|
Người mắc bệnh ung thư cần chế độ ăn uống đa dạng, dinh dưỡng đầy đủ - Ảnh minh họa: Internet |
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và thực phẩm, Trường đại học Y Dược TPHCM - sẽ có những lưu ý nhằm giúp mọi người hiểu đúng hơn về bữa ăn của bệnh nhân ung thư, từ đó giúp người bệnh bổ sung dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện chất lượng sống cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.
Không kiêng thịt đỏ
Phóng viên: Thưa bác sĩ, quan niệm bệnh nhân ung thư cần kiêng các thực phẩm bổ dưỡng, nhất là thịt đỏ có đúng không?
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường: Đây là quan niệm rất phổ biến. Sở dĩ có quan điểm như trên vì theo lý thuyết, khi bệnh nhân ung thư dùng thực phẩm bổ dưỡng thì chất dinh dưỡng đó sẽ nuôi cơ thể, nuôi dưỡng cả tế bào lành tính và ác tính. Nhờ vậy, các tế bào ác tính cũng phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, không cho bệnh nhân ung thư ăn uống đầy đủ chất là 1 biện pháp tiêu cực, khiến các tế bào khỏe mạnh cũng không nhận được dinh dưỡng. Điều đó gây suy giảm hệ miễn dịch khiến người bệnh dễ bị các bệnh viêm nhiễm, nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột, viêm hô hấp trên…). Họ sẽ không còn sức để chiến đấu với bệnh ung thư. Nhiều trường hợp ung thư chưa vào giai đoạn muộn nhưng bệnh nhân lại nguy kịch, thậm chí tử vong vì suy kiệt và mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
Y văn hiện đại khuyến cáo bệnh nhân ung thư cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để duy trì hệ miễn dịch ổn định. Bệnh nhân ung thư chỉ nên hạn chế thịt đỏ (2-3 bữa/tuần), còn quan niệm phải kiêng hoàn toàn thịt đỏ tới nay chưa có bằng chứng nghiên cứu rõ ràng. Thịt đỏ thuộc nhóm chất đạm, không chỉ chứa hàm lượng protein cao mà còn cung cấp chất sắt, nhờ vậy giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do hóa trị, tăng sự ngon miệng ở bệnh nhân ung thư vốn ăn uống kém.
* Bác sĩ có thể cho biết các nhóm thực phẩm nào được coi là hữu ích đối với bệnh nhân ung thư?
- Bệnh nhân ung thư cần ăn nhiều hơn người bình thường. Họ cũng cần chế độ bổ dưỡng và giàu đạm. Người bệnh chỉ cần sụt 2-3kg sẽ dẫn tới tình trạng mất đi khối lượng cơ, từ đó ảnh hưởng tới xương khớp, các chức năng vận động.
Thức ăn từ các thực phẩm thô (tươi sống) được khuyên dùng cho người bị ung thư là trái cây và các loại hạt. Thực đơn cần xen kẽ để có đầy đủ các nhóm rau củ quả, thịt trắng (gà, cá, hải sản), thịt đỏ (2-3 bữa/tuần). Bên cạnh đó, nguồn đạm từ thực vật như các loại đậu, hạt chứa nhiều chất chống ô xy hóa và chất béo có lợi sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh có thể sử dụng thêm sữa và các chế phẩm từ sữa. Đặc biệt, cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể là việc vô cùng cần thiết.
Cần tinh tế khi chăm sóc
* Bệnh nhân ung thư thường rất mỏi mệt do hóa trị dẫn tới chán ăn, phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
- Bệnh nhân ung thư dễ bị thay đổi vị giác, khứu giác. Đây là tác dụng phụ thường gặp khi hóa trị. Ước tính có hơn 50% bệnh nhân ung thư sau khi hóa trị bị thay đổi vị giác. Tuy nhiên, đó chỉ là trạng thái tạm thời, sau một thời gian vị giác và khứu giác của người bệnh sẽ hồi phục. Dù vậy, việc thay đổi vị giác, khứu giác dẫn tới hậu quả người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, mất cảm giác thèm ăn (kể cả đối với món ăn/uống yêu thích). Ngoài ra, người bệnh còn hay buồn nôn khiến việc ăn uống càng trở nên khó khăn hơn. Một số bệnh nhân ung thư còn bị khô miệng, loét miệng, trong miệng có vị kim loại. Lúc này, người chăm sóc cần tinh tế đổi dụng cụ chứa thức ăn từ kim loại sang gỗ.
Ngoài ra, một số bệnh nhân lại quá nhạy cảm với mùi của thức ăn. Khi đó, người chăm sóc nên lưu ý không đưa đồ ăn vừa nấu xong, còn nóng cho bệnh nhân mà chờ thức ăn nguội bớt để không khiến bệnh nhân khó chịu khi ngửi thấy.
Nếu người bệnh chê thức ăn lạt lẽo thì khi chế biến, hãy thêm vào một số loại rau mùi. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân không chịu được hương vị của rau mùi.
Nói chung, người chăm sóc cần hết sức tinh tế và linh động theo thực tế để gia giảm gia vị vào món ăn sao cho phù hợp với bệnh nhân. Nhiều người mắc ung thư cho biết các giải pháp như ngậm kẹo bạc hà, kẹo gừng giúp giảm bớt cơn buồn nôn cũng như vị kim loại trong miệng.
Bệnh nhân ung thư rất khó ăn được một bữa cơm trọn vẹn trong thời gian 20 phút như bình thường. Bởi thế, cần chia nhỏ khẩu phần ăn của họ, cách khoảng 1-2 tiếng cho bệnh nhân ăn một lần. Nếu miệng người bệnh bị lở loét, đau, không ăn được món cứng, gia đình cần hầm thức ăn mềm hơn.
Nhiều gia đình thường xuyên cho bệnh nhân ăn cháo, điều này dễ gây nhàm chán. Cần thay đổi cách chế biến thực phẩm, linh hoạt nguồn tinh bột. Chẳng hạn thay vì chỉ ăn cháo, người bệnh có thể đổi bữa bằng nui, mì, bún, phở…
Một điểm khác cần lưu ý là bệnh nhân ung thư không nên uống nước trong lúc ăn để tránh bị no, không ăn được nhiều. Muốn bổ sung nước, người bệnh nên uống vào thời gian nghỉ giữa các bữa ăn. Trước khi ăn, người bệnh hãy thử đi bộ, tập thể dục để cơ thể vận động trong khoảng 20 phút. Nhờ vậy, hệ tiêu hóa sẽ được kích thích, giúp tăng cảm giác thèm ăn hơn.
* Chúng ta còn cần lưu ý điều gì trong quá trình chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư?
- Vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm phải luôn được đặt lên hàng đầu khi chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư vì hệ miễn dịch của họ suy yếu hơn bình thường nên rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nếu khi chế biến thức ăn, người nấu bếp vô tình để lây nhiễm vi khuẩn từ thịt sống sang thực phẩm chín, không rửa sạch tay trước khi chạm vào thực phẩm thì sau khi ăn, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng tiêu hóa. Bệnh nhân ung thư cũng nên hạn chế ăn rau sống, sashimi, đồ ăn chưa nấu chín.
Bệnh nhân ung thư nên tránh ăn gì? Nhìn chung, bệnh nhân ung thư cần ăn uống đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, thậm chí cần được bồi bổ nhiều hơn người bình thường để duy trì thể trạng ổn định, từ đó có sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật. Tuy nhiên, khi bị ung thư, hệ miễn dịch suy giảm cũng là nguyên nhân khiến họ dễ mắc thêm các bệnh lý đi kèm. Do đó, tùy từng bệnh lý mắc phải, bệnh nhân ung thư cần hạn chế một số loại thực phẩm. Chẳng hạn như khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh cần kiêng bia rượu, đồ ăn kích thích có các vị chua, cay. Bệnh nhân ung thư có bệnh lý đi kèm là tăng huyết áp cần hạn chế ăn mặn và các món ăn chứa nhiều muối như giò chả, thịt nguội, dưa món, củ kiệu… Tương tự, bệnh nhân ung thư bị đái tháo đường phải kiêng ăn ngọt, hạn chế tinh bột. Người có bệnh lý về gan phải kiêng rượu bia, đồ ăn dầu mỡ. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư có suy thận đi kèm phải hạn chế ăn chuối, nho bởi đây là nhóm trái cây chứa nhiều kali do người bệnh thận nặng không thể loại bỏ kali khỏi máu. Trong khi đó, nồng độ kali cao có thể dẫn đến đau tim hoặc tử vong. Tóm lại, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không có công thức chung cho tất cả, tùy từng trường hợp và phụ thuộc các bệnh lý đi kèm của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những lưu ý khác nhau. |
Thanh Huyền (thực hiện)