Bệnh Parkinson ngày càng trẻ hóa

02/12/2017 - 05:30

PNO - Chúng ta thường cho rằng Parkinson chỉ là bệnh của người già, thực tế bệnh tấn công cả người trẻ đang kỳ sung mãn nhất.

Đến giờ chị Đ.K.N., 38 tuổi (ngụ Q. Tân Bình, TP.HCM) vẫn không ngờ mình mắc bệnh Parkinson. Bệnh khởi phát cách đây tám năm, ban đầu chị N. chỉ cảm nhận hành động của mình chậm lại, đi chậm, làm gì cũng chậm, tay run. Cao điểm nhất là giai đoạn chị tự cầm ly nhưng tay run quá không ghìm lại được, nước trong ly sánh hết ra ngoài.

Hoạt động cá nhân bị hạn chế nghiêm trọng, chị N. đến bệnh viện (BV) khám và được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Thời gian đầu, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, thấy hiệu quả. Nhưng bốn năm trở lại đây, chị phải chịu những tác dụng phụ do thuốc gây ra như buồn nôn, khô miệng, giảm tiết nước bọt, khô mắt…

Khi ngưng thuốc, các tác dụng phụ dần hết nhưng chị lại phải nằm liệt giường vì đi lại sẽ té ngã, không giữ thăng bằng được. Cuối cùng, chị N. tới BV Đại học Y Dược TP.HCM và được phẫu thuật kích thích não sâu. Một năm kể từ ngày can thiệp điều trị, chị N. đã hồi phục, quay trở lại với sinh hoạt thường ngày.

Benh Parkinson ngay cang tre hoa
Một trường hợp Parkinson còn rất trẻ đang được thăm khám tại bệnh viện

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Tài, Phó khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Parkinson là bệnh người già nhưng người trẻ cũng mắc phải, nguyên nhân chính là từ yếu tố gen. Hơn 20 loại gen có liên quan đến bệnh này, nhiều gen thông qua nhiều cơ chế khác nhau nên không thể tìm ra gen nào là quyết định. Những ai có tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson, dù còn trẻ cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.

Một số nghiên cứu cho rằng, tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu, hóa chất... có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, y học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể để tìm cách phòng ngừa. 

Hiện nay, tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, có đến 10% bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc bệnh Parkinson. Các triệu chứng thường gặp là run, đơ cứng cơ, cử động chậm, rối loạn dáng đi. Khởi đầu, bệnh nhân thường run ở một tay hoặc chân, đôi khi chỉ run một bên của cơ thể.

Cường độ run nhiều khi người bệnh nghỉ ngơi ở trạng thái thức và giảm khi vận động hoặc khi ngủ. Một trong những triệu chứng sớm thường gặp nhất là cánh tay giảm đung đưa một bên khi đi, do cơ bị đơ cứng. Đơ cứng cơ có thể ảnh hưởng các cơ mặt, chân, cổ hoặc những nơi khác của cơ thể.

Benh Parkinson ngay cang tre hoa
 

Bệnh nhân Parkinson sẽ cử động chậm khi cố gắng cử động từ một tư thế nghỉ. Chẳng hạn như khó ra khỏi giường, đang ngồi khó đứng lên. Cử động chậm ở mặt, họng làm cho bệnh nhân khó nói, khó nuốt. Người mắc bệnh Parkinson hay đi bước ngắn và lê chân với hai chân sát vào nhau, hông gập nhẹ và xoay người khó khăn.

Ngoài ra bệnh còn có một số triệu chứng như mất khứu giác, rối loạn tiêu hóa, tiểu không kiểm soát và khó tiểu, tụt huyết áp tư thế, chảy dãi, mất ngủ, lo âu, trầm cảm.
Nếu người bệnh không được điều trị đúng đắn và kịp thời, sau 5-7 năm sẽ có nguy cơ bị tàn phế.

Cho đến nay, vẫn chưa có phương thức nào điều trị phòng ngừa và chữa lành bệnh Parkinson, chủ yếu là điều trị giảm triệu chứng. Tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, ngoài điều trị Parkinson bằng thuốc, bệnh nhân còn có thể được đặt điện cực kích thích não sâu.

Hỗ trợ điều trị để sống chung với bệnh

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Tài, các phương pháp điều trị hỗ trợ Parkinson hiện nay là vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hướng nghiệp, chức năng nói, nuốt...

Bên cạnh đó,  chế độ ăn hợp lý tùy từng giai đoạn của bệnh rất hữu ích. Đạm trong thức ăn có thể ngăn cản sự hấp thu levodopa (tiền chất chuyển hóa dopamine) làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.

Do đó, bệnh nhân nên chia bữa ăn có đạm thành nhiều lần, hoặc ăn vào ban đêm để cơ thể không bị thiếu đạm. Bệnh Parkinson cũng như thuốc điều trị thường dễ gây bón. Người bệnh cần uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau, quả, củ.

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI