Bệnh nhân ung thư vẫn sống khỏe trên 10 năm

18/07/2020 - 07:02

PNO - Khái niệm điều trị thành công đối với bệnh nhân ung thư là sống được trên 5 năm. Thế nhưng có những trường hợp sống được trên 10 năm, thậm chí gần 20 năm vẫn vui khỏe. Bí quyết của họ là gì?

Tuân thủ điều trị, dinh dưỡng và lạc quan

Chia sẻ về cuộc chiến với căn bệnh ung thư, ba bệnh nhân có quan hệ họ hàng với nhau, cho rằng yếu tố giúp họ chiến thắng bệnh ung thư là: tuân thủ điều trị, dinh dưỡng và sự lạc quan. Bệnh nhân sống cùng căn bệnh hiểm nghèo này lâu nhất đã được 19 năm, hai người còn lại phát hiện bệnh đến nay cũng được 12, 13 năm.

Bà H. vui với con cháu nhờ sự lạc quan và chế độ dinh dưỡng phù hợp suốt 13 năm chiến đấu với bệnh ung thư - Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp
Bà H. vui với con cháu nhờ sự lạc quan và chế độ dinh dưỡng phù hợp suốt 13 năm chiến đấu với bệnh ung thư - Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp

Một trong số các bệnh nhân nói trên là bà L.T.H. (sinh năm 1957, ngụ tại Q.12, TP.HCM), phát hiện ung thư cổ tử cung năm 2007. Bà trải qua ba lần xạ trị và đang được điều trị tại Khoa Nội 3 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Chị L.A., con gái của bà H. cho biết, bên cạnh việc mỗi ngày uống 2 - 3 viên thuốc và tái khám định kỳ sáu tháng/lần thì chế độ dinh dưỡng của mẹ được gia đình rất lưu tâm.

Mỗi khi bà H. bị thiếu máu, phải truyền máu, bà được con cái cho ăn thêm thịt bò. Thức uống hằng ngày của bà H. là lá trà xanh, dùng như nước giải khát. Sau mỗi đợt xạ trị, rất mệt và ăn không ngon, bà H. được con thay thế bữa ăn chính bằng ly sữa bổ sung các dưỡng chất. 

Điều quyết định giúp bà H. chiến thắng bệnh tật suốt 13 năm qua chính là tinh thần. “Nếu không lạc quan và tin tưởng rằng mình sẽ hết bệnh thì mẹ tôi sẽ u sầu, ủ rũ chẳng thiết ăn uống, từ đó bệnh sẽ phát triển nhanh hơn”, chị L.A. nói. Bí quyết để bà H. quên đi bệnh tật là cả nhà luôn khiến bà bận rộn, không có thời gian suy nghĩ vẩn vơ.

Trước khi đi ngủ, con gái vào trò chuyện với mẹ, hôm thì cho các cháu vào chơi với bà. Tụi nhỏ bắt bà kể chuyện cho tới khi cả hai bà cháu mắt díp lại và lăn ra ngủ. Trong nhà, mọi người tránh coi bà H. là bệnh nhân. Đôi khi nghĩ ra việc gì đó như khâu chiếc nút áo bị đứt, ủi giùm con cháu bộ đồ để bà nghĩ mình vẫn có ích cho cả nhà. “Cứ như thế mẹ tôi quên mình là bệnh nhân, sống rất vui vẻ bên con cháu”, chị L.A. mỉm cười hạnh phúc.

Bệnh nhân thứ hai là ông N.V.Y. (sinh năm 1960, ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM). Ông Y. phát hiện bị ung thư vòm mũi tới nay đã 12 năm. Tiếp xúc với ông, không ai nghĩ đây là người bệnh. Ông bảo: “Nếu không phải tái khám mỗi năm/lần và uống thuốc, tôi quên mất mình đang bệnh”.

Sáng nào, ông Y. cũng dậy sớm, tập thể dục. Thực đơn các bữa ăn trong ngày của ông có rất nhiều rau xanh, củ quả. Ông Y. khẳng định, điều giúp mình vượt qua bệnh tật chính là tâm lý lạc quan. Hằng ngày, kiếm các việc vừa sức trong nhà làm để luôn bận rộn và đừng bao giờ nghĩ mình đang bị bệnh.

Người sống chung với căn bệnh ung thư lâu năm nhất là bà N.T.A. (sinh năm 1955, ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM). Bà A. phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 năm 2001, tới năm 2010 phát hiện ung thư vú giai đoạn 1. Chị N.A., con gái của bà A. cho biết, bí quyết của mẹ mình cũng như người cô và chú của mình (bà H. và ông Y.) sống được tới nay là nhờ hạn chế tối đa ăn thịt đỏ, các chất lên men (tương, chao, mắm) và chỉ nghe tin vui, không nghe chuyện buồn.

“Chúng tôi không cho mẹ đi các đám tang. Không để mẹ nghe các câu chuyện buồn. Mẹ còn tập yoga, thiền để dưỡng tâm, dưỡng thể”, chị N.A. kể. Hiện bà A. sống rất khỏe, hằng ngày lên mảnh vườn trồng trọt, nhổ cỏ. Hàng xóm của bà còn đùa: “Không biết có phải bà ấy bị ung thư thật không, gần 20 năm qua thấy tươi tắn và hoạt động như người khỏe mạnh”.

Bệnh nhân ung thư nên và không nên ăn gì?

Theo bác sĩ Phạm Phước Thành, chuyên khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư cơ bản càng gần giống với chế độ ăn bình thường của bệnh nhân càng tốt, bao gồm: đầy đủ chất bột đường và đạm. Giảm chất béo và các gia vị không cần thiết.

Không ăn đồ hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn, đồ khô, đồ ăn nhanh. Ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ như rau quả, ngũ cốc thô (khoai, củ, gạo lứt…). Tăng lượng vitamin và khoáng chất bằng các loại trái cây tươi, sữa…

Người bệnh ung thư cần cẩn trọng với các dạng thực vật (herbal) hay thực phẩm chức năng do tương tác không biết trước với thuốc điều trị làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Không chỉ thế, người ta còn nhận thấy sự ảnh hưởng của thực phẩm chức năng với khả năng nhạy tia xạ của da (đối với bệnh nhân phải xạ trị).

Một số thức ăn/uống mà bệnh nhân ung thư cần tham khảo bác sĩ điều trị là: thuốc bắc nói chung, trà ăn kiêng, cam thảo, trà Mate, cây 
ma hoàng.

Chế độ thực dưỡng (như trên mạng nói) hết sức nghèo năng lượng, hoàn toàn không phù hợp với bệnh nhân ung thư. Biếng ăn, ăn ít thì khối u vẫn phát triển bằng cách sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể. Cho nên, phải ăn nhiều hơn bình thường để vừa nuôi cơ thể và nuôi khối u, có sức khỏe mà theo điều trị, ăn ít khiến thể trạng suy kiệt nhanh hơn.

Theo tiến sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, hiện nay, tỷ lệ chữa khỏi (sống được trên 5 năm) của bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện khá khả quan. Đối với ung thư tuyến giáp, tỷ lệ sống trên 5 năm là 90%, ung thư vú là 80% với giai đoạn 1 (giai đoạn 3 - 4 là 55 - 60%), ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là 80 - 85%.

Ung thư gan và ung thư dạ dày tỷ lệ sống trên 5 năm thấp hơn do diễn tiến của bệnh nhanh và lúc phát hiện thường ở giai đoạn muộn. Cụ thể, ung thư gan ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống ở mức từ 20 - 30%, dù giai đoạn sớm hơn cũng chỉ có 30 - 40% bệnh nhân sống được trên 5 năm.

Thanh Huyền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Vinh thọ manh 25-09-2020 19:21:10

    Bệnh nhân ung thư vú , vòm hông và tuyến giáp v.v...nhưng thế , chửa bằng cách tinh thần lạc quan ăn uống đủ đầy và thể dục thường xuyên ...vậy còn ung thư hạch bạch huyết (limpro không hotkinh)sẽ sống được bao lâu ...điều trị ra sao BS (tôi đã hoá trị năm 2014 cho đến bây giờ ). Xin BS cho lời trân thành . cảm on .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI