Bệnh nhân nhóm máu B bị truyền nhầm máu A: Tai nạn nguy hiểm chứ không thể là nhầm lẫn

08/08/2019 - 18:19

PNO - Người bệnh khi cần truyền máu phải trải qua nhiều giai đoạn xét nghiệm vì nếu truyền không đúng nhóm máu, bệnh nhân sẽ gặp tai biến, nguy cơ tử vong rất cao, bắt buộc nhân viên y tế không được truyền nhầm.

Chiều 6/8, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, chị Bl. (46 tuổi, ở xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa) bị rong huyết do u xơ tử cung, chị được bác sĩ của bệnh viện chỉ định xử lý bệnh bằng phương pháp cắt tử cung. Để chuẩn bị cho ca mổ, chị được cho truyền nhóm máu B.

Ê-kíp trực đã để xảy ra sai sót khi một nữ hộ sinh lấy bịch máu nhóm A của bệnh nhân khác truyền cho chị Bl.. Lúc kim truyền đã cắm vào người chị Bl., nữ hộ sinh này mới phát hiện, ngưng truyền máu và báo lên lãnh đạo để cấp cứu cho người bệnh. Nhưng 23g cùng ngày, chị Bl. bị tụt huyết áp, được đưa đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Benh nhan nhom mau B bi truyen nham mau A: Tai nan nguy hiem chu khong the la nham lan
Chiều 7/8, bệnh viện cho biết sức khỏe của chị Bl. đã ổn định, vẫn đang được theo dõi sát. Ảnh: Internet

Về việc này, bác sĩ Lê Thị Thu Hà – Trưởng Khoa sản N1, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM  - cho biết trước khi truyền máu cho người bệnh, người được truyền phải trải qua một quy trình với nhiều xét nghiệm rất nghiêm ngặt để xác định nhóm máu và những bệnh lý liên quan khác. 

Trước khi nhân viên y tế thực hiện truyền máu cho bệnh nhân, bắt buộc một lần nữa phải kiểm tra lại nhóm máu khi đã nhận máu để truyền. Bởi vì, nếu sai nhóm máu, người được truyền sẽ bị tai biến ngay lập tức, gây ra rất nhiều nguy cơ, cao nhất là bệnh nhân bị tán huyết dẫn đến tử vong. 

Theo đó, khi một người bị truyền sai nhóm máu, kháng nguyên, kháng thể không đúng sẽ gây ra tán huyết nghiêm trọng, đặc biệt đối với thai phụ. Tán huyết sẽ làm vỡ hồng cầu khiến thai phụ bị thiếu máu, giảm các chức năng trong cơ thể, gây thiếu máu tan huyết ở thai nhi, hoặc nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng sảy thai. Thậm chí thai phụ còn bị suy gan, suy thận ảnh hưởng đến tính mạng.

Trường hợp giữ được thai nhi, bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi được sinh ra như vàng da, thiếu oxy não,…

Benh nhan nhom mau B bi truyen nham mau A: Tai nan nguy hiem chu khong the la nham lan
Truyền không đúng nhóm máu sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho người bệnh. Ảnh: Internet

“Nếu nhóm máu được truyền sai này chưa gây ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng, sau cấp cứu bệnh nhân sẽ hồi phục bình thường, do nhầm nhóm máu thường gây ra tai biến ngay lúc truyền chứ ít khi để lại di chứng về sau. Trừ trường hợp bệnh nhân bị truyền quá nhiều gây suy gan, suy thận.

Chỉ cần nhận sai 1 đơn vị máu truyền, người bệnh sẽ rơi vào nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao do tán huyết nhanh, tắc mạch, suy thận cấp,… Trên thực tế, truyền sai nhóm máu rất hiếm gặp nhưng không thể gọi đây là nhầm lẫn mà là một tai nạn, sự cố y khoa nghiêm trọng”, bác sĩ Hà nói thêm.

Vì vậy, trong tình huống nhân viên y tế phát hiện đã truyền sai nhóm máu, tuyệt đối không rút nhóm máu truyền sai, thay vào nhóm máu khác để tiếp tục truyền mà phải ngưng tất cả lại ngay. Lập tức cấp cứu, theo dõi sự tán huyết ở người bệnh. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, bác sĩ CK 2 Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM - cho hay, mỗi một nhóm máu mang những đặc trưng riêng biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh, nên trước khi truyền máu, ngoài những xét nghiệm nhằm phát hiện, ngăn ngừa các vi-rút lây lan qua đường truyền máu, nhân viên y tế cần phải thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản về an toàn miễn dịch, đó là không để cho các kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau.

Benh nhan nhom mau B bi truyen nham mau A: Tai nan nguy hiem chu khong the la nham lan
Sơ đồ truyền máu

Kháng nguyên này lại được quy định bởi gen di truyền từ cha và mẹ. Hiện máu của con người có hơn 30 hệ nhóm máu khác nhau, tuy nhiên, hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là rất quan trọng do có tính sinh miễn dịch cực mạnh.

Một người trong khi truyền máu cảm thấy nóng tại chỗ truyền, ớn lạnh, sốt, và đau ở lưng, hai bên sườn…. phải báo ngay cho nhân viên y tế vì rất có thể đang nhận sai nhóm máu.

Nếu không được phát hiện kịp, nhóm máu truyền sai sẽ gây tán huyết nội mạch, các hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận ngay trong lòng mạch máu. Các phản ứng đồng loạt có thể gây ra sốc và đưa đến tử vong nhanh chóng.

Trong trường hợp một người khi bị truyền khác nhóm máu, kháng thể có thể phá hủy máu gây nhiều tác hại cho cơ thể. Do đó cần phải phân loại nhóm máu và truyền máu phù hợp theo nguyên tắc an toàn miễn dịch truyền máu, đó là không truyền máu có kháng nguyên tương ứng với kháng thể có ở người nhận.

Vì vậy, khi thực hiện truyền máu, nhân viên y tế cần phải xác định đúng nhóm máu của người nhận, đồng thời phải thực hiện phản ứng chéo. Bên cạnh đó, quy trình thực hiện xét nghiệm phải đảm bảo an toàn và chính xác tuyệt đối để tránh các tai biến truyền máu.

Theo các bác sĩ, trường hợp của chị Bl. cần được theo dõi tình trạng tán huyết để xử lý kịp thời khi có biến chứng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI