Bệnh sởi đe dọa sức khỏe cộng đồng nhiều quốc gia

05/04/2025 - 07:47

PNO - Dù có thể được phòng ngừa nhờ vắc xin nhưng bệnh sởi vẫn đang bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới do hàng rào miễn dịch cộng đồng kém, thông tin sai lệch và tình trạng khó khăn về tài chính.

Số ca bệnh tăng nhanh

Một bệnh nhi 3 tuổi được tiêm vắc xin sởi tại Bệnh viện Seminole Memorial ở bang Texas (Mỹ) vào tháng 2/2025 - ẢNH: DESIREE RIOS (The New York Times)
Một bệnh nhi 3 tuổi được tiêm vắc xin sởi tại Bệnh viện Seminole Memorial ở bang Texas (Mỹ) vào tháng 2/2025 - Ảnh: Desiree Rios (The New York Times)

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2024, châu Âu đã ghi nhận 127.350 ca mắc sởi, nhiều gấp đôi năm 2023, cao nhất kể từ năm 1997. Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - nhận định: “Bệnh sởi đã quay trở lại. Nếu không đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao, chúng ta sẽ không có an ninh y tế”.

Năm 2024, châu Âu có 38 ca tử vong do sởi. Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm hơn 40% số ca. Nhìn chung, châu Âu chiếm 1/3 tổng số ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu năm 2024. Chỉ riêng năm 2023, 500.000 trẻ em trên khắp khu vực gồm 53 quốc gia đã bỏ lỡ mũi đầu tiên của vắc xin sởi từ các dịch vụ tiêm chủng thường quy.

Vi rút sởi dễ lây lan. Quá trình lây truyền chủ yếu thông qua các giọt hô hấp và khí dung tương tự như COVID-19. Trường hợp nhẹ, dấu hiệu bệnh bao gồm phát ban và sốt. Tuy vậy bệnh có thể diễn biến nặng hơn và dẫn đến viêm não, viêm phổi và mù lòa. Những bệnh nhân phải nhập viện và tử vong chủ yếu là những người chưa được tiêm vắc xin; tỉ lệ tử vong ở các nước phát triển dao động trong khoảng từ 1/1.000 - 1/5.000. Trung bình, mỗi người nhiễm sởi sẽ lây lan cho 12-18 người khác. Vào năm 2022, WHO đã mô tả bệnh sởi là “mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới”.

Tại Mỹ, báo cáo của chính phủ liên bang ngày 28/3 cho biết, quốc gia này đã ghi nhận 483 trường hợp mắc bệnh sởi trong năm 2025, với đợt bùng phát lớn nhất ở Texas. Số liệu này là rất cao so với 285 ca ghi nhận trong cả năm 2024. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiết lộ, 75% số ca nhiễm nằm ở nhóm người dưới 19 tuổi và 97% các trường hợp mắc sởi trong năm 2025 liên quan đến những người chưa được tiêm vắc xin hoặc tình trạng tiêm vắc xin không rõ ràng. Hiện đã có ít nhất 1 trường hợp tử vong được xác nhận.

Các bác sĩ ở bang Texas cũng đang đau đầu trước những ca mắc sởi có bệnh tình phức tạp do áp dụng liệu pháp bổ sung vitamin A. Đây là liệu pháp thường được những người hoài nghi về vắc xin ủng hộ. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Covenant ở TP Lubbock, Texas, đã điều trị cho một số trẻ em bị sởi chưa được tiêm vắc xin có dấu hiệu tổn thương gan. Một số trong đó được cha mẹ cho dùng dầu gan cá tuyết và các chất bổ sung vitamin A khác suốt nhiều tuần để cố gắng ngăn ngừa nhiễm trùng sởi.

Dù đôi khi bác sĩ sẽ kê đơn vitamin A liều cao để kiểm soát bệnh sởi nặng nhưng các chuyên gia không khuyến cáo mọi người tự dùng thuốc. Ở liều cao, vitamin A có thể gây tổn thương gan, khô và bong tróc da, rụng tóc; một số trường hợp hiếm gặp là co giật và hôn mê.

Do đó, vitamin A không phải là cách hiệu quả để ngăn ngừa bệnh sởi. Ngược lại, 2 liều vắc xin phòng sởi, quai bị và rubella có hiệu quả phòng bệnh hơn 97% với tỉ lệ biến chứng cực kỳ hiếm. Tỉ lệ dân số cần được tiêm vắc xin để giảm tỉ lệ lây truyền tại địa phương và ngăn ngừa bùng phát dịch (miễn dịch cộng đồng) là khoảng 95%.

Khủng hoảng tin giả và thiếu kinh phí

Mỹ đã chính thức tuyên bố loại bỏ bệnh sởi vào năm 2000 và hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều đến từ nước ngoài. Nhưng thành quả này hiện đang bị đe dọa do sự do dự ngày càng tăng về tiêm chủng vắc xin và thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Janeen Madan Keller - Phó giám đốc Chương trình Chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu (thủ đô Washington, Mỹ) - cho biết: “Trên khắp nước Mỹ, tỉ lệ bao phủ vắc xin sởi, quai bị và rubella ở trẻ mẫu giáo đã giảm trong những năm gần đây. Hiện nay, tỉ lệ này thấp hơn mục tiêu bao phủ là 95%, với sự khác biệt đáng kể giữa các cộng đồng”. Trên thực tế, tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại Mỹ đã giảm từ 95,2% (năm học 2019-2020) xuống còn 92,7% (năm học 2023-2024).

Thông tin sai lệch là yếu tố quan trọng làm giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Tại Anh, bác sĩ Andrew Wakefield đã trình bày dữ liệu giả mạo vào năm 2002, tuyên bố rằng vắc xin sởi, quai bị và rubella gây ra chứng tự kỷ. Bằng cách nào đó, ông đã công bố bài viết trên tạp chí y khoa The Lancet. Bài báo tuy đã bị rút lại sau đó nhưng giới truyền thông vẫn đưa tin về kết quả giả mạo này, tác động khiến tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ giảm vào thời điểm đó, dẫn đến đợt bùng phát bệnh sởi lớn ở thanh thiếu niên tại Anh vào năm 2012. Thậm chí, tuyên bố này đã lan truyền ra quốc tế. Vào năm 2020, một cuộc khảo sát dân số tại Mỹ phát hiện 18% số người được hỏi cho biết họ tin rằng vắc xin gây ra chứng tự kỷ.

Nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (Mỹ) chỉ ra rằng phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần đưa thông tin sai lệch về vắc xin. Điều này được xem là mối đe dọa toàn cầu cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng.

Việc kiểm soát bệnh sởi trên toàn cầu cũng trở nên khó khăn hơn khi Mỹ cắt giảm các khoản tài trợ y tế. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - chia sẻ: một mạng lưới hơn 700 phòng thí nghiệm của WHO trên toàn thế giới (GMRLN) chịu trách nhiệm xác định các trường hợp mắc bệnh sởi và rubella đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Tiến sĩ Tom Frieden - cựu Giám đốc CDC và là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Resolve to Save Lives - kết luận: “Mạng lưới GMRLN là xương sống của hệ thống phòng thủ sức khỏe. Nếu nó sụp đổ, cả nước Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ phải mò mẫm trong cuộc chiến chống dịch sởi”.

Linh La (theo NPR, The Conversation,
The Guardian, New York Times, UNICEF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI