Bệnh sởi tấn công người lớn

22/11/2024 - 06:19

PNO - Sởi là bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, vì vậy mà người lớn dễ chủ quan, ít quan tâm. Tuy nhiên, sởi cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đối với người lớn.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, tính đến ngày 18/11, có 165 bệnh nhân sởi đến khám trong đó có 110 người lớn và 55 trẻ em. So với tháng trước, bệnh nhân mắc sởi tăng. Trong số người lớn đến khám bệnh, 41 người đã phải nhập viện điều trị. Đa số người bệnh ở độ tuổi lao động, thanh thiếu niên.

Sởi diễn tiến nặng vì bị chẩn đoán nhầm

Mấy hôm trước, chị T.T.B.N. - 26 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - bị nóng sốt, nghĩ do thời tiết lúc nắng lúc mưa nên cảm sổ mũi, chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Tuy nhiên, chị liên tục sốt 40 độ C, uống thuốc thì đỡ nhưng vài tiếng sau lại sốt tiếp. Đến một bệnh viện tư khám, chị được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết, cho thuốc và hướng dẫn theo dõi tại nhà.

Tới ngày thứ tư sau khi phát bệnh, chị N. vẫn sốt bừng bừng, mệt mỏi, người nổi nhiều nốt đỏ, chóng mặt, không thể ngồi dậy. Bệnh nhân cũng xuất hiện ban đỏ ở vùng đầu, mặt, sau lan xuống vùng cổ, ngực, mắt xung huyết... Tối 17/11, không thể chịu đựng nổi các cơn khó thở, buồn nôn, chị nhờ người nhà đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cấp cứu.

Vừa tiếp nhận bệnh, các bác sĩ chẩn đoán chị N. bị bệnh sởi, biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh, viêm phổi. Chị được hỗ trợ thở ô xy lưu lượng cao, uống thuốc hạ sốt, truyền bù dịch... Sau 3 ngày nhập viện, chị đã tỉnh táo, giảm sốt, tự thở, các triệu chứng nặng đã cải thiện. Tuy nhiên, khắp người vẫn còn nổi nhiều ban đỏ, ho nhiều, người uể oải, đau nhức.

Chị N. cho biết: “Trong gia đình tôi không ai mắc bệnh sởi. Tôi nghe nói một số trường học gần nhà có nhiều học sinh bị sởi. Từ trước đến nay, tôi chỉ thấy trẻ em bị bệnh sởi nên không nghĩ người lớn cũng mắc bệnh. Vì vậy, dù nghe khu vực đang ở có dịch sởi nhưng tôi không phòng ngừa. Khi bệnh, tôi chỉ nghĩ mình bị sốt siêu vi hoặc sốt xuất huyết, không ngờ bệnh nặng đến vậy”.

Mang thai hơn 10 tuần, chị P.N.Y. - 29 tuổi, ở quận 10, TPHCM - bị sốt cao, chảy nước mũi, nước mắt. Sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên chị chỉ uống nước cam chứ không uống thuốc. Sau đó, chị đau cơ, khớp, mắt sưng nề, ửng đỏ, người mệt mỏi, khó chịu.

Nghĩ mình bị COVID-19, chị tự cách ly theo dõi nhưng do không yên tâm nên chị đến bác sĩ tư thăm khám và được chẩn đoán bị sốt, viêm họng. “Đến khi cả người tôi nổi ban, lở miệng, khó thở... chồng tôi đưa vào bệnh viện mới biết tôi bị sởi nặng” - chị Y. kể.

Mặc dù bác sĩ đã lập tức cấp cứu, điều trị tích cực cho chị Y. nhưng bệnh tiến triển quá nhanh, chị suy hô hấp, li bì, nhiễm trùng, sảy thai. Hiện tại, người bệnh đã qua nguy hiểm nhưng tâm trạng chưa ổn định, dễ xúc động. Ngoài điều trị sởi, chị đang được nâng đỡ tâm lý.

Bác sĩ Võ Trương Quý đang thăm khám cho chị N.
Bác sĩ Võ Trương Quý đang thăm khám cho chị N.

Đừng nghĩ chỉ trẻ em mới bị sởi

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Trương Quý - Phó khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết, năm 2024 rơi vào chu kỳ của dịch sởi. Từ đầu mùa dịch, trẻ em mắc sởi là chủ yếu. Khi TPHCM triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi, số lượng trẻ mắc bệnh phải nhập viện giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện bệnh sởi ở người lớn đang dần tăng.

Hầu hết bệnh nhân không tiêm hoặc không nhớ đã tiêm ngừa sởi chưa nên bỏ sót. Khi tiếp xúc với người bệnh, chăm con cháu bị sởi, người lớn đã bị lây bệnh. Đáng lưu ý, nhiều người cho rằng bệnh sởi chỉ nặng ở trẻ em nên không có biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh. Sởi lại có thời gian ủ bệnh lâu từ 7-21 ngày, dễ lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.

“Bệnh sởi gây biến chứng rất khó lường, bản thân người bệnh cũng khó nhận biết. Nhưng vẫn có người mắc sởi dù đi khám sớm vẫn bị biến chứng suy hô hấp rất nhanh” - bác sĩ Võ Trương Quý nói.

Ông cũng cho biết trong đợt bệnh sởi của người lớn năm nay, người bệnh có biến chứng viêm phổi dẫn đến suy hô hấp chiếm tỉ lệ khá cao, trên 20% tổng số người nhập viện. Người bệnh phải được hỗ trợ thở ô xy, một số ít nặng hơn đang được thở máy. Thậm chí, có người khi vào bệnh viện, nồng độ SpO2 chỉ còn 80%, phải điều trị tích cực, trợ thở liên tục 10 ngày mới ổn định.

Bên cạnh đó, từ đầu mùa dịch đến nay, có trên 10 thai phụ nhập viện vì sởi gây biến chứng, trong đó 2 người đã bị sảy thai. Sởi do vi rút gây ra nên là bệnh rất dễ lây. Từ 1 bệnh nhân, sởi có thể lây cho 10-15 người khác. Khi nhiễm sởi, tùy theo cơ địa, người bệnh có thể bị biến chứng thường gặp như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm ruột…

Người lớn không nên cho rằng bệnh sởi chỉ nguy hiểm với trẻ em, còn mình sẽ “lướt bệnh” được. Đặc biệt, với các bệnh nhân có bệnh nền như ung thư, tim bẩm sinh, suy tim, viêm gan, viêm phổi mạn tính… bệnh sẽ nặng nề hơn.

Vì vậy, nếu 1 người có sốt cao kèm đau nhức mình hoặc đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt kèm nhèm, đổ ghèn; phát ban theo thứ tự mặt sau đó tay, chân, thân mình thì cần đến bệnh viện khám, điều trị sớm.

Người chưa mắc sởi hoặc chưa tiêm ngừa vắc xin sởi đầy đủ đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Vì vậy, bao phủ vắc xin sởi 90% trong cộng đồng là điều cần thiết để ngăn ngừa bệnh. Với phụ nữ đang có kế hoạch lập gia đình, sinh con, nên tiêm ngừa sởi trước 3 tháng.

Trẻ em cần tiêm vắc xin sởi khi được 9 tháng tuổi, tiêm mũi nhắc lại ở 18 tháng tuổi, và khi có dịch tiếp tục tiêm mũi nhắc lại để phòng ngừa. Nếu người lớn không biết mình đã bị sởi hay chưa, không nhớ rõ lịch sử tiêm ngừa nên tiêm ngừa sởi để phòng bệnh.

TPHCM đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa sởi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ đầu năm đến ngày 20/11, TPHCM ghi nhận 1.858 ca bệnh sởi, trong đó hơn 1.200 người phải nhập viện điều trị. Trong tuần 46 (từ ngày 11 - 17/11), có 211 ca sởi, tăng 43,5% so với trung bình 4 tuần trước. Các địa bàn có số ca mắc cao bao gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.

Trước tình trạng trên, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo mỗi địa phương từ xã, phường, quận, huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý đối tượng tiêm ngừa vắc xin sởi.

Bên cạnh đó, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cần chỉ đạo trung tâm y tế phối hợp phòng GD-ĐT rà soát lại tiến độ tiêm vắc xin sởi tại trường học. Đồng thời, duy trì cập nhật tình hình trẻ biến động tại mỗi địa phương, đẩy mạnh vai trò của ban, ngành, đoàn thể và cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, không bỏ sót trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi trên địa bàn.

Bên cạnh tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ 1-10 tuổi, ngành y tế thành phố chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Phụ huynh, người thân trong gia đình cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Ngành y tế thành phố cũng đã bổ sung 2 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc xin ngừa sởi gồm: người trong lớp học có ca mắc sởi tại trường THCS, THPT; người chăm sóc người suy giảm miễn dịch bao gồm trẻ em và người lớn tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM.

Cách phân biệt giữa sởi và sốt phát ban

Theo bác sĩ Võ Trương Quý, do sốt phát ban và sởi thường có biểu hiện ban đầu khá giống nhau nên nhiều bệnh nhân vẫn còn nhầm lẫn 2 bệnh này, tự mua thuốc uống, hoặc cố gắng chịu đựng vô tình làm bệnh nặng nề hơn. Trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C), cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, chóng mặt, buồn nôn...

Với người bị sốt phát ban, các hồng ban nổi đồng loạt khắp cơ thể, ít gồ lên da, sau khi lặn không làm đậm sắc tố da, triệu chứng viêm long đường hô hấp không điển hình. Còn người bệnh sởi, triệu chứng sốt cao kèm theo ho nhiều, nghẹt hoặc chảy nước mũi, viêm kết mạc, giác mạc, có thể nổi hạch ở cổ, tai.

Các ban đỏ xuất hiện vào ngày thứ tư hoặc thứ sáu của bệnh. Ban sởi có đốm đỏ li ti, sờ vào cảm giác sần lên trên mặt da; nổi trên mặt, dần xuống ngực, bụng và toàn thân kể cả lòng bàn tay, chân; lở trong khoang miệng. Sau khi lặn, các nốt này để lại vết thâm trên da.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI