Bệnh sởi gia tăng, TPHCM chủ động rà soát tiêm vắc xin

12/08/2024 - 20:16

PNO - Chiều 12/8, Sở Y tế TPHCM tổ chức họp trực tuyến phòng chống, kiểm soát bệnh sởi trên địa bàn.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi. Đó là tiêm vắc xin vét, tiêm bù cho trẻ, kể cả tiêm cho nhân viên y tế, người thân bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ, bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc bệnh sởi, giảm tử vong.

Trẻ mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị, ảnh Phạm An
Trẻ mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị - Ảnh: Phạm An

"Trong khi chờ UBND TP ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi, ngành y tế TPHCM phải chủ động lên kế hoạch công tác phòng chống bệnh này” - ông Tăng Chí Thượng nói.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết, hiện số ca sởi tại nhiều nước vẫn đang tăng. Còn tại TPHCM, từ đầu năm 2024, số ca sốt phát ban nghi sởi tại các bệnh viện thấp, không có ca dương tính sởi.

Tuy nhiên, từ ngày 23/5 đến sáng 12/8, tất cả các bệnh viện trên địa bàn ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó có 346 ca dương tính sởi. Có khoảng 50% ca sởi tại các tỉnh chuyển đến. Các ca bệnh xuất hiện ở 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận huyện có 2 ca trở lên, so với thời điểm từ năm 2021 - 2023 thì TPHCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Đáng chú ý, trong 115 trẻ từ 9 tháng trở lên đủ điều kiện tiêm chủng, có đến 73% trẻ chưa được tiêm mũi nào, 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Tính đến tháng 6/2024, tỉ lệ tiêm sởi mũi 1 năm 2023 chỉ đạt 89,2% trên toàn thành phố. Trong khi đó, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, mũi tiêm 1 phải đạt từ 95% trở lên. Mũi sởi 2 cũng chưa đạt.

"Trên quy mô toàn TPHCM, chưa có quận, huyện nào đạt trên 95%, thậm chí, quận 12 có tỉ lệ dưới 85%. Đáng chú ý, quận 5, 8, 11, 12, Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh 4 năm liên tiếp không đạt 95%" - bác sĩ Nga thông tin.

Trước tình hình bệnh sởi đang gia tăng, HCDC đề nghị các bệnh viện, khi ghi nhận các ca sốt phát ban nghi sởi đều phải báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán. Với các trung tâm y tế, cần giám sát bệnh tại cộng đồng, triển khai cho cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phát hiện sớm, sau đó thông báo cho trạm y tế nếu phát hiện bệnh.

Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, để tạo miễn dịch, cần tiêm bù cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng chưa tiêm vắc xin. Sắp tới, TPHCM sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung. Sở Y tế TPHCM giao Thanh tra Sở Y tế và tổ công tác đặc biệt chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân chống vắc xin (nếu có).

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI