Bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2: Muốn được về nhà

13/01/2022 - 08:46

PNO - Nhiều năm sống trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, nhiều người đã trong cảnh hai không: không có nhà để về, không có người thân hỏi thăm. Thế nhưng sâu thẳm, họ vẫn muốn được một lần về nhà, được ở gần những người thân thương.

Những “công dân” bất đắc dĩ của bệnh viện

Có khuôn mặt xinh xắn nhưng ánh mắt vô hồn của cô gái 22 tuổi luôn nhìn vào hư không. Các y, bác sĩ cũng không biết tên hay quê quán của cô, chỉ biết cô được lực lượng công an đưa vào Khoa Mãn tính nữ (Khoa C2) Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 từ ba năm trước. Trên hồ sơ bệnh án, cô được đề tên “bệnh nhân nữ vô danh”. Không chỉ bị tâm thần, cô còn mang nhiều bệnh nội khoa khác, đặc biệt là thiếu máu. Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh (phụ trách Khoa C2, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) cho hay: “Dường như bệnh nhân có rất nhiều tâm sự. Cô ấy luôn thẫn thờ và không bao giờ giao tiếp với ai. Cô không còn la hét như những ngày mới nhập viện, song gần đây, bệnh tâm thần nơi cô lại có dấu hiệu trở nặng, cơ thể cũng yếu hơn hẳn”. 

Cô gái vô danh trên chỉ là một trong hơn 100 bệnh nhân vô gia cư đang điều trị và sống nhiều năm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Mỗi người vào viện với những lý do, hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm: không có nhà để về, không có người thân hỏi thăm.
Tại Khoa Tâm căn, chúng tôi gặp một bệnh nhân khá “nổi bật”. Ông khoảng 70 tuổi nhưng hành động lại như một thanh niên mới lớn.

Ông là N.H.N., đã sống tại bệnh viện gần 20 năm. Hộ lý Đặng Hồng Vân - người “sống” cùng bệnh nhân của Khoa Tâm căn nhiều năm nay - cho hay: “Chăm sóc ông N. khá khó khăn. Việc uống thuốc hay ăn uống với ông như thể cực hình. Mỗi lần cho ông ăn uống, hộ lý hay điều dưỡng đều toát mồ hôi. Ông hết ngồi xuống đất lại chạy sang phòng khác. Sau khi làm thủ tục nhập viện, người thân chưa một lần vào thăm ông dù chúng tôi liên hệ nhiều lần. Bây giờ, họ không nghe máy nữa”.

Theo bác sĩ Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, nhiều trường hợp bệnh nhân đi lang thang được lực lượng công an phát hiện và đưa vào bệnh viện. Người ở lại bệnh viện lâu nhất khoảng 20 năm, ít nhất cũng đã vài năm. Bệnh viện như ngôi nhà chính thức của họ. “Do bệnh nhân không có người thân kề cận chăm sóc nên chúng tôi lo toàn bộ cuộc sống cho họ, từ điều trị đến ăn uống, nghỉ ngơi… Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý khác ngoài tâm thần cần khám, chữa ở các bệnh viện đa khoa, chúng tôi cũng tự chi trả viện phí. Họ giống như người nhà” - bác sĩ Võ Thành Đông chia sẻ.

Mong được “về nhà”

Sau cánh cổng sắt đi vào Khoa Mãn tính nữ là khuôn viên khá rộng, có cả mảng xanh. Nơi này đang điều trị cho 102 người, trong đó có 20 bệnh nhân vô gia cư. Điều khá bất ngờ là mảng xanh này lại do chính các bệnh nhân của khoa chăm sóc, vun trồng. Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh kể: “Trước đây, mảng xanh của khoa là cây thân gỗ lớn, tán lá rộng, tạo bóng mát rất tốt. Tuy nhiên, vì nhiều bệnh nhân leo lên cây và té ngã nên bệnh viện đành chặt cây để đảm bảo an toàn. Khoa đang có 2-3 bệnh nhân rất tỉnh táo, làm được các việc như chăm sóc cây hoa, chăm sóc bản thân… gần như người bình thường. Thậm chí, họ còn giúp chăm sóc những bệnh nhân khác.

Nhiều bệnh nhân tâm thần đều mong muốn được về nhà, gần gũi với người thân
Nhiều bệnh nhân tâm thần đều mong muốn được về nhà, gần gũi với người thân

Với những bệnh nhân đã ổn định, các bác sĩ nhiều lần liên hệ với gia đình để đón họ về nhưng… họ không chấp nhận. Vậy là bệnh nhân lại tiếp tục nằm trong danh sách “bệnh nhân vô gia cư”. Tôi cảm nhận rất rõ họ cũng muốn được về nhà, về với người thân, nhất là những người già nhưng thực tế phũ phàng - họ đã không còn nơi để về từ rất nhiều năm”.

Điều dưỡng Phùng Thị Tuyết Nga, Khoa Tâm căn (E2), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, tâm sự: “Có những người già dường như cảm nhận được mình sắp đi xa nên hay dặn dò chúng tôi nhớ mua trái cây thắp nhang, cầu nguyện cho họ. Tôi đã gặp một trường hợp khá đau lòng. Bệnh nhân ấy 73 tuổi, khá tỉnh táo, khỏe mạnh và hay phụ giúp chúng tôi trong những năm ở bệnh viện. Cũng như bao bệnh nhân vô gia cư khác, không ai ghé thăm cụ, ngay cả lúc mất. Sau khi bệnh viện đã hỏa táng và thông báo cho người nhà đến lấy tro cốt của bệnh nhân, họ mới xuất hiện”.

Bệnh nhân nơi đây thường đòi về nhà. Nhiều trường hợp khi tỉnh táo đã bật khóc khi biết được mình bị người thân không thừa nhận, không còn nơi để về. 

Gia Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI