Bệnh nhân ở Sri Lanka đối diện với "án tử" vì đất nước khủng hoảng

23/05/2022 - 13:32

PNO - Tình trạng khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka ngày càng trầm trọng khi nó không chỉ đẩy người dân rơi vào cùng cực, đất nước hoảng loạn mà còn khiến nhiều người chờ cái chết lơ lửng trên đầu.

Theo các bác sĩ ở Sri Lanka, việc thiếu thuốc do khủng hoảng kinh tế có thể khiến nhiều người tử vong hơn vì các bệnh viện buộc phải hoãn việc cứu sống bệnh nhân do không có đủ thuốc cơ bản, cần thiết.

Là đất nước nhập khẩu hơn 80% nguồn cung cấp y tế nhưng dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka đã cạn kiệt vì khủng hoảng, các loại thuốc thiết yếu không còn trong kho thuốc và hệ thống chăm sóc sức khỏe gần như sụp đổ.

 

Mọi người xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại một trạm nhiên liệu, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế ở Colombo, Sri Lanka, ngày 18/5/2022. (Ảnh: Reuters / Adnan Abidi)
Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại một trạm nhiên liệu, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở nước này - Ảnh: Reuters 

Tại bệnh viện ung thư Apeksha ở thủ đô thương mại Colombo, các bệnh nhân, người thân và bác sĩ ngày càng cảm thấy bất lực khi tình trạng thiếu thốn buộc phải tạm dừng việc xét nghiệm và hoãn các thủ tục khám chữa bệnh, kể cả những ca phẫu thuật trong trường hợp nguy kịch.

Tiến sĩ Roshan Amaratunga cho biết: “Đây là bi kịch của bệnh nhân ung thư. Đôi khi, vào buổi sáng, chúng tôi lên kế hoạch cho một vài cuộc phẫu thuật nhưng sau đó không thể thực hiện được vì các nguồn cung cấp cần thiết cho cuộc phẫu thuật không đủ". 

Theo bác sĩ Roshan, nếu tình hình không được cải thiện nhanh chóng, một số bệnh nhân sẽ phải đối mặt với cái chết. "Bản án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu mà những bệnh nhân hiện đau đớn, vật vã vì bệnh tật phải đối diện", ông Roshan Amaratunga nói trong bất lực.

 

Là đất nước phụ thuộc vào du lịch, Sri Lanka đã không thể cầm cự trong những năm đại dịch
Là đất nước phụ thuộc vào du lịch, Sri Lanka đã không thể cầm cự trong những năm đại dịch

Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Nguyên nhân chính được cho là do đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Ngoài ra, giá dầu tăng cùng lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học đã tàn phá nền nông nghiệp nước này.

Một quan chức chính phủ phụ trách công tác mua sắm vật tư y tế cho biết, khoảng 180 mặt hàng y tế đã cạn kiệt, bao gồm thuốc tiêm cho bệnh nhân lọc máu, thuốc cho bệnh nhân cấy ghép và một số loại thuốc điều trị ung thư.

Các bác sĩ cho biết họ lo lắng hơn khi các bệnh nhân hoặc thân nhân của họ đang phải xếp hàng hàng giờ, hàng ngày, tranh giành nhau từng viên thuốc cầm cự. Tiến sĩ Vasan Ratnasingam, phát ngôn viên của Hiệp hội Sĩ quan Y tế chính phủ, những người đang chờ điều trị còn gánh chịu hậu quả thảm khốc hơn nhiều. “Nếu bệnh nhân phải xếp hàng chờ mua thuốc, phẫu thuật, điều trị... họ sẽ mất mạng", ông nói.

Mẹ của Binuli Bimsara - bé gái 4 tuổi đang điều trị bệnh ung thư máu - cho biết vợ chồng cô vô cùng sợ hãi khi con gái không còn thuốc để uống. "Trước đó, chúng tôi có chút hy vọng rằng con tôi sẽ sống vì chúng tôi có thuốc. Nhưng giờ chúng tôi đang sống trong nỗi sợ hãi tột độ.

Chúng tôi bất lực, tương lai của chúng tôi thực sự đen tối khi nghe tin thiếu thuốc men, trong khi chúng tôi không có tiền đưa con ra nước ngoài chữa bệnh", người mẹ nói trong tiếng khóc.

“Không có khí đốt, không có dầu hỏa, không có việc làm, không có thức ăn, không có thuốc uống... chúng tôi rồi sẽ chết. Điều đó sẽ xảy ra vào một ngày không xa", tài xế Mohammad Shazly cho biết và nói thêm rằng anh đã xếp hàng 3 ngày để mua xăng, thức ăn. Ông bố 5 con này cho biết, những ngày qua, gia đình 7 người của anh chỉ ăn mỗi ngày một bữa để cầm cự.

Trọng Trí (theo CNA)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI