Bệnh… sợ

19/02/2020 - 05:12

PNO - "Bệnh sợ" của ba mẹ đang tước đi sức đề kháng của con, lấy luôn cả cơ hội nhận diện tình huống nguy hiểm và cách xử lý khó khăn.

Trong kỳ nghỉ ở Nha Trang, tôi gặp một gia đình người Bồ Đào Nha có đứa con nhỏ khoảng 5-6 tuổi. Cả hai dều rất yêu chiều cậu con trai nhỏ, nhưng cách họ chăm sóc con lại rất khác biệt. Trên cano ra đảo, cậu bé được đeo hai chiếc phao nhỏ ở 2 cánh tay và thoải mái vận động, di chuyển như tất cả những người trưởng thành khác trong chuyến đi.

Ra đến đảo, sau khoảng thời gian chơi đùa cùng con, cậu bé  được tự do bơi lội gần bờ để ba mẹ bơi ra xa hơn. Yên tâm vì biết con bơi lôi rất giỏi, cộng thêm sự hỗ trợ của hai chiếc phao tay, ba người họ có những khoảng thời gian “không thuộc về nhau”. Ba mẹ vẫy vùng cùng nắng gió, lặn biển ngắm san hô hệt như đôi tình nhân thuở còn mặn nồng. Cậu con trai cũng thỏa thích bơi lội, chơi đùa sóng biển.

Trẻ thơ cần những cơ hội để tự thử thách và đối mặt với cả sự sợ hãi
Trẻ thơ cần những cơ hội để tự thử thách và đối mặt cả với sự sợ hãi

Bơi nhanh như rái cá, nhưng cậu bé khiến những người quan sát  rất ngạc nhiên bởi cậu không bao giờ bơi quá xa bờ. Dường như cậu đã được ba mẹ xác định  mốc giới hạn không được phép vượt qua trước khi để con lại một mình.  

Nhìn đứa trẻ con tung tăng trên biển không chút sợ hãi và hình ảnh đôi vợ chồng tận hưởng khoảng tự do thảnh thơi bên nhau dù đang đi du lịch cùng con nhỏ, tôi chợt nhận ra rằng mình và không ít bậc cha mẹ đang bị "bệnh sợ". Căn bệnh vô lý khiến những người trong cuộc cứ phấp phỏng lo âu, những đứa trẻ đôi khi cảm thấy bị gò bó và mãi không thể trưởng thành.

Từ khi có con, tôi sợ đủ thứ, cảm giác thế gian đầy cạm bẫy và hiểm nguy với con trẻ.Thay vì hướng dẫn cho con biết cách tự bảo vệ mình, biết cách ứng phó với những tình huống bất ngờ , thậm chí xấu nhất có thể xảy ra thì tôi và nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách để giữ con trong tầm mắt của mình. Mải mê bảo vệ con bằng tất cả tình yêu thương, tôi không đủ tỉnh táo nhận ra rằng rất có thể tôi đã vô tình đẩy các con vào vùng nguy hiểm, ngay trong vòng tay của mình.

Bạn tôi từng sợ đến suýt ngất khi biết đứa con trai của mình mượn xe máy của bạn để tập lái xe. Nhà chỉ có cậu con trai duy nhất, nên vợ cồng bạn nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm. Con học lớp 11, ba mẹ vẫn thay nhau đưa rước mỗi ngày. Không thể thuyết phục được ba mẹ cho đi xe, cậu mượn xe bạn tự tập chạy. Lúc mẹ xanh mặt bắt gặp cậu chạy xe chở bạn thì cậu thú nhận đây là lần thứ "n" cậu chạy xe và từng vài lần té xe. Đó là những lần cậu nói dối do té ngã lúc chơi đá bóng.

Con trẻ cfan được dạy cách tự bảo vệ, tự chăm sóc hơn là luôn luôn được đặt  trong vòng tay bảo bọc của người lớn
Con trẻ cần được dạy cách tự bảo vệ, tự chăm sóc hơn là luôn luôn được đặt trong vòng tay bảo bọc của người lớn

Cha mẹ dù có cố gắng hết mức, vẫn không thể kiểm soát con suốt 24/24. Có những sự cấm đoán là nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng và trẻ có xu hướng tự tìm cách để thực hiện điều mình mong muốn. Khi trẻ tự hành động nhưng lại thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tự bảo vệ, mọi thứ sẽ trở nên nguy hiểm.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã cảnh báo, trẻ ở các thành phố lớn đang thiếu kỹ năng sống, khả năng bảo vệ và tự vệ kém, do được cha mẹ bảo bọc quá mức. Cái vòng lẩn quẩn cha mẹ bảo bọc khiến con yếu ớt, nhút nhát; con nhút nhát cha mẹ càng ra sức bảo bọc.

"Bệnh sợ" của ba mẹ đang tước đi sức đề kháng của con, lấy luôn cả cơ hội để trẻ biết nhận diện tình huống và biết cách xử lý khó khăn, dù đó chỉ là những tình huống đơn giản trong cuộc sống. 

Nguyễn Hoa

.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI