Bệnh tật bủa vây người làm việc ngoài trời

09/11/2024 - 06:11

PNO - Hàng trăm ngàn người lao động ở TPHCM đang mưu sinh dưới nắng nóng mỗi ngày, đối diện với đủ loại bệnh nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Thế nhưng, dường như không có chính sách đặc thù nào cho nhóm đối tượng này.

Ngất xỉu dưới trời nắng nóng

11g35, nhóm 6 thợ hồ của ông Trần Duy Hùng (quê ở tỉnh Phú Yên) vẫn làm việc cật lực bên chiếc máy trộn bê tông tại công trình xây dựng trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân. Người nhễ nhại mồ hôi, da bỏng rát vì nắng nhưng không ai dám vào trong nghỉ ngơi do sợ chậm tiến độ công việc.

“Bình thường, tụi tui được nghỉ lúc 11g30 nhưng khi đổ bê tông thì phải làm đến khi nào xong việc mới nghỉ vì dừng nửa chừng là hư bê tông. Bữa nay, chắc phải làm đến 2g chiều mới nghỉ, ăn cơm trưa” - ông Hùng nói.

Lúc này, nhiệt độ ngoài trời ở phường An Lạc là hơn 30 độ C nhưng giữa công trường xây dựng, không có bóng cây và thời tiết oi bức khiến chúng tôi có cảm giác rất ngột ngạt.

Trong tuần đầu tiên của tháng 11/2024, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ liên tục cảnh báo chỉ số tia cực tím (UV) gây hại ở mức cao đến rất cao nhưng nhóm thợ của ông Hùng vẫn phơi mình dưới nắng nóng chỉ với quần lửng, áo thun và một chiếc nón lưỡi trai.

Ông cho biết, việc mặc áo dài tay, quần dài, nón tai bèo sẽ gây vướng víu, bất tiện khi đổ bê tông. “Năm nay, thời tiết thất thường, nắng nhiều, mưa ít. Đầu tháng Mười một rồi mà vẫn còn nắng rát da như tháng Tư, tháng Năm” - ông Hùng lắc đầu.

2 phụ nữ đẩy xe bán hàng rong ở cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM dưới trời nắng gắt, nền nhiệt cao ẢNH: PHÙNG HUY
2 phụ nữ đẩy xe bán hàng rong ở cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM dưới trời nắng gắt, nền nhiệt cao ẢNH: PHÙNG HUY

14g, chị Ngô Thị Lý (quê ở tỉnh An Giang) phải tấp xe vào bóng mát ở công viên Phú Lâm, quận 6, ngửa cổ uống một hơi hết sạch chai nước nửa lít. Làm nhân viên giao hàng nên cả ngày, chị Lý đều chạy xe ngoài đường. Có hôm, do phơi nắng nhiều giờ liền, chị bị sốc nhiệt, hoa mắt, nôn ói.

Chị nói: “Nhân viên giao hàng được trang bị áo khoác, khẩu trang bịt kín mặt nhưng buổi trưa nóng gần 40 độ C, phụ nữ không thể chịu nổi. Mấy ngày nắng gắt, một số người ngất xỉu khi chạy xe giao hàng cho khách”.

Ở ngã tư Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng, quận 1, bên cạnh trạm chờ xe buýt, có tấm bạt nhỏ trải đầy túi me non và mấy hũ mắm ruốc của vợ chồng bà Lan. Ông bà hái me ở các nơi mang về đây bán, mỗi bịch 30.000-50.000 đồng. Có bữa, họ thay nhau bán từ sáng hôm nay tới 1g sáng hôm sau.

Ngày nắng ráo, họ bán được 300.000-400.000 đồng, ngày mưa chỉ bán được vài bịch, lời vài chục ngàn đồng. Bà Lan nói: “Mưa nắng gì cũng phải bán, mới có tiền sống qua ngày, không thì chết đói”. Do đều mất sức lao động nên dù chưa đến 50 tuổi, cả hai vẫn không thể xin “làm công ăn lương”.

Bệnh tật bủa vây, thu nhập bấp bênh

Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife) vừa thực hiện nghiên cứu bước đầu về “Tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của người lao động ngoài trời ở các đô thị Việt Nam”.

Tháng 7/2024, qua nghiên cứu trên 400 người lao động làm các nghề bán hàng rong, khuân vác, xây dựng, lái xe ôm ở 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ (72% là nam, 28% là nữ), kết quả, có tới 52% không có hộ khẩu thường trú ở nơi làm việc; 6,5% không có chỗ ở cố định; trên 90% thường xuyên đối mặt với nắng nóng gay gắt, trong đó 50,8% buộc phải làm việc trong khung giờ cao điểm từ 10g đến 18g.

Nhóm nghiên cứu ghi nhận, những người lao động này mắc 21 loại bệnh và vấn đề sức khỏe, trong đó các vấn đề liên quan đến nhiệt độ như say nắng, sốc nhiệt và mất nước chiếm tỉ lệ cao nhất (23,8%), tiếp đó là các bệnh về hô hấp, da liễu và cơ xương khớp (14,3%). Nhiều người phải chịu đựng cùng lúc nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến khả năng lao động và thu nhập.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn sinh kế của người lao động ngoài trời. Trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, người lao động thường phải giảm thời gian làm việc hoặc không thể làm việc, dẫn đến thu nhập bị sụt giảm đáng kể. Nhiều trường hợp giảm 40 - 50% thu nhập trong những tháng cao điểm nắng nóng hoặc mưa bão.

Đáng lo ngại, chỉ 32,8% người tích lũy được tiền để ứng phó với tình huống khẩn cấp, nghĩa là gần 70% không có bất kỳ nguồn dự trữ nào ứng phó với những giai đoạn không thể làm việc do thời tiết xấu. Trong khi đó, 22,3% người có sức khỏe yếu, dễ bị thời tiết tác động và thường xuyên phải nghỉ làm để điều trị bệnh.

Theo nhóm nghiên cứu, thu nhập thấp khiến nhóm người làm các công việc ngoài trời khó tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết hoặc đầu tư vào các thiết bị bảo hộ phù hợp, từ đó càng làm giảm khả năng lao động và thu nhập của họ. Đây là vòng luẩn quẩn mà họ khó thoát ra.

Một phụ nữ gánh hàng rong giữa trời nắng nóng ở công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Một phụ nữ gánh hàng rong giữa trời nắng nóng ở công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY

Khoảng trống chính sách

Theo nghiên cứu của SocialLife, đang có khoảng trống lớn trong chính sách bảo vệ người làm việc ngoài trời trước tác động của biến đổi khí hậu. Người lao động chỉ được giới chủ cung cấp thiết bị bảo hộ cơ bản, riêng nhóm lao động tự do gần như không được ai hỗ trợ gì. Tỉ lệ người làm việc ngoài trời tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp rất thấp và đa số tham gia bảo hiểm y tế qua diện hỗ trợ gia đình hoặc tự mua.

Cũng theo nghiên cứu của SocialLife, Singapore có quỹ hỗ trợ thời tiết khắc nghiệt, Nhật Bản có bảo hiểm thất nghiệp do thiên tai, Đài Loan (Trung Quốc) có quỹ hỗ trợ thu nhập thời tiết. Nhưng Việt Nam chưa có chính sách, biện pháp cụ thể hỗ trợ nhóm người lao động thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết. 65,5% người lao động vẫn phải làm việc trong điều kiện thời tiết nguy hiểm do áp lực thu nhập.

Tiến sĩ luật Nguyễn Hoàng Hà - đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - nhận định, nhóm người lao động ngoài trời vẫn chưa được quan tâm về mặt chính sách, hoặc có nhưng chưa thỏa đáng.

Ông nói: “Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 155 (năm 1983) về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường làm việc và Công ước 187 (năm 2006) về khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động của ILO. Đã đến lúc Việt Nam cần sửa đổi Luật An toàn, Vệ sinh lao động để thực thi đầy đủ những quy định trong 2 công ước này, trong đó có việc đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động ngoài trời”.

Tiến sĩ Vũ Xuân Đán - Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng - Môi trường và Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho hay, HCDC đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho nhóm lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động nhưng đang gặp khó khăn do phần lớn đối tượng này không tham gia bảo hiểm xã hội, gặp nhiều rủi ro về bệnh nghề nghiệp.

HCDC đang nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế cho lao động phi chính thức, đồng thời hướng dẫn các trạm y tế tầm soát sớm và điều trị các bệnh nghề nghiệp tương tự như bệnh thông thường để đảm bảo quyền lợi về sức khỏe cho nhóm đối tượng này.

HCDC cũng đẩy mạnh việc cảnh báo và tuyên truyền về các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, giúp người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe và tự trang bị dụng cụ bảo hộ lao động. Đây là giải pháp hữu ích trong bối cảnh thiếu các cơ chế hỗ trợ chính thức cho nhóm đối tượng này.

Nhóm thợ hồ làm việc dưới nắng nóng  tại một công trình xây dựng ở phường 7, quận 8, TPHCM nhưng đồ bảo hộ rất đơn sơ - ẢNH: PHÙNG HUY
Nhóm thợ hồ làm việc dưới nắng nóng tại một công trình xây dựng ở phường 7, quận 8, TPHCM nhưng đồ bảo hộ rất đơn sơ - ẢNH: PHÙNG HUY

Khó tiếp cận các chính sách bảo trợ xã hội

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, cũng là quốc gia có quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Những người lao động ngoài trời ở các đô thị - đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam - là nhóm dễ bị tác động nhất của biến đổi khí hậu.

Nhóm lao động ngoài trời ở Việt Nam có công việc khá bấp bênh, thu nhập không ổn định, việc tiếp cận các chính sách bảo trợ xã hội còn khá hạn chế. Họ làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt với thời gian kéo dài có khi đến 12 giờ/ngày và không nhận được sự hỗ trợ khi gặp vấn đề về sức khỏe cũng như các nguy cơ khác.

Tính bấp bênh của công việc và sự thiếu công nhận chính thức đối với những đóng góp của họ trong nền kinh tế đô thị càng khiến họ dễ bị tổn thương hơn. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến đời sống của họ vốn đã khó khăn càng khó khăn, khắc nghiệt hơn.

Tiến sĩ VŨ NGỌC ANH - Trưởng dự án Nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của người lao động ngoài trời ở Việt Nam

Nên có các điểm hỗ trợ người lao động ngoài trời

Để chính sách bảo vệ nhóm lao động ngoài trời khả thi và bền vững hơn, không nên chỉ tập trung vào các giải pháp cung cấp dịch vụ miễn phí mà cần có sự kết hợp giữa miễn phí với thu phí phù hợp. Nên xã hội hóa các địa điểm hỗ trợ, như cải tạo công viên thành “công viên chuyên đề” có dịch vụ cho người làm việc ngoài trời; tận dụng trạm dừng xe buýt và quán cà phê để cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi có thu phí nhằm góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho đối tượng này.

Bên cạnh đó, để giảm tình trạng dễ tổn thương của người lao động dưới tác động của biến đổi khí hậu, cần bổ sung vào Luật Việc làm năm 2013 quy định doanh nghiệp công nghệ cung cấp dụng cụ bảo hộ cho người lao động.

Về việc phát triển ứng dụng di động (app) cảnh báo thời tiết sớm, ở mục “Hướng dẫn sơ cấp cứu” của ứng dụng, cần xây dựng và phát triển thành một dự án riêng, hướng đến liên kết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, có chức năng, như phối hợp với Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa TPHCM hướng dẫn các kỹ thuật sơ cấp cứu khi say nắng, cảm nắng, bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông.

Tiến sĩ NGUYỄN MINH NHỰT - Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM

Công đoàn nên tham gia xây dựng chính sách

Bên cạnh việc xây dựng ứng dụng công nghệ, cần tăng cường các biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức cho người lao động về cách ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Các chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc các chiến dịch truyền thông và công tác tuyên truyền có thể giúp người lao động hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa và tự bảo vệ.

Công đoàn nên tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ người làm việc ngoài trời. Các chính sách có thể bao gồm giảm giờ làm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cung cấp trang bị bảo hộ lao động chất lượng cao và xây dựng các điểm dừng chân, điểm nghỉ ngơi an toàn tại công trường.

Công đoàn cũng có thể hỗ trợ người lao động tiếp cận các dịch vụ y tế khẩn cấp trong những tình huống cần thiết. Công đoàn cũng có thể tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về biến đổi khí hậu, hướng dẫn người lao động cách sử dụng các công nghệ cảnh báo sớm, cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách bảo vệ sức khỏe cho lao động ngoài trời.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống công đoàn khi thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thạc sĩ PHÙNG THÁI QUANG - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI