. Nếu làm được 3 điều trên, trẻ sẽ có đề kháng tốt, chống lại bệnh tật hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ che khi ho và hắt hơi để giảm phát tán nguồn lây bệnh ra cộng đồng. Phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ. Đặc biệt, cả nước đang có chiến dịch tiêm ngừa mũi vắc xin sởi bổ sung cho trẻ. Cha mẹ có con trong diện cần chích mũi bổ sung này hãy theo dõi và tích cực hưởng ứng để công cuộc đẩy lùi dịch sởi của thành phố đạt được hiệu quả như mong muốn.

Không chỉ gia đình mà nhà trường cũng cần phối hợp để đẩy lùi dịch bệnh học đường. Nhà trường nên giáo dục trẻ xây dựng thói quen rửa tay. Với những trẻ có dấu hiệu bệnh lý, giáo viên cố gắng phát hiện sớm để nhanh chóng đề nghị phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh và hạn chế đưa trẻ tới lớp để tránh trở thành nguồn lây cho các trẻ khác.

Mỗi năm, dịch bệnh học đường thường gia tăng từ lúc trẻ tựu trường cho tới hết tháng Mười. Sau đó, tỉ lệ bệnh sẽ giảm đôi chút. Thế nhưng giáp tết, trời chuyển lạnh, số lượng trẻ mắc bệnh lại tăng lên.

Về bệnh sởi, khởi bệnh trẻ sẽ sốt, sổ mũi. Từ ngày thứ ba trở đi sẽ phát ban toàn thân theo trình tự từ mặt, cổ, bụng rồi xuống tới chân. Những trẻ có đề kháng tốt sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần. Song, những trẻ có đề kháng không tốt có thể bị bội nhiễm gây viêm phổi… Quan trọng nhất với bệnh sởi vẫn là chủng ngừa - phòng hơn chữa.

Không chỉ bệnh sởi mà cả sốt xuất huyết và một số bệnh khác cũng không có dấu hiệu ban đầu rõ ràng. Ta hay thấy trẻ có triệu chứng chung như sốt, sổ mũi… Nói chung, cứ thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường kể trên, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay; đừng chờ đến khi nặng thì đã muộn, lây cho nhiều trẻ khác.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI