Bệnh nhân thiệt vì áp thầu hóa chất

16/04/2013 - 19:30

PNO - PN - Do không đủ khả năng thực hiện đấu thầu nên nhiều bệnh viện (BV) quận/huyện tại TP.HCM áp theo giá trúng thầu về hóa chất của các BV lớn. Nhiều mặt hàng có giá trúng thầu cao gấp đôi so với giá thị trường, khiến chi phí...

Hàng giá rẻ, trúng thầu giá cao

BV Q.Phú Nhuận không có đủ điều kiện đấu thầu nên đã mua nhiều loại hóa chất theo giá của các BV đã trúng thầu (gọi là áp thầu - PV). Tuy nhiên, giá trúng thầu nhiều mặt hàng này ở các BV tuyến trên lại quá cao. Như loại keo dán trong trám răng thẩm mỹ G.Bond của Nhật trúng thầu đến 1.750.000đ; trong khi keo dán 3M của Mỹ được xem là tốt hơn nhưng giá thị trường chỉ có 800.000đ. Loại 3M có khả năng giữ được răng đã dán, trám lâu hơn loại G.Bond nên hiện nay các phòng khám tư nhân thường sử dụng loại keo trám 3M để phục vụ người bệnh. Hay như loại cao su dùng để lấy dấu làm răng giả, BV Q.Phú Nhuận đã áp theo giá trúng thầu (loại Exaflex của Nhật), trọn bộ là 2,6 triệu đồng; trong khi sản phẩm cùng loại Zhermack của Ý giá trọn bộ trên thị trường chỉ khoảng một triệu đồng.

Tương tự, tại một số BV quận/huyện khác, các bác sĩ cho biết, loại xi-măng gắn răng giả cố định GC Fuji Plus Powder của Nhật có giá thị trường 1,8 triệu đồng, nhưng trúng thầu đến 2,6 triệu đồng. Hoặc dụng cụ trong điều trị nha như loại khoan Reamer (trong công đoạn lấy tủy) hay thuốc trám ống tủy xuất xứ từ Ấn Độ có giá trúng thầu cao hơn hẳn so với hàng của châu Âu. Các BV lo ngại, nếu giá thị trường và giá trúng thầu chênh lệch quá nhiều thì sẽ gây khó khăn cho BV lẫn bệnh nhân.

Để cân đối trong thu chi, các BV chỉ dự trữ hóa chất theo mỗi tháng, nhưng nhiều khi các cơ sở trúng thầu lại không cung ứng hàng như cam kết. Có thời điểm, tình trạng thiếu hàng kéo dài đến ba tháng, nhưng cơ sở cung ứng vẫn không tìm nguồn thay thế và cũng không giải thích nguyên nhân. Trong khi đó, người bệnh không thể chờ được nên BV quận/huyện buộc phải chuyển lên tuyến trên hoặc tìm cách vay mượn hóa chất ở các cơ sở điều trị khác.

Benh nhan thiet vi ap thau hoa chat

Kết quả trúng thầu và những hóa chất trúng thầu cao hơn giá thị trường

Đừng để nhà thầu làm giá

Trước phản ứng của các BV về giá hóa chất trúng thầu cao khiến BV và người bệnh chịu thiệt, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết, trong năm nay, bảo hiểm y tế (BHYT) mới chính thức tham gia quản lý nhà nước về duyệt thầu thuốc. Tuy nhiên, BHYT chưa can thiệp vào lĩnh vực hóa chất. Mặt khác, BHYT chỉ thanh toán viện phí cho BV thông qua một gói dịch vụ điều trị chứ không tính cụ thể từng loại hóa chất. Do đó, BV cần chọn mặt hàng giá hợp lý, chất lượng và chịu trách nhiệm về ngân sách do Nhà nước quản lý.

Giám đốc kinh doanh của một hãng dược chuyên tham gia đấu thầu tại các BV cho biết, với những mặt hàng ít có nhu cầu sử dụng, đặc biệt là những sản phẩm phân phối độc quyền thì các cơ sở tham gia đấu thầu thường “làm giá”. Tuy nhiên, giá cao còn có nguyên nhân, những mặt hàng ít có nhu cầu sử dụng, chi phí vận chuyển cao. Chưa kể, một số BV trúng thầu nhưng không nhận hàng, khiến các cơ sở phải “ôm hàng” nên không dám nhập về nhiều. Hơn nữa, cơ sở cung ứng thường đưa giá đấu thầu cao hơn thị trường để “khấu hao”, tránh tình trạng trượt giá so với thị trường vì BV chậm thực hiện quyết toán cho nhà cung ứng.

Ban giám đốc của một BV lớn chia sẻ, việc tham gia đấu thầu thường được xét duyệt kỹ, nếu xét về thủ tục các cơ sở trúng thầu không sai. Lẽ ra, khi thấy giá các mặt hàng hóa chất ở thị trường thấp hơn đáng kể so với giá trúng thầu thì các BV lớn nên buộc nhà thầu hạ giá trước khi ký hợp đồng trúng thầu. Làm được như vậy không chỉ giúp bệnh nhân mà BV cũng giảm chi phí khá nhiều.

Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, hiện nay luật pháp không ràng buộc BV quận/huyện phải chọn cụ thể một BV để áp thầu. Do đó, nếu các BV nhận thấy giá trúng thầu ở các BV lớn quá cao thì có thể chọn sản phẩm thay thế ở những cơ sở khác. Nếu như giá thầu ở các cơ sở vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường, chất lượng chưa tốt thì BV nên trình bày với Sở Y tế để được phê duyệt mua hóa chất, vật tư.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI