Bênh ruột rà bất chấp đúng sai

28/07/2020 - 15:33

PNO - Yêu thương mù quáng dẫn đến bênh vực người thân bất chấp đúng sai. Nguy hại hơn, cung cách giáo dục cực đoan ấy còn khiến trẻ em dễ bị méo mó nhận thức, dẫn đến hành xử lệch lạc.

Chị M. là nhà giáo, sinh được mỗi một con trai. Cốt cách trí thức nên nết ăn ở, cư xử với bà con lối xóm của chị không có điều gì đáng chê, ngoại trừ mỗi cái tật… bênh con hơi quá đáng! Cháu K. con chị lại là một đứa trẻ khá hiếu động. Trong các cuộc chơi chung, K. thường xuyên va chạm, cự cãi với bạn cùng trường, cùng xóm.

Mười lần như một, hễ có chuyện mâu thuẫn giữa con mình với con người, chị M. đều “nóng mất khôn”, vào cuộc hùng hổ phân bua theo kiểu “giành phần phải” cho con: “tại nó, chớ thằng con tui hiền như đất cục thì làm gì dám động tới ai…”. Ngay cả những trận xô xát có người làm chứng, rằng con chị gây sự với con người ta trước, chị vẫn cứ nhất mực khăng khăng: “Con tui tui biết, không bao giờ có chuyện đó”.

Quá quắt hơn, bữa trước xảy ra việc cháu K. xô xát với bạn Q. cùng xóm; đến “hiện trường”, nhìn thấy K. bị dập môi, sưng mắt, chị M. xót con, chưa kịp hỏi đầu đuôi đã đùng đùng chỉ mặt Q. đay nghiến, còn toan… giơ tay tát Q. May có chồng chị đi theo ngăn lại kịp, nếu không chắc đã “to chuyện”, bởi mẹ Q. cũng không phải tay vừa. Bình tĩnh hỏi lại đầu đuôi, nguyên nhân cũng vẫn là cháu K. gây sự trước. Bị chồng mắng cho một trận, chị M. mới bơn bớt…

Khi bọn trẻ gây gổ với nhau, người lớn rất dễ .Ảnh minh họa
Khi bọn trẻ gây gổ với nhau, người lớn rất dễ "mất khôn" nếu bênh con quá mức. Ảnh minh họa

Trường hợp cháu H. con chị A. lại cũng một kiểu “ruột rà lấn sân lẽ phải”. H. có em trai tên V. nhỏ hơn hai tuổi, học chung trường. Do ở nhà được mẹ dạy: “Ra ngoài không được để đứa nào ăn hiếp em. Ruột rà trên hết…” nên H. rất bênh V. Đến trường, hễ có đứa nào động đến V. là H. xông vô ngay, không cần biết em mình đúng hay sai.

Về nhà, H. cũng nghe lời mẹ chiều chuộng, nhường nhịn V. đủ điều, khá xứng đáng là một ông anh mẫu mực. Vậy nhưng, cô bạn chị A. đến nhà chơi, dắt theo đứa con gái trạc tuổi V.; cháu táy máy nghịch, làm vỡ cái lọ hoa quà tặng sinh nhật mà H. rất quý; vậy là H. thẳng tay tát cô bé một phát. Bị mẹ rầy, H. trả lời: “Nó có phải em con đâu, sao con phải thương”.

Tình cảm phải đạo bắt buộc phải nương theo lẽ phải mà tồn tại. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo, công tâm để không rơi vào chuyện “ruột rà lấn sân lẽ phải”: do yêu thương mù quáng dẫn đến bênh vực người thân bất chấp đúng sai. Nguy hại hơn, cung cách giáo dục cực đoan ấy còn khiến trẻ em dễ bị méo mó nhận thức, dẫn đến hành xử lệch lạc như trường hợp cháu H. trong câu chuyện trên. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI