Bệnh nhân “mượn” thẻ bảo hiểm y tế, bệnh viện đau đầu

10/08/2023 - 06:07

PNO - Mặc dù các bệnh viện tại TPHCM rất cảnh giác với tình trạng bệnh nhân “mượn” thẻ bảo hiểm y tế của người khác để đi khám bệnh. Mặc dù vậy, bệnh viện vẫn không thể kiểm soát được hết tình trạng này nên bệnh viện phải bồi thường chi phí khám chữa bệnh.

“Lọt” bệnh nhân, bệnh viện phải bồi thường

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ, bệnh viện đã bị Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM từ chối thanh toán bảo hiểm về trường hợp điều trị cho một bệnh nhân tên T.P. (sinh năm 1985, người đồng bào Stiêng, ở tỉnh Bình Phước) bị phỏng lửa. Chị P. bị tổn thương 30 - 39% cơ thể, phỏng nặng độ 2, 3 vùng mặt, thân và tay chân. Sau gần 1 tháng điều trị, P. được xuất viện về nhà. Do chị có bảo hiểm y tế (BHYT) nên bệnh viện thực hiện thủ tục để chị hưởng bảo hiểm hơn 107 triệu đồng.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu - Bệnh viện Nhân dân Gia Định - đang lấy dấu vân tay bệnh nhân
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu - Bệnh viện Nhân dân Gia Định - đang lấy dấu vân tay bệnh nhân

Tuy nhiên, qua xác minh của BHXH tỉnh Bình Phước thì bệnh nhân thực chất là chị T.H., em ruột chị T.P. Tức là chị T.H. không có thẻ BHYT nên đã sử dụng thẻ của chị ruột mình để cấp cứu, điều trị. Do sai bệnh nhân nên BHXH TPHCM đã từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết: “Bệnh nhân T.P. là trường hợp chuyển tuyến, bị phỏng nặng vùng mặt nên dù có cung cấp căn cước công dân, thẻ BHYT, bệnh viện cũng không có cách nào phát hiện được việc mượn thẻ. Chính vì vậy, khi BHXH từ chối thanh toán, bệnh viện chỉ biết... cắn răng chịu. Ngoài bệnh nhân T.H., bệnh viện cũng từng phải bồi thường chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho một bệnh nhân khác với số tiền khá lớn”.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết trung bình mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 người đến khám bệnh, cao điểm lên đến 7.000 người. Trong đó, có khoảng 60% người bệnh có thẻ BHYT. Với số lượng bệnh nhân lớn, nhân viên tiếp nhận chỉ có thể nhận dạng qua giấy tờ tùy thân thì khó tránh được sai sót. Đặc biệt là người bệnh bị bệnh mạn tính giai đoạn cuối, tụt cân nhanh, sử dụng chứng minh nhân dân cũ, sưng nề mặt, chấn thương biến dạng vùng mặt... càng khó xác định. 

“Khi cơ quan bảo hiểm không thanh toán hoặc yêu cầu thu lại tiền khám chữa bệnh với lý do bệnh nhân mượn thẻ BHYT thì bệnh viện phải chấp nhận. Bệnh viện không thể đi tìm bệnh nhân đã khám trước đó để đòi tiền, bởi đa phần người “mượn” thẻ BHYT có hoàn cảnh khó khăn... Trong tình huống này, bệnh viện buộc phải lấy tiền từ quỹ tiền lương của y, bác sĩ để chi trả. Mặc dù thi thoảng chúng tôi mới gặp 1 trường hợp, nhưng khó khăn trong nhận dạng bệnh nhân làm cho bệnh viện luôn yếu thế”, ông chia sẻ.

Kiểm soát bằng dấu vân tay

Nhiều năm nay, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã có cải tiến trong quy trình tiếp nhận người dân đến khám, chữa bệnh. Theo đó, tất cả người bệnh dù có BHYT hay không cũng được kiểm tra qua nhiều lượt. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện - để kiểm soát tình trạng lạm dụng thẻ BHYT đi khám, từ năm 2020, bệnh viện đã triển khai lấy dấu vân tay với người đăng ký khám BHYT tại bệnh viện. 

“Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.500 người đến khám, lúc cao điểm hơn 5.000 người. Số lượng bệnh nhân có BHYT chiếm 80%, nên việc nhận dạng bệnh nhân bằng dấu vân tay vừa chính xác, vừa giúp người bệnh đăng ký, lấy số khám bệnh nhanh. Đến nay, đã có hơn 20.000 người đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng dấu vân tay”, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết.

Sau khi người bệnh quét vân tay, lập tức thông tin BHYT, căn cước công dân... cung cấp trước đó đều hiện lên màn hình máy tính. Nếu người bệnh chưa đăng ký dấu vân tay, bệnh viện sẽ kiểm tra qua hình ảnh trên thẻ, căn cước công dân hoặc bằng lái xe, các giấy tờ tùy thân liên quan… sau đó kiểm tra thông tuyến nên rất khó bỏ sót.

Ngoài ra bệnh viện còn có thêm các cách kiểm tra khác như gọi tên, hỏi thông tin liên quan, bệnh sử... nhiều lần. Nếu người bệnh ấp úng, phản ứng chậm hay tỏ ra bị bất ngờ thì khả năng bệnh nhân đã sử dụng thẻ BHYT mượn. Bằng cách này, bệnh viện đã từng phát hiện ra 1 bệnh nhân “mượn” thẻ BHYT của người chị song sinh để đi khám bệnh. Do 2 người là chị em song sinh nên người em cung cấp tên, tuổi, quê quán, nơi đăng ký BHYT rất lưu loát. Tuy nhiên, khi bác sĩ bất ngờ gọi tên, bệnh nhân mất một lúc mới nhớ ra mình đang “đóng vai” chị để trả lời.

Khi các điều dưỡng hỏi lại một số thông tin, chị mới khai thật là do gia đình quá khó khăn nên chỉ mua 1 thẻ bảo hiểm, 2 chị em cùng sử dụng để khám chữa bệnh. Các bác sĩ đã động viên chị đăng ký khám lại theo hình thức không thẻ bảo hiểm và góp tiền hỗ trợ chị đóng viện phí.

“Với các trường hợp phát hiện, bệnh viện sẽ khuyến khích người bệnh mua thẻ BHYT, nếu người bệnh thuộc trường hợp hộ nghèo, bệnh viện cũng hướng dẫn để được cấp thẻ BHYT miễn phí. Với quy trình này, nhiều năm nay bệnh viện đã khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT đi khám” - bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh nói. 

Người cố tình mượn thẻ BHYT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Về việc người bệnh cố tình mượn thẻ BHYT đi khám bệnh, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, theo Luật BHYT 2008 sửa đổi bổ sung 2014 quy định, thẻ BHYT bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định pháp luật.

Căn cứ theo điều 84 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người cho mượn thẻ BHYT cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm và bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự tương tự như hành vi sử dụng thẻ BHYT của người khác. Theo đó, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải khắc phục hậu quả bằng việc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có).

Nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 215 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội gian lận BHYT với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. Bên cạnh đó còn có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI