Bệnh nhân thêm gánh nặng vì… thực phẩm chức năng

23/04/2025 - 05:51

PNO - Nhiều chuyên gia y tế đã chỉ ra, thực phẩm chức năng đang làm tăng chi phí, tạo gánh nặng cho bệnh nhân trong khi hiệu quả mơ hồ, không rõ ràng.

“3 đồng thuốc, 7 đồng thực phẩm chức năng”

Bước ra từ nhà thuốc của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh N.P. (ở tỉnh Bắc Ninh) xách theo 2 túi với hàng chục hộp thuốc, thực phẩm chức năng. Kiểm tra lại hóa đơn và thuốc, anh thở dài: “Lần trước đi sinh đứa thứ nhất cũng mất mấy triệu như vậy”.

Một bệnh nhân vừa phải mua 4 loại thuốc và 4 loại thực phẩm chức năng
Một bệnh nhân vừa phải mua 4 loại thuốc và 4 loại thực phẩm chức năng

Vợ anh N.P. (33 tuổi) sinh con theo cách đẻ thường, có bảo hiểm y tế. Sau sinh, em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Khi xuất viện, anh ước tính chi phí khoảng 3-4 triệu đồng. Tuy nhiên, riêng số tiền để mua thuốc và thực phẩm chức năng đã tốn hơn 4,4 triệu đồng.

Với sản phụ, ngoài thuốc kháng sinh và thuốc bổ sung sắt, còn có thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu acid folic (giá gần 600.000 đồng). Trẻ sơ sinh được kê 2 loại thuốc dạng siro với thành phần khá tương đồng, đều chứa lysin, cholecalciferol, calcium, dexpanthenol, pyridoxin hydroclorid... Trẻ còn được tư vấn dùng thêm 3 loại thực phẩm chức năng gồm: vitamin D3, men vi sinh và dầu omega thực vật.

Anh P. chia sẻ, bản thân không hiểu rõ công dụng của từng loại sản phẩm nên khi bác sĩ kê đơn và nhân viên quầy thuốc tư vấn mua thực phẩm chức năng, anh đều đồng ý.

Cũng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị V.T.T. (48 tuổi, ở tỉnh Nam Định) được chẩn đoán viêm âm đạo. Bác sĩ kê 2 loại thuốc gồm viên âm đạo và sản phẩm vệ sinh vùng kín hằng ngày. Khi đến quầy thuốc bệnh viện, chị được nhân viên tư vấn mua thêm 2 sản phẩm dung dịch vệ sinh khác dành cho chị và chồng, giá 500.000 đồng. Tổng chi phí cho đơn thuốc hơn 1,9 triệu đồng.

Bà K.H. (69 tuổi, ở TP Hà Nội) đi khám tại một bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội và được chẩn đoán nang thùy phải, đa nhân hỗn hợp thùy trái tuyến giáp. Bác sĩ cho hay, bệnh nhân không cần dùng thuốc và theo dõi sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Dù vậy, bác sĩ vẫn tư vấn qua giấy viết tay để bà mua 4 hộp sản phẩm với giá 1 triệu đồng.

Đáng nói, vị này còn hướng dẫn bà ra hiệu thuốc ngoài cổng bệnh viện để mua vì “trong bệnh viện không có”. Khi về nhà, con cháu bà phát hiện, đây không phải thuốc, mà là thực phẩm chức năng bổ sung i-ốt, vitamin và khoáng chất. Bà K.H. xót xa vì số tiền này bằng công cả 1 tháng bà đi bán rau.

Cùng với thực phẩm chức năng, sữa cũng là mặt hàng được nhiều bệnh viện tư vấn sử dụng cho trẻ em, bệnh nhân có bệnh nền, phải phẫu thuật...

Sau khi vụ việc gần 600 nhãn sữa giả được phanh phui, trên mạng xã hội, một sản phụ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn bức xúc, dù gia đình đã chuẩn bị sữa riêng nhưng bác sĩ vẫn tư vấn dùng sữa Hapomil cho bé sơ sinh. Gia đình chị đã mua 2 hộp với số tiền gần 1,2 triệu đồng. Đáng nói, đây chính là loại sữa do Công ty cổ phần dược Quốc tế Rance Pharma sản xuất - một công ty trong đường dây sữa giả đang bị điều tra.

Bệnh viện này sau đó đã thông tin về việc dừng tư vấn sữa Hapomil. Đáng chú ý, ngay dưới bài thông báo của bệnh viện trên mạng xã hội, nhiều người nhà và bệnh nhân đồng loạt lên tiếng bị bác sĩ tư vấn theo kiểu ép mua sữa, thậm chí không cho mang sữa ở ngoài vào vì lý do không bảo đảm.

Câu chuyện đã kéo dài nhiều năm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) - chia sẻ, quản lý kê đơn thực phẩm chức năng là câu chuyện đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có “hồi kết”. Thường xuyên được gia đình bệnh nhi nhờ tư vấn đơn thuốc sau khi khám bệnh tại các cơ sở y tế, ông không ít lần ngao ngán.

Ngày 20/4, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác kê đơn thực phẩm, thực phẩm chức năng tại bệnh viện. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh nghiêm cấm lợi dụng việc kê đơn để trục lợi. Các bệnh viện phải kiểm tra, rà soát nhân viên y tế trong việc tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện…

“Trong đơn thuốc có 2 phần: thuốc điều trị và hàng loạt thực phẩm chức năng. Nhiều khi đơn thực phẩm chức năng chỉ vô thưởng vô phạt, làm đội giá lên cao. Nói cách khác, nó mang tính thương mại hơn là y khoa” - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Theo ông, những người được xem là yếu thế - như bệnh nhân suy thận - khi bác sĩ tư vấn sữa, thực phẩm chức năng thì “làm sao bệnh nhân có thể từ chối”. Trong khi đó, ông nhận định, việc kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng hiện nay đang quá lỏng lẻo, cách tiếp thị của một số hãng cũng không bảo đảm khi đưa vào bệnh viện.

Ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - thẳng thắn nêu thực trạng: “Người bệnh phải bán trâu, bò, gà lợn để đi khám, nhưng ngoài 3 đồng mua thuốc phải chi 7 đồng cho thực phẩm chức năng. Bởi, bác sĩ kê toa gì thì người bệnh thường phải cố mua nấy”.

Trong điều trị, thuốc là yếu tố then chốt, bác sĩ có thể tư vấn thêm về dinh dưỡng như sữa, thực phẩm chức năng bổ trợ cho người bệnh. Song việc này sẽ tăng gánh nặng chi phí cho bệnh nhân, trong khi hiệu quả điều trị chưa rõ ràng. Vì vậy, vài năm trở lại đây, Bệnh viện Bạch Mai quy định bác sĩ không kê đơn, tư vấn thực phẩm chức năng; nhà thuốc bệnh viện không bán thực phẩm chức năng. Người bệnh nếu phát hiện bác sĩ của bệnh viện kê đơn thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì phản ánh để xử lý.

Ông Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - chia sẻ, thực phẩm chức năng vốn không xấu nhưng đang bị biến tướng. Để xử lý tình trạng này, ông kiến nghị các cơ quan chức năng, cơ sở y tế cần phải thực hiện nghiêm quy định về kê đơn và xử lý thật nghiêm, “làm điểm” vài vụ làm bài học cảnh tỉnh cho nhiều y bác sĩ đang kinh doanh trên sức khỏe của bệnh nhân.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh thì nhấn mạnh vai trò của ban giám đốc, hội đồng thuốc, phòng kế hoạch tổng hợp của các bệnh viện trong việc ban hành, rà soát chính sách, nội quy để “quản” bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng tràn lan. Ông phân tích: “Khi phát hiện 1 loại thuốc, thực phẩm chức năng nào đó tự nhiên tăng số lượng lên một cách bất ngờ, hoặc chỉ có một vài bác sĩ hay kê đơn một loại thì cần nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện tiêu cực có thể ở phía sau”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương):

Phải củng cố và nâng cao y đức

Khi nói tới vấn đề sữa, thực phẩm chức năng, tôi liên tưởng tới câu chuyện trong ngành giáo dục đã từng diễn ra một thời gian dài. Đó là sự lập lờ giữa sách giáo khoa và sách tham khảo. Với sách tham khảo thì chỉ là tốn tiền, vô ích, còn với thực phẩm chức năng thì nhiều khi “lợi bất cập hại” đối với sức khỏe.

Tư vấn dinh dưỡng, thực phẩm chức năng là cần thiết nhưng phải rạch ròi trong quá trình kê đơn để người dân hiểu đó là thực phẩm bổ sung, có thể lựa chọn theo nhu cầu. Theo tôi, các bác sĩ không nhất thiết phải tư vấn cụ thể tới từng nhãn hàng. Bởi, khi đã liên quan tới 1 sản phẩm, 1 doanh nghiệp cụ thể thì ở đó, có thể không còn sự vô tư.

Thời gian qua, trong quá trình tiếp xúc cử tri, tôi nhận được nhiều phản ánh về tình trạng quản lý, kê đơn thực phẩm, thực phẩm chức năng tại bệnh viện. Đặc biệt, sau vụ phát hiện gần 600 loại sữa giả, cử tri vô cùng bức xúc. Tại sao trong suốt thời gian dài, không đơn vị chức năng nào kiểm nghiệm để phát hiện sớm vụ việc?

Theo quy định pháp luật, đây là những mặt hàng tự công bố chất lượng. Bài toán đặt ra là, với những sản phẩm liên quan tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng thì chúng ta có nên tự công bố không? Nếu như chúng ta không để tự công bố mà kiểm nghiệm trước rồi cho lưu hành sau thì có đủ sức hậu kiểm, bảo đảm cơ sở vật chất? Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan phải nghiêm túc đánh giá lại vấn đề này.

Về vấn đề kê đơn thực phẩm chức năng, bên cạnh giải pháp kiểm soát từ phía lãnh đạo bệnh viện, chúng ta cần có giải pháp để củng cố và nâng cao y đức của thầy thuốc. Nếu không có y đức, dù quy định chặt tới đâu vẫn có thể tìm ra cách lách luật. Bác sĩ có thể không kê đơn thực phẩm chức năng mà “nói nhỏ” để bệnh nhân mua sản phẩm. Khi đó, việc kiểm soát còn khó khăn hơn.
Còn nâng cao y đức bằng cách nào, thì đây là trách nhiệm của ngành y tế. Ngành y phải có các giải pháp thiết thực để chấn chỉnh lại đội ngũ y bác sĩ và nâng cao y đức trong toàn ngành.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI