Bệnh sởi diễn biến phức tạp

07/12/2024 - 05:56

PNO - Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày 25/11 đến 1/12, số ca mắc bệnh sởi từ các tỉnh, thành chuyển đến TPHCM điều trị lên tới 574 ca, tăng gần 30% so với 4 tuần trước đó. Bệnh sởi đang diễn biến phức tạp.

7 trẻ trong cùng gia đình mắc sởi

Từ ngày 25/11 đến 1/12, TPHCM ghi nhận có 319 ca bệnh sởi, tăng 58,1% so với trung bình của 4 tuần trước, trong đó có 180 ca nội trú (tăng 36,6%), đa số bệnh nhi thuộc nhóm trẻ từ 10-14 tuổi và từ 6 đến 9 tháng tuổi. Riêng từ các tỉnh, thành chuyển đến là 574 ca bệnh, trong đó có 342 ca phải điều trị nội trú.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, có hơn 100 trẻ bị sởi nặng, biến chứng đang được điều trị, độ tuổi từ sơ sinh đến 12 tuổi. Trong đó, có đến hơn 85% bệnh nhi từ các tỉnh, thành lân cận chuyển đến. Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện - cho biết hầu hết bệnh nhi chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi hoặc có tiêm ngừa nhưng chưa đủ mũi.

Đa số các trường hợp cha mẹ gửi con cho ông bà, đi làm xa nên quên lịch tiêm ngừa của trẻ, hoặc đến ngày tiêm thì trẻ bị ho, sổ mũi nên gia đình không đưa đi tiêm.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy thăm khám cho trẻ mắc bệnh sởi
Bác sĩ Dư Tuấn Quy thăm khám cho trẻ mắc bệnh sởi

Đáng lo ngại, có tình huống nhiều anh, chị em trong cùng gia đình mắc sởi, nhập viện đồng loạt. Như gia đình chị N.T.T. - 38 tuổi, ở tỉnh Long An - cùng lúc đưa 3 con của mình vào bệnh viện vì bị sởi biến chứng viêm phổi, viêm ruột. Khi đến bệnh viện, các bé đều sốt cao, nổi nốt ban khắp người, khó thở. Vợ chồng chị T. đi làm thuê, phải nghỉ việc vào bệnh viện chăm con, hoàn cảnh rất khó khăn.

Còn gia đình chị B.K. - 45 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh - có 8 người con nhưng có đến 7 em (từ 4-12 tuổi) bị sởi phải vào bệnh viện. Nhà đông con, vợ chồng chị gửi cho ông bà ở quê chăm sóc, rồi lên TPHCM làm công nhân.

Chị K. kể: “Ban đầu, bé nhỏ nhất bị nóng sốt, sổ mũi, quấy khóc nên ông chở lên TPHCM cho tôi chăm sóc. Vài ngày sau, tới bé thứ hai được gửi lên. Chưa đến 2 tuần, 7 đứa con của tôi đều bệnh nặng, đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì sởi đã gây biến chứng. Riêng đứa lớn đã 18 tuổi nên không bị lây nhiễm”.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, có khoảng 70 trẻ bị sởi nhập viện, 2 trẻ biến chứng nặng, đang thở ô xy hỗ trợ. Trong đó, nhiều bệnh nhi từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… được chuyển đến điều trị. Số lượng người lớn, trẻ em nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng có xu hướng tăng với khoảng 160 trường hợp, đã có thai phụ sinh non vì biến chứng sởi.

Nhiều phụ huynh quan niệm sai lầm về tiêm ngừa sởi

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, trong số cha mẹ có con nhập viện vì bệnh sởi, có khoảng 10% phụ huynh cho rằng tiêm vắc xin ngừa sởi, con mình sẽ bị bệnh tự kỷ, giảm trí nhớ, còi xương… hay sởi là bệnh lành tính, dễ điều trị, không cần tiêm ngừa.

“Điều này rất sai lầm bởi không chỉ làm cho trẻ có nguy cơ mắc sởi cao, mà còn gây ảnh hưởng đến tương lai của con. Đến nay, ngành y tế chưa ghi nhận vắc xin ngừa sởi gây ra bệnh tự kỷ. Vắc xin sởi cũng không có tác dụng phụ nào như các nhóm anti vắc xin nhắc đến” - ông khẳng định.

Thực tế, trẻ 12 tuổi vẫn bị sởi và có thể gặp biến chứng nặng nề. Tỉ lệ trẻ nhập viện vì biến chứng sởi khá cao, nhiều nhất là viêm phổi, viêm ruột. Những trẻ này phải nằm viện từ 5-7 ngày. Đáng nói, những trẻ sau khi đã điều trị khỏi bệnh sởi vẫn có thể sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm miễn dịch kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm, có nguy cơ mắc những bệnh khác cao hơn trẻ khỏe mạnh.

Có thể thấy, vài năm sau đợt dịch sởi sẽ có một số lượng trẻ em còi cọc, không cao lớn do mắc sởi trong đợt dịch đó. Do đó, bác sĩ Dư Tuấn Quy nhấn mạnh: “Sởi là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm ngừa”.

Hiện tình trạng trẻ mắc sởi liên tục chuyển đến TPHCM sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm khi di chuyển. Đặc biệt, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao như bị tim bẩm sinh, bệnh lý huyết học, thận hư, suy giảm miễn dịch… nếu lây bệnh sẽ rất nguy hiểm.

Để ứng phó với dịch sởi, Sở Y tế TPHCM đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Đến ngày 1/12, đã tiêm được 6.278 mũi (17,16% so với tổng số trẻ rà soát được).

Bên cạnh đó, các địa phương phải tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn, vận động tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Bệnh viện cũng rà soát tiêm bổ sung cho các trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh.

Có thể thấy kết quả phòng sởi rõ ràng nhất khi TPHCM phát động chiến dịch tiêm ngừa vắc xin sởi cho trẻ từ trước lễ 2/9 đến nay. Khi tỉ lệ bao phủ vắc xin cho trẻ từ 1-10 tuổi đạt 95%, dịch sởi ở lứa tuổi này đã chững lại. Hiện, các ca mắc sởi đa số là trẻ ở các tỉnh, thành chuyển đến.

Tiêm ngừa miễn phí cho trẻ tại bệnh viện

Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận tổng cộng 2.438 ca bệnh sởi, bao gồm 1.752 ca nội trú và 686 ca ngoại trú, đã có 4 trường hợp tử vong. Trong đó, TPHCM có 1 ca tử vong là trẻ 12 tháng tuổi (ở TP Thủ Đức) bị tật thiểu sản phổi bẩm sinh, biến chứng viêm phổi nặng nhiễm trùng huyết hậu. Bệnh nhi chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi. 3 ca tử vong còn lại là bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành khác.

Để phòng ngừa sởi lan rộng từ bệnh nhân ở các tỉnh thành, các bệnh viện nhi cũng đã mở chiến dịch tiêm ngừa sởi tại chỗ. Những trẻ đến khám, điều trị, khi bệnh đã ổn định sẽ được tiêm ngừa sởi. Bên cạnh đó, trẻ ngoài bệnh viện có nhu cầu tiêm ngừa sởi, vẫn có thể đến tiêm. Nhân viên y tế của bệnh viện sẽ khám, tiêm ngừa miễn phí cho trẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI