|
Bác sĩ Đinh Thạc đang khám tâm lý cho một bệnh nhi - Ảnh: Đ.T. |
Hiện nay, cả nước chỉ có hơn 600 bác sĩ tâm thần, đạt tỉ lệ 0,62 bác sĩ/100.000 dân. Con số này quá thấp so với chỉ số trung bình của thế giới là 1,7 bác sĩ tâm thần/100.000 dân. Bác sĩ tâm thần điều trị tâm lý đã thiếu mà lại chỉ chủ yếu phân bổ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Đến “chuyên gia tâm lý” hay bác sĩ tâm thần?
Chị Phương Dung (ngụ quận 6, TPHCM) rất lo vì con trai học lớp Chín của mình khoảng 1 tháng nay có biểu hiện lạ, hay cáu bẳn. Cháu không thích tham gia các hoạt động với gia đình mà ở lì trong phòng. Khi chị thức giấc giữa khuya vẫn thấy ánh đèn sáng trong phòng con. Chị lo lắng vì không rõ đó là do con đang tuổi dậy thì nên tâm tính thay đổi hay bị bất thường về tâm lý.
Hỏi thăm bạn bè, chị được giới thiệu đến một “chuyên gia tâm lý”. Nhưng khi trao đổi, chị mới biết vị này không phải bác sĩ nên không thể kê đơn thuốc điều trị chứng mất ngủ cho con. Điều “chuyên gia tâm lý” hỗ trợ chính là lắng nghe để giúp con và gia đình cởi bỏ các nút thắt trong lòng.
Sau một hồi tư vấn, chị Dung được khuyên nên đưa con tới khám tại khoa tâm lý ở bệnh viện. Chị gọi điện lên tổng đài bệnh viện đặt lịch khám. Sau khi nghe mô tả các biểu hiện, chị được giải thích đây chưa phải tình huống cấp cứu nên phải đợi khoảng 1 tuần mới tới lượt. Bệnh viện phải ưu tiên cho những trường hợp nguy cấp hơn.
Anh Văn Vinh (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng vừa đưa con gái đến một “chuyên gia tâm lý”. Con gái 10 tuổi của anh có dấu hiệu tăng động giảm chú ý kèm theo mất ngủ, chán ăn. Mỗi lần tiếp xúc với “chuyên gia tâm lý” khoảng 1 tiếng, anh phải trả phí khoảng 1 triệu đồng. Nghe anh kể, một số người bạn đã khuyên nên tìm đến “bác sĩ tâm lý”. Một người bất thường về tâm lý sẽ có rất nhiều vấn đề sức khỏe đi kèm, vượt quá tầm xử trí của một “chuyên gia tâm lý”. Nhưng anh chưa biết tìm “bác sĩ tâm lý” nào để con được khám, điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết: nước ta chưa có mã ngành đào tạo chuyên ngành “bác sĩ tâm lý”. Bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực chữa trị các vấn đề tâm lý hiện nay chủ yếu thuộc chuyên ngành khác như chuyên khoa tâm thần, nội thần kinh, bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm về nhi khoa phát triển hành vi… Vì nhu cầu khám, chữa bệnh tâm lý của người dân tăng nhanh, nhất là các nhiễu loạn tâm lý ở trẻ em nên dựa trên khả năng và kinh nghiệm sẵn có, các bác sĩ này được bệnh viện cử đi đào tạo những khóa ngắn hạn về tâm lý hoặc tự học hỏi rèn luyện thêm về lĩnh vực sức khỏe tâm thần để đảm trách công việc.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính chất hỗ trợ tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu về hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em chứ chưa căn cơ, chuyên nghiệp như ở các nước phát triển.
Người dân đang bị lẫn lộn giữa danh xưng “chuyên gia tâm lý” và “bác sĩ tâm lý”, chưa rõ phải tìm đến ai khi có vấn đề bất ổn về tâm lý. Điều dễ nhận biết là các nhà tâm lý nói chung là người được đào tạo về tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lý học đường từ các trường sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn… Họ sẽ giúp tư vấn chứ không điều trị, can thiệp bằng thuốc như các bác sĩ.
Lĩnh vực đào tạo rất khó
Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày khám khoảng 80-85 bệnh nhi tâm lý. Trị liệu tâm lý rất mất thời gian. Mỗi bác sĩ chỉ khám được tối đa từ 12-14 bệnh nhân/ngày. Trong khi ở các chuyên khoa khác, mỗi bác sĩ có thể khám vài chục bệnh nhân/ngày. Khoa Tâm lý của bệnh viện chỉ có 6 bác sĩ và 3 chuyên viên tâm lý. Các bác sĩ này là bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm và được bệnh viện cử đi học các khóa đào tạo ngắn hạn về tâm lý phát triển hành vi.
Ở nước ta, lĩnh vực đào tạo về tâm lý vẫn còn mới mẻ. Theo bác sĩ Đinh Thạc, bắt đầu từ năm nay, Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị đầu tiên tổ chức chương trình huấn luyện chuyên khoa nhi khoa phát triển hành vi trong khung chuẩn đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 của trường. Như vậy, trong tương lai sẽ có các bác sĩ chuyên khoa 1 của trường được đào tạo thêm về nhi khoa phát triển hành vi tham gia quá trình chữa trị tâm lý cho trẻ em. |
Các bệnh nhi tới khoa tâm lý thường không chỉ có 1 vấn đề. Ví dụ một bé chậm phát triển trí tuệ lại đi kèm rối loạn tăng động và kém tập trung. Hay một trẻ bị rối loạn lo âu thường đi kèm với rối loạn giấc ngủ… Bên cạnh các bài tập trị liệu, bệnh nhân cần phối hợp cả dùng thuốc. Với tình trạng quá tải và nhân lực mỏng như kể trên, các bác sĩ hiện chỉ đang đáp ứng được nhu cầu cấp thiết.
Bệnh nhi nào bị rối loạn tâm lý, có các dấu hiệu nguy hiểm như không ăn uống, trầm cảm, có ý định tự làm tổn thương thì sẽ được sắp xếp khám cấp cứu trước. Những trường hợp bị rối loạn tâm lý nhưng chưa tới mức ảnh hưởng cuộc sống sẽ được xếp lịch sau (trung bình từ 3-4 tuần). Mỗi ngày, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều tiếp nhận trung bình khoảng 5 ca bệnh liên quan đến vấn đề tâm lý trẻ em cần xử trí cấp cứu.
Liên quan tới vấn đề đào tạo chuyên ngành tâm lý tại các trường đại học y khoa, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Ngọc Hà - giảng viên bộ môn tâm thần Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - khẳng định: không có chức danh “bác sĩ tâm lý” mà chỉ có chức danh bác sĩ chuyên khoa tâm thần. “Bác sĩ tâm lý” là danh xưng chúng ta tự đặt ra cho gần gũi với bệnh nhân. Trong chuyên khoa tâm thần có một phần về tâm lý. Các bác sĩ học về lĩnh vực này khi khám, chữa bệnh thì có chứng chỉ hành nghề về bác sĩ tâm thần chứ không có chứng chỉ hành nghề “bác sĩ tâm lý”.
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn đang tổ chức các khóa đào tạo tâm lý, tâm thần ngắn hạn cho các bác sĩ. Năm 2023, bộ môn tâm thần của trường thực hiện tổng cộng 5 khóa đào tạo ngắn hạn. Về vấn đề tại sao không có khóa học chuyên ngành tâm lý ngay từ đầu cho các sinh viên y khoa, tiến sĩ Hà giải thích vì đây là một lĩnh vực rất khó, chỉ những người đã tốt nghiệp cử nhân tâm lý hoặc bác sĩ có nhiều kinh nghiệm mới đủ sức theo đuổi.
Học chuyên ngành tâm lý đòi hỏi bác sĩ phải có niềm đam mê rất lớn. Khi làm việc trong những cơ sở y tế công lập, 1 giờ trị liệu tâm lý với bác sĩ chi phí khoảng 300.000-400.000 đồng. Trong khi ở các cơ sở tư nhân, 1 giờ trị liệu với chuyên viên tâm lý có giá từ 800.000-1 triệu đồng. Mỗi lần điều trị tâm lý cho 1 bệnh nhân cần khoảng 1 giờ. Trong khi với những chuyên ngành khác, mỗi giờ bác sĩ có thể khám cả chục bệnh nhân. Đây chính là một trong những tồn tại dẫn tới việc thiếu bác sĩ điều trị tâm lý nói chung.
Vào năm 2020, số người trên thế giới bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch COVID-19. Tại Việt Nam, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế, theo số liệu của Bộ Y tế, tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm 5 - 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Khoảng 12% trẻ em - tương đương hơn 3 triệu trẻ - có các vấn đề sức khỏe tâm thần cần được chăm sóc. Q.M. |
Thanh Huyền