|
Thuốc morphin dạng viên |
Khoản 3, Điều 8 Thông tư 05/2016 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú quy định: trường hợp kê đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc người bệnh AIDS giai đoạn cuối nằm tại nhà (người bệnh không thể đến khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh): Người bệnh phải có Giấy xác nhận của Trạm trưởng trạm y tế xã nơi người bệnh cư trú. Mỗi lần kê đơn, số lượng thuốc sử dụng không vượt quá 10 ngày. Sau 1 đợt điều trị ngoại trú (10 ngày), thân nhân có thể lên bệnh viện lấy thuốc nhưng chỉ đi thay được 2 lần. Đến đợt thứ 3, bệnh nhân phải lên tái khám. |
Muốn mua thuốc phải nhờ tổ trưởng xác nhận còn sống
|
Bà cụ ở Đồng Tháp bị ung thư dạ dày, đã dùng 4 toa morphin điều trị ngoại trú |
Việc quản lý chặt chẽ morphin có thể hạn chế tình trạng mua bán chất gây nghiện. Nhưng theo các chuyên gia, khả năng gây nghiện của morphin không cao như ma túy. Để thỏa mãn cơn nghiện bằng morphin, người nghiện phải bỏ ra số tiền rất nhiều so với mua heroin. Trong khi, việc siết chặt morphin chưa hợp lý khiến cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thêm khổ sở.
Tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Nguyễn Thị Diễm (37 tuổi, ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đang chăm sóc mẹ 71 tuổi bị ung thư dạ dày cho biết: "Mẹ tôi đã chuyển sang ung thư giai đoạn cuối nên không thể dùng thuốc đặc trị được nữa. Bác sĩ cho về nhà và chỉ dùng thuốc giảm đau morphin để kéo dài thời gian sống".
Cứ sau 10 ngày, chị lại lên Bệnh viện Ung bướu mua morphin cho mẹ; thế nhưng việc mua thuốc chẳng dễ dàng. Sau khi mẹ chị uống hết toa đầu 10 ngày, chị lặn lội ra trạm y tế xã để xin chữ ký của trạm trưởng ký vào “Giấy xác nhận bệnh nhân hiện còn sống”.
Chị Diễm kể để có được chữ ký của trạm trưởng, chị lại phải thông qua một vài người nữa như tổ trưởng dân phố, thậm chí công an xã.
Ngặt nghèo hơn, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quy định giấy xác nhận bệnh nhân còn sống chỉ hợp lệ khi trưởng trạm ký đúng vào ngày thăm khám hoặc 1 ngày trước ngày thăm khám. Vì thế, mỗi khi hết 10 ngày thuốc morphin, chị Diễm lại cuống cuồng đi xin chữ ký. Chẳng may, trạm trưởng nghỉ phép, tổ dân phố đi du lịch, hoặc ngày khám rơi vào cuối tuần, chị phập phồng lo sợ không xin được giấy xác nhận cho mẹ.
|
Người đàn ông 72 tuổi ở Đồng Nai bị ung thư thanh quản, được chỉ định dùng morphin |
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quy định: Tối đa 1 tháng, bệnh nhân phải đến bệnh viện thăm khám lại. Nếu bệnh nhân không lên được, cho dù có giấy xác nhận còn sống, bệnh viện không thể cấp phát thuốc. |
Sau 2 lần lên Sài Gòn xin toa thuốc cho mẹ, đến toa thuốc thứ 3 chị phải đưa mẹ lên “trình diện” theo quy định để được nhận thuốc morphine; dù mẹ chị bệnh nặng không đi nổi.
Người bệnh hoàn toàn bị kiểm soát chặt chẽ, vì vậy, bác sĩ nên kê toa dài ngày hơn một chút, có thể 30 ngày rồi lên tái khám một lần cho tiện. Nếu cứ 10 ngày lên nhận thuốc, người nhà bệnh nhân bỏ hết công ăn việc làm, chi phí tiền xe…”.
Mệt mỏi vì những thủ tục rườm rà, chị Diễm than thở: “Trước khi nhận thuốc, gia đình bệnh nhân đã ký đơn chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu vi phạm quy định về sử dụng thuốc gây nghiện. Chưa kể, muốn nhận thuốc đợt kế tiếp thì người bệnh phải trả vỏ thuốc cũ cho bệnh viện.
Gần như toàn bộ bệnh nhân khi vào khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đều gắn liền với morphin. Như phòng mẹ chị Diễm nằm điều trị có 8 người thì hết 5 người được chỉ định dùng morphin.
Còn theo nhẩm tính của một điều dưỡng của khoa, mỗi tuần có khoảng 30 trường hợp được chỉ định dùng morphin. Tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, một tuần có khoàng 20 bệnh nhân được chỉ định dùng morphin.
|
Một tủ thuốc Morphine dành cho bệnh nhân ung bướu |
Morphin: kê 10 ngày hay kéo dài hơn?
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM) cho rằng, nhiều bệnh ung thư phổi, vú… được chỉ định liều lượng morphin rất ổn định. Do đó, việc giới hạn tối đa 10 ngày thuốc morphin trong một lần kê đơn là quá ngắn.
Điều này sẽ gây vất vả cho người bệnh và thân nhân, nhất là bệnh nhân ở xa các thành phố lớn vì phải đi lại liên tục để đổi toa thuốc. Bác sĩ Vũ đề nghị nên kéo dài thời gian một toa thuốc morphin lên 30 ngày, kèm theo đó là lời dặn của bác sĩ về các dấu hiệu bất thường để bệnh nhân nhập viện kịp thời.
Còn theo bác sĩ Quách Thanh Khánh, Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bệnh viện tỉnh nên triển khai khoa chăm sóc giảm nhẹ, trong đó có cấp phát thuốc morphin sẽ giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối giảm vất vả khi lên TP.HCM tái khám, lấy thuốc.
Theo thông tin chúng tôi có được, ngay cả một số bệnh viện lớn tại TP.HCM như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Gia Định… cũng chưa thực hiện cấp thuốc morphin cho bệnh nhân ung thư ngoại trú.
|
Trước khi nhận morphine, người bệnh phải ký cam kết |
|
Morphin dạng ống |
Tình trạng quá tải buộc những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi không còn “vũ khí điều trị” phải ngoại trú tại nhà bằng những viên thuốc giảm đau – morphine.
Vòng quay này tiếp diễn liên tục, kéo dài theo chu kỳ 10 ngày, cho đến khi nào căn bệnh ung thư quyết định kết liễu sinh mạng của họ.
Dù biết mình đang sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời nhưng vì người thân, những người bệnh ung thư giai đoạn cuối vẫn tiếp tục ngược xuôi kiếm cho được thuốc giảm đau morphin.
Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc thành phẩm gây nghiện, thuốc thành phẩm hướng tâm thần và thuốc thành phẩm tiền chất nếu sử dụng bất hợp pháp sẽ bị gọi là sử dụng ma túy và để lại hậu quả rất to lớn đối với xã hội. |
Hiếu Nguyễn