Bệnh nhân người Mỹ cùng lúc được chữa khỏi ung thư và HIV

26/02/2024 - 06:30

PNO - Ung thư và HIV đều được xếp hạng khá cao trong số những căn bệnh chết người. Đáng ngạc nhiên, một người đàn ông tên Paul Edmonds sống tại bang California, Mỹ đã vượt qua cả 2 căn bệnh trên.

 

Ông Paul Edmonds (giữa) cùng bác sĩ Jana K. Dickter và Monzr M. Al Malki từ viện nghiên cứu ung thư City of Hope
Ông Paul Edmonds (giữa) cùng bác sĩ Jana K. Dickter và Monzr M. Al Malki từ viện nghiên cứu ung thư City of Hope

Kể từ lần điều trị đặc biệt cách đây 5 năm, bệnh nhân Paul Edmonds đã thoát khỏi cả bệnh ung thư và HIV. Cụ thể, ông hiện được coi là đã thuyên giảm bệnh bạch cầu tủy cấp tính (AML) và trong 2 năm nữa, ông có thể đủ điều kiện để được chứng nhận “chữa khỏi” HIV.

Đội ngũ y tế đứng sau sự hồi phục đáng kinh ngạc của ông Edmonds đã công bố một bức thư mô tả trường hợp này trên Tạp chí Y học New England. Phương pháp điều trị giúp làm thuyên giảm bệnh được gọi là ghép tế bào gốc, hay ghép tế bào tạo máu đồng loại.

Phương pháp được sử dụng như là biện pháp cuối cùng trong điều trị các bệnh ung thư máu - bao gồm bệnh bạch cầu, u tủy và ung thư hạch, bởi khi đó các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương của bệnh nhân đã bị phá hủy bởi bức xạ hoặc hóa trị.

Các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh từ người hiến tặng có gen tương tự (nhưng không giống hệt nhau) được cấy vào bệnh nhân, nơi chúng có thể bắt đầu tạo ra máu không bị ung thư.

Trong trường hợp cụ thể của ông Edmonds, tế bào gốc được hiến tặng còn mang lại một lợi ích bổ sung: đột biến gen liên quan đến khả năng kháng HIV. Ông Edmonds đã sống chung với HIV trong 31 năm trước khi được cấy ghép.

Edmonds mô tả trải nghiệm của ông ở thành phố San Francisco vào những năm 80: “Mọi người thường sẽ chết trong vòng vài năm sau khi phát hiện ra họ dương tính với HIV. Một đám mây đen bao trùm thành phố".

Ông được chẩn đoán mắc bệnh HIV/AIDS vào năm 1988. Ở thời điểm đó, ông nói với viện ung thư quốc gia, City of Hope, rằng cảm giác đó giống như một bản án tử hình.

Edmonds đã điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV từ năm 1997, phương pháp này đã ngăn chặn vi rút sinh sôi một cách hiệu quả đến mức rất khó để tìm thấy chúng trong quá trình xét nghiệm.

Nhưng liệu pháp kháng vi rút không chữa khỏi HIV, vì vậy mã di truyền của vi rút luôn hiện diện trong các tế bào miễn dịch trong máu của ông Edmonds. Điều đó nghĩa là, cho đến khi phương pháp điều trị ung thư đưa một loại DNA khác vào cơ thể, ông Edmonds sẽ không thể nào thoát khỏi hoàn toàn căn bệnh HIV.

Các tế bào gốc mà ông Edmonds nhận được trong ca cấy ghép mang 2 bản sao của đột biến gen hiếm gặp có tên là CCR5 delta-3, giúp những người có nó kháng lại sự sinh sôi của HIV. 

HIV sử dụng thụ thể CCR5 để xâm nhập và tấn công hệ thống miễn dịch, nhưng đột biến thụ thể CCR5 khiến vi rút không thể xâm nhập qua con đường này.

Chỉ có khoảng 1-2% dân số thế giới mang đột biến CCR5. May mắn, một trong những người mang gen đột biến đủ điều kiện hiến tặng tế bào gốc cho ông Edmonds thông qua chương trình cấy ghép tế bào gốc máu và tủy xương của viện ung thư City of Hope.

Ca cấy ghép đã thay thế hoàn toàn tế bào tủy xương và tế bào gốc máu của ông Edmonds bằng tế bào của người hiến tặng. Kể từ đó, ông ấy không có dấu hiệu nào về AML hay HIV. Ông là 1 trong 5 người đặc biệt trên thế giới đã thuyên giảm HIV nhờ phương pháp điều trị này.

Vì lý do khoa học, ông Edmonds đã đồng ý ngừng điều trị HIV 25 tháng sau ca cấy ghép. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện trở lại của vật chất di truyền HIV trong máu bệnh nhân, nếu vi rút vẫn còn tồn tại.

Các bác sĩ viết: “Tại thời điểm theo dõi, bệnh nhân đã không còn nhiễm HIV-1 trong 35 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Trường hợp này chỉ ra rằng những bệnh nhân lớn tuổi đang điều trị ung thư cũng có triển vọng được chữa khỏi HIV".

Cấy ghép tế bào gốc đi kèm với những rủi ro đáng kể, vì vậy không phải tất cả những người nhiễm HIV đều có thể được điều trị bằng phương pháp này. Nó vẫn chỉ khả thi đối với những người mắc bệnh ung thư máu đe dọa tính mạng, với khả năng chữa khỏi HIV là một tác dụng phụ đi kèm.

Tấn Vĩ (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI