Bệnh nhân phải cưa chân vì hoại tử: Mức đề đạt bồi thường từ gia đình

26/07/2016 - 10:10

PNO - Ngoài vấn đề viện phí và chân giả, bà Lý Thị Kim Chi (mẹ của Lâm) đã đề nghị những sự hỗ trợ từ phía bệnh viện dành cho Lâm.

Liên quan tới vụ việc bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị cưa 1/3 dưới đùi chân phải sau khi điều trị ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, gia đình bệnh nhân và ban lãnh đạo bệnh viện đã có buổi làm việc vào chiều 25.7. Tham gia buổi gặp còn có luật sư Lê Quang Vũ và Trần Văn Hiếu (văn phòng luật sư người nghèo, đoàn luật sư TP.HCM) với vai trò hỗ trợ gia đình bệnh nhân Lâm.

Trong buổi gặp, Phó Giám đốc (PGĐ) Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM Nguyễn Tiến Linh cho biết, có 3 vấn đề trong việc hỗ trợ cho bệnh nhân Lâm, đó là viện phí, lắp chân giả và hỗ trợ hướng nghiệp.

Benh nhan phai cua chan vi hoai tu: Muc de dat boi thuong tu gia dinh
Đại diện bệnh viện và gia đình đã có buổi làm việc với nhau. Ảnh: Dân Việt

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện gia đình cho biết đã tìm hiểu và được biết có loại chân giả 120 triệu đồng và 250 triệu đồng. Trong đó, loại chân giả 250 triệu đồng được nhập khẩu từ Đức và phải đặt hàng trước.

Ngoài vấn đề viện phí và chân giả, bà Lý Thị Kim Chi (mẹ của Lâm) đã đề nghị những sự hỗ trợ từ phía bệnh viện dành cho Lâm.

Theo bà Chi, Lâm sẽ không thể lao động trong một năm tới. Trong thời gian Lâm gặp nạn, gia đình cũng đã phải bỏ cả ruộng dưa ở quê, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Hiện, gia đình đang phải thuê người khác chăm sóc với mức lương 6 triệu/tháng.

Đồng thời, gia đình yêu cầu bệnh viện bồi thường cho những tổn thất tinh thần đối với Lâm, tuy nhiên không thể đưa ra mức yêu cầu cụ thể. Về vấn đề này, luật sư Lê Quang Vũ cho biết, luật có quy định là tối thiếu 30 tháng lương (khoảng 50 triệu đồng) tính theo mức lương cơ bản vùng.

Benh nhan phai cua chan vi hoai tu: Muc de dat boi thuong tu gia dinh
Anh Lâm bị cưa gần hết chân phải. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến.

Bên cạnh đó, gia đình yêu cầu bệnh viện hỗ trợ Lâm mở một phòng internet 20 máy. Theo gia đình, tổng chi phí mở phòng internet này là khoảng 250 triệu đồng.

Trước các yêu cầu từ phía gia đình, bác sĩ Linh cho biết, bệnh viện không có quy định nào về việc chi tiêu nội bộ cho các vấn đề đó. Vì vậy, bệnh viện đề nghị gia đình soạn đơn cụ thể gửi tới bệnh viện, từ đó hội đồng kỷ luật sẽ xem xét từng hạng mục cụ thể.

Trước đó, theo thông tin trên Tri Thức Trực Tuyến, chiều 22/7, lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí về trường hợp đơn thư khiếu nại của gia đình bệnh nhân Lâm.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh nói về nguyên nhân dẫn đến việc bác sĩ Trần Chí Khôi chẩn đoán sai là do trước đó, anh Lâm đã được bệnh viện tuyến dưới chích thuốc tê nắn khớp. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ điều trị không còn thấy triệu chứng trật khớp gối nên chẩn đoán là chấn thương phần mềm.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trương Trí Hữu, Trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện nhận định với bệnh lý trật khớp gối, các bác sĩ sợ nhất là tổn thương động mạch kheo. Tuy nhiên, khi vết thương trật khớp gối của anh Lâm đã được chích thuốc tê, nắn lại rồi thì tất cả những triệu chứng của bệnh không còn nữa.

Khi bác sĩ Khôi khám thấy mạch mu chân, các ngón chân của bệnh nhân vẫn cử động nên chẩn đoán nhầm sang chấn thương phần mềm.

“Về quy trình bác sĩ Khôi đã làm đúng nhưng cái sai của bác sĩ này là về chuyên môn như kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá”, bác sĩ Tiến Linh nói.

Hương Trà (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI