Bệnh nhân tắc hẹp mạch máu não ngày càng trẻ hóa

04/01/2024 - 06:28

PNO - Nếu như cách đây 5 năm, bệnh nhân trẻ nhất được bác sĩ ghi nhận là trên 50 tuổi thì hiện tại trường hợp trẻ nhất chưa tới 30 tuổi.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trang Mộng Hải Yên - Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu não - Khoa Tim mạch cấp cứu can thiệp Bệnh viện Thống Nhất, số bệnh nhân bị tắc hẹp mạch máu não đang ngày càng trẻ hóa. 

Chủ quan trước những cơn xây xẩm

Tắc hẹp mạch máu não là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ. Trước đây, độ tuổi, chủng tộc và giới tính được coi là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ thì nay lối sống thiếu lành mạnh lại được coi là nguyên nhân chính dẫn tới điều này. Giới trẻ bây giờ bận rộn, thường xuyên dùng thức ăn nhanh, đồ nấu sẵn, uống nhiều rượu bia; ít vận động, ít tập thể dục thể thao. 

Điều đáng nói, khi tắc hẹp mạch máu não, bệnh nhân đều có các triệu chứng cảnh báo như nhức đầu, xây xẩm mặt mày rồi tự khỏi. Thế nhưng, đa phần mọi người chủ quan nên đến khi bệnh đã nặng mới đi khám. Gần đây, bác sĩ Hải Yên đã tiếp nhận chị N.T.C. (36 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) hay bị xây xẩm mặt mày. Chị từng đi khám và được chẩn đoán bị những cơn thiếu máu não thoáng qua. 

Bác sĩ Hải Yên (bìa phải) đang kiểm tra một trường hợp bị tắc hẹp mạch máu não
Bác sĩ Hải Yên (bìa phải) đang kiểm tra một trường hợp bị tắc hẹp mạch máu não

Tình trạng ngày một nặng, tới mức chị bị yếu nửa người bên phải 1 lần nhưng rồi lại tự khỏi. Chị tới một bệnh viện tại TPHCM để khám và được chẩn đoán hẹp động mạch não 95% và chỉ định phẫu thuật. Sau đó, theo chỉ dẫn của người quen, chị C. tới Bệnh viện Thống Nhất khám, xem còn phương án điều trị nào khả dĩ hơn không. Bác sĩ Hải Yên đã chỉ định bệnh nhân chụp DSA mạch máu não nhằm đánh giá chính xác tình trạng hẹp của mạch máu não. 

Kết quả cho thấy mạch máu não của bệnh nhân chưa tắc hoàn toàn, vẫn còn khe hở mỏng như sợi chỉ. Các bác sĩ đã lựa chọn dùng bóng nong với chi phí chỉ bằng 1/3 so với phẫu thuật. Cụ thể, bác sĩ luồn dây dẫn qua kẽ hở còn lại của vị trí mạch máu tắc hẹp, dùng bóng nong lên khiến các mảng xơ vữa gây bít tắc bị ép sát vào 2 bên thành mạch. Sau đó, bóng được rút ra. Kết thúc can thiệp, tình trạng hẹp mạch máu não của chị C. gần như không còn. Sau 2 tháng, chị C. hết hẳn các cơn choáng váng. Điều bác sĩ Hải Yên muốn nhấn mạnh là chị C. có chỉ số xơ vữa mạch máu rất cao. Đây chính là nguyên nhân hình thành mảng xơ vữa gây hẹp, nghẽn mạch máu não. Theo lời kể của bệnh nhân, chị làm nghề may nên cả ngày ngồi một chỗ, rất ít vận động và không tập thể dục thể thao bao giờ. 

Thực phẩm tuần hoàn não không có tác dụng điều trị bệnh

Chị P.T.K.V. (29 tuổi) làm nhân viên văn thư, ngụ quận Tân Bình, vô cùng bất ngờ khi được chẩn đoán bị hẹp mạch máu não (hẹp động mạch cảnh) và đang có chỉ định đặt stent nong mạch, nếu không nguy cơ đột quỵ sẽ rất cao. Chị V. vừa sinh bé đầu lòng được vài tháng. Trước đó, chị cũng hay bị chóng mặt mỗi lần thay đổi tư thế. Sau khi sinh em bé, tình trạng chóng mặt xảy ra thường xuyên. 

Nghĩ mình bị thiếu máu não, chị mua thực phẩm chức năng tuần hoàn não về uống. Thế nhưng, tình trạng xây xẩm mặt mày của chị vẫn không thuyên giảm. Lúc tới bệnh viện khám, chị mới biết rằng uống thực phẩm chức năng tuần hoàn não chỉ khiến máu lưu thông được ở các nhu mô não chứ không điều trị được tình trạng xơ vữa nên không thể giúp máu lên não nhiều hơn được. Nếu chị V. vẫn ở nhà tự xoay xở, không đi khám để được can thiệp kịp thời thì hậu quả xảy ra sẽ vô cùng nghiêm trọng, bỏ lỡ mất cơ hội điều trị dự phòng đột quỵ.

Trung bình mỗi tháng, Đơn vị can thiệp mạch máu não Bệnh viện Thống Nhất can thiệp cho khoảng 30 trường hợp bao gồm cả đặt bóng mạch máu não, đặt stent động mạch cảnh và đốt sống. Những ca phải đặt stent nội sọ dưới 50 tuổi trung bình ghi nhận từ 5-7 ca/tháng, trong đó bệnh nhân trẻ nhất chưa tới 30 tuổi. Mấy ngày nay, thời tiết chuyển mùa khiến lượng bệnh nhân nhập Bệnh viện Thống Nhất vì đột quỵ cấp gia tăng. Người trẻ thì bị vỡ phình mạch, người già thì tắc mạch. 

Do đó, khi thấy tình trạng nhức đầu, chóng mặt tái đi tái lại thì cần đi khám để được can thiệp sớm. Bác sĩ Hải Yên nhận thấy, trong gói khám sức khỏe định kỳ của các cơ quan thường chỉ chọn mục xét nghiệm cholesterol toàn phần. Tuy nhiên, chỉ số này không có ý nghĩa cao. Cần làm thêm xét nghiệm chỉ số LDL (cholesterol xấu). Đây là thành phần chính trong các mảng xơ vữa. Xét nghiệm chỉ số LDL đóng vai trò quan trọng, giúp ích cho việc điều trị dự phòng đột quỵ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI