Bệnh nhân vật vã vì thuốc ung thư vướng nghị định

15/01/2018 - 08:44

PNO - Thay vì được hẹn tái khám và nhận thuốc hằng tháng, các bệnh nhân ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM diện bảo hiểm y tế phải đến bệnh viện này hằng tuần mới mong có thuốc.

Nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa rất khổ sở vì tuần nào cũng phải bắt xe đò đến bệnh viện này; không ít bệnh nhân phải mua thuốc “chợ đen”.

Benh nhan vat va vi thuoc ung thu vuong nghi dinh
Các quảng cáo bán thuốc Glivec trên mạng - Ảnh: Quốc Ngọc

Chuyển qua uống thuốc “chợ đen”

Hằng tháng, ông N.V.H. phải lặn lội từ Cà Mau đến Bệnh viện Truyền máu Huyết học (BV TMHH) TP.HCM để khám và nhận thuốc điều trị căn bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML, ung thư máu). Thông thường, sau khi khám xong, các bệnh nhân như ông H. sẽ được nhận thuốc Glivec 100mg (hoạt chất imatinib) và hẹn một tháng sau tái khám; bệnh nhân nhận thuốc này từ hai nguồn viện trợ và thuốc thương mại do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, BV thông báo thuốc viện trợ đã hết, bệnh nhân chỉ còn được nhận thuốc thương mại. “Thuốc viện trợ thì hết, mà hình như thuốc do BHYT cấp cũng khan hiếm nên bác sĩ cũng cho nhỏ giọt. Giờ họ cấp cho tôi đủ uống trong bảy ngày thôi, nếu hết phải đi xe đò lên xin tiếp. Nhà thì xa xôi, thân bệnh hoạn, đi lại khó khăn kiểu này chắc chết” - ông H. thở dài.

Một bệnh nhân khác nêu thắc mắc: “Nghe nói thuốc Glivec được Thụy Sĩ tài trợ tới năm 2019, sao gần một tháng nay nói không có thuốc nữa? Nếu không được tài trợ nữa, chúng tôi có khi phải bỏ điều trị vì thuốc này rất mắc tiền. Trung bình mỗi người tốn hơn cả triệu đồng tiền thuốc một ngày”. Bệnh nhân này cho biết thêm, cách xử lý của BV hiện nay là cấp cho bệnh nhân một phiếu hẹn kèm số điện thoại; khi nào có thuốc, BV sẽ thông báo.

“Hôm thứ Sáu vừa rồi (12/1), tôi gọi vô số điện thoại mà BV cung cấp thì vẫn bảo là không có thuốc, trong khi thuốc nhận từ BHYT đã gần hết rồi”, anh T.Q.V. (ngụ TP.HCM) lo lắng cho biết. Tương tự ông H., anh V. cũng tái khám mỗi tháng, nhưng giờ cũng được hẹn tái khám mỗi tuần. Vừa rồi, anh chỉ được cấp 11 viên Glivec từ nguồn BHYT, còn lại 17 viên thuốc viện trợ thì BV bảo liên lạc lại vào ngày 12/1 nhưng đến nay vẫn chưa có. Để có thuốc uống theo đúng phác đồ điều trị, anh V. đã phải nhờ người mua thuốc Glivec bên ngoài. Mỗi ngày, anh phải uống bốn viên, chi phí tự bỏ ra để mua thuốc gần 1,5 triệu đồng/ngày.

Chờ Chính phủ xem xét

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Thiên Kim - Phòng Kế hoạch tổng hợp BV TMHH TP.HCM - cho biết, hiện tại, BV đang có hai chương trình cấp phát thuốc Glivec (imatinib 100mg) cho người bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Đó là chương trình GIPAP được tài trợ hoàn toàn từ Công ty Novartis (nguồn thuốc viện trợ) và chương trình VPAP, gồm 40% do BHYT chi trả (nguồn thuốc thương mại) và 60% được Novartis tài trợ (nguồn thuốc viện trợ).

Với nguồn thuốc thương mại do BHYT chi trả, BV vẫn tiếp tục cung cấp cho người bệnh; còn nguồn thuốc viện trợ hiện đã hết trên toàn quốc do vướng một số quy định mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc Glivec đang “vướng” Nghị định 54/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Theo đó, thuốc Glivec viện trợ nhập khẩu vào Việt Nam phải áp dụng điều 79 của nghị định này, tức phải có giấy phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Trước đây, thủ tục nhập khẩu thuốc Glivec viện trợ không đòi hỏi giấy phép này. Đến nay, Công ty Novartis vẫn chưa cung cấp được giấy phép để làm thủ tục xin nhập khẩu thuốc theo yêu cầu của nghị định trên.

Một nguồn tin cho biết, thuốc Glivec là thuốc viện trợ nhân đạo, có hạn sử dụng tương đối ngắn và người bệnh đang chờ thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã trình Văn phòng Chính phủ xem xét, giải quyết khẩn cấp trường hợp đặc biệt này và cho phép thuốc được nhập khẩu.

 Một vấn đề nữa là, những bệnh nhân không có BHYT hoặc tham gia BHYT chưa đủ 36 tháng liên tục, phải tham gia chương trình GIPAP sẽ ra sao trong khi chờ thuốc “thoát” nghị định tới tay dân? Với thắc mắc này, ông Phù Chí Dũng - Giám đốc BV TMHH TP.HCM - cho biết, bệnh nhân đành phải chờ và dùng thuốc khác thay thế (?).

Chúng tôi hỏi, đây là biệt dược không thể thay thế, liệu tình trạng người bệnh sẽ ra sao nếu phải đổi thuốc hoặc ngưng thuốc? Ông Dũng cho rằng, cũng tùy trường hợp, có người bị ảnh hưởng, có người không.

Ông Dũng cho hay, ngay khi thuốc Glivec được phép nhập khẩu, BV sẽ làm thủ tục nhập thuốc sớm nhất có thể, để cấp phát cho người bệnh. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI