Bệnh nhân ở miền Tây vật vã vì bệnh viện quá tải

16/08/2024 - 06:28

PNO - Cơ sở vật chất của các bệnh viện tuyến cuối của vùng ĐBSCL vừa thiếu, vừa xuống cấp nhưng việc xây dựng gặp nhiều vướng mắc, trong khi bệnh nhân quá đông.

Bệnh nhân thức đêm chờ xạ trị, xếp hàng chờ chạy thận… là tình trạng phổ biến ở các bệnh viện tuyến cuối của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở TP Cần Thơ. Cơ sở vật chất của các bệnh viện này vừa thiếu, vừa xuống cấp nhưng việc xây dựng gặp nhiều vướng mắc, trong khi lượng bệnh nhân lại quá đông.

Xạ trị lúc nửa đêm

Hơn 15g nhưng trời vẫn nắng gắt. Các bệnh nhân dầm dề mồ hôi, mệt đừ do phòng bệnh viện nhỏ, không có máy lạnh mà có tới hàng chục người nằm cạnh nhau, có giường 2 người. Đó là cảnh tượng quen thuộc ở Khoa Điều trị xạ trị của Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ.

Các nữ bệnh nhân lớn tuổi nằm chen chúc chờ xạ trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ
Các nữ bệnh nhân lớn tuổi nằm chen chúc chờ xạ trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ

Bà Lê Thị Còn - 55 tuổi, ở xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - lắc đầu: “Khu vực này đa phần là người lớn tuổi, sức khỏe kém, mắc bệnh ung thư, đang chờ xạ trị nên “mệt càng mệt thêm”. Tuy vất vả trăm bề nhưng ai cũng phải ráng bởi được bệnh viện xếp lịch xạ trị là mừng hết lớn rồi. Ai cũng mong sớm được xạ trị để về nhà”.

Bà Còn thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, không nghề nghiệp, phải làm nghề chở cá biển thuê cho các chủ tàu ở bến cá của xã. Mấy năm trước, bà đau phần bụng, khoang chậu, đau ngực, ho nhưng do không có tiền nên chỉ hốt thuốc nam về uống. Khi bệnh trở nặng, bà vào bệnh viện huyện, tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung, chuyển bà đến Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ.

Sau gần 1 năm uống thuốc, đến tháng 7/2024, bà mới được bệnh viện này xếp lịch xạ trị. Do bệnh nhân quá đông, bà phải xạ trị ca đêm, từ 12g khuya đến 3g sáng. Bác sĩ dặn phải xạ trị đủ 25 tia, sau đó về nhà uống thuốc, định kỳ trở lại tái khám.

Gần 1 tháng nay, bà Phạm Thị Tư - 69 tuổi, ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ - cũng phải thức đêm để được xạ trị. Bà bị ung thư cổ tử cung, suy tim và thận, cần xạ trị 28 tia. Do bệnh nhân chờ xạ trị quá đông nên dù nhiều bệnh, bà vẫn phải xạ trị ca đêm, từ 12g khuya đến 3g sáng.

“Ban đêm thì thức chờ xạ trị, ban ngày thì ngủ chập chờn do phòng ốc chật chội, nóng nực, 2 người nằm chung 1 giường. Người thân đi theo chăm sóc phải ra ghế đá, hành lang ngủ. Người bệnh, người nuôi bệnh đều đuối, nhưng được xạ trị là may rồi” - bà Tư bùi ngùi.

Bà Trần Thị Phi Phụng - 68 tuổi, ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - bị hạch ác tính ở háng. Mấy tháng qua, bà được hóa trị và nay được sắp xếp để xạ trị 18 tia. Do bệnh viện quá tải nên bà phải canh giờ, tới lượt xạ trị thì nhờ người thân đưa vào, xạ trị xong thì quay ra ngoài ở phòng trọ.

Chị Liêng Cà Mơ - 53 tuổi, ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang - cho hay, sau khi chẩn đoán ung thư vú, chị được Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ phẫu thuật vào đầu tháng 5/2024. Các bác sĩ hẹn cuối tháng 5/2024 sẽ cho nhập viện để xạ trị, nhưng chị chờ đến đầu tháng 8/2024 mà vẫn chưa thể xạ trị do bệnh viện quá tải. Chị lo nếu không được xạ trị kịp thời, bệnh sẽ nặng thêm.

Cơ sở xuống cấp, máy móc lạc hậu

Trước việc nhiều bệnh nhân ung thư phải chờ hàng tháng mới tới lượt xạ trị, tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ - thừa nhận, bệnh viện chỉ có duy nhất 1 máy xạ trị hiệu Cobalt 60, được đầu tư từ năm 2010. Máy đã cũ, lạc hậu nhưng thời gian qua vẫn phải hoạt động hết công suất, chạy liên tục suốt ngày đêm. Mỗi ngày đêm, máy phục vụ được hơn 70 bệnh nhân, trong khi lượng người chờ được xạ trị từ 250-300 người, có lúc lên đến 400 người. Nếu máy bị hư thì số bệnh nhân bị dồn còn đông hơn.

Bệnh nhân chen chúc chờ khám ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ - Ảnh: Huỳnh Lợi
Bệnh nhân chen chúc chờ khám ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ - Ảnh: Huỳnh Lợi

Nhiều năm qua, ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ đã kiến nghị các sở, ngành cho phép đầu tư thêm 1 máy xạ trị gia tốc, giá khoảng 100-120 tỉ đồng để xạ trị cho khoảng 150 bệnh nhân/ngày nhưng phải chờ hoàn tất nhiều thủ tục. Việc để bệnh nhân chờ đợi sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả điều trị.

Theo bác sĩ Võ Văn Kha, ngoài thiếu máy xạ trị, cơ sở vật chất của bệnh viện còn xuống cấp trầm trọng và luôn quá tải bệnh nhân. Ngoài 400 giường, bệnh viện phải cơi nới, kê thêm 50 giường và phải xếp bệnh nhân nằm chung, nhưng vẫn không thấm vào đâu. Bệnh viện phải tận dụng các hành lang để bố trí ghế đá, ghế bố cho người nhà bệnh nhân có chỗ ngủ nghỉ, nhưng không thể đủ được. Mỗi ngày, có 500-600 bệnh nhân điều trị nội trú nên bệnh viện phải sắp xếp lại nơi làm việc nhỏ gọn để dành chỗ cho bệnh nhân, nhưng vẫn không đủ chỗ. Hiện nay, các trưởng khoa không có phòng làm việc riêng mà phải ở chung văn phòng với nhiều bác sĩ, điều dưỡng.

Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ là trung tâm điều trị ung thư của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do bệnh viện xuống cấp, quá tải, Chính phủ, Bộ Y tế đã chấp thuận cho xây bệnh viện mới ở đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, thuộc quận Ninh Kiều. Bệnh viện mới được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017 trên tổng diện tích sàn 44.575m2, quy mô 500 giường, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng (vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.400 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương), thời gian xây 3 năm. Nhưng đến nay, dự án bệnh viện mới vẫn ì ạch, chưa biết bao giờ mới xây xong.

Xây bệnh viện ung bướu mới bằng vốn trong nước

UBND TP Cần Thơ cho biết, Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ mới sẽ được tiếp tục xây dựng bằng nguồn vốn trong nước sau khi hiệp định vay vốn triển khai dự án (đã được ký kết lần 2) giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary hết hiệu lực vào ngày 11/7/2022.

Theo UBND TP Cần Thơ, sau gần 7 năm triển khai xây dựng, đến nay chỉ mới thực hiện đạt hơn 21,3% khối lượng hợp đồng tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng công trình) nhưng mấy năm qua đã ngưng thi công. Hợp đồng giữa Sở Y tế TP Cần Thơ với nhà thầu đã hết hiệu lực vào ngày 10/7/2022.

Giữa tháng 7/2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp với UBND TP Cần Thơ về tình hình xây dựng Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ mới. UBND TP Cần Thơ kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án tiếp tục thực hiện dự án bằng nguồn vốn trong nước thay vì sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hungary.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, với vai trò là chủ đầu tư, UBND TP Cần Thơ cần chủ động triển khai các phần việc trong thẩm quyền để sớm hoàn thành dự án này. Trong buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ vào ngày 14/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu UBND TP Cần Thơ tập trung hoàn thành việc xây dựng bệnh viện ung bướu mới bằng vốn trong nước. Theo Thủ tướng, đây là bệnh viện của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giảm số bệnh nhân phải chuyển đến TPHCM nên cần sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Huỳnh Trọng

Muốn chạy thận, phải xếp hàng chờ

Nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cũng quá tải bệnh nhân khám, điều trị bệnh thận và chạy thận nhân tạo. Mỗi ngày, Khoa Thận, Thận nhân tạo của bệnh viện này có khoảng 40 bệnh nhân điều trị thận nội trú, khoảng 100 bệnh nhân chạy thận định kỳ dài hạn, trong khi số máy của bệnh viện chạy liên tục cũng chỉ phục vụ được khoảng 64 bệnh nhân/ngày. Do đó, bệnh nhân phải chờ lâu mới đến lượt mình chạy thận.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khả - Trưởng khoa Thận, Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho hay, người bị bệnh thận ngày càng trẻ hóa do người bệnh đái tháo đường và huyết áp cũng đang tăng ở tuổi trẻ. Ngoài ra, người dân chưa quan tâm việc khám sức khỏe định kỳ, ít tầm soát chức năng thận nên khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh thận đã tiến triển nặng.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khả lưu ý, suy thận không chỉ là gánh nặng cho sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà còn khiến cho kinh tế nhiều gia đình kiệt quệ bởi thời gian điều trị kéo dài, cần có người thân đi theo chăm sóc. Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cũng muốn tăng thêm giường bệnh, máy lọc thận… nhưng gặp nhiều khó khăn. Do đó, tốt nhất là người dân nên tăng cường phòng ngừa suy thận, như duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt huyết áp, đường trong máu, quan tâm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ, không chủ quan với bệnh thận. Huỳnh Lợi

Bệnh nhân vẫn muốn xạ trị ở trung tâm lớn

Hiện nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có 4 bệnh viện xạ trị cho người bệnh ung thư, gồm Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ và 3 bệnh viện đa khoa của 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh. Những năm qua, khi Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ quá tải bệnh nhân chờ xạ trị ung thư, chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu, thậm chí năn nỉ bệnh nhân chuyển về 3 bệnh viện đa khoa Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh để được xạ trị sớm bằng các máy xạ trị mới, hiện đại, khỏi phải chờ lâu.

Nhưng bệnh nhân không chịu về các nơi đó mà vẫn kiên quyết xin ở lại Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ chờ xạ trị. Do đó, tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn một phần là do tâm lý của bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị xạ trị, Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI