Bệnh nhân mạn tính loay hoay với toa thuốc khi giãn cách

10/09/2021 - 06:20

PNO - Trong bối cảnh TPHCM đang giãn cách xã hội, các bệnh nhân mạn tính phải tiếp tục mua thuốc theo toa cũ. Thế nhưng, nhiều người gặp khó khăn bởi thuốc kê trong toa theo diện bảo hiểm y tế mua ở ngoài bị thiếu hoặc không có. Nhiều người lo lắng liệu có nguy hiểm nếu đổi qua loại thuốc khác tương đương hoặc bỏ bớt một số thuốc?

Khó mua thuốc theo toa bảo hiểm y tế

Bà P.T.H., 65 tuổi, khám bệnh mạn tính theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) tại một bệnh viện ở TP. Thủ Đức. Bà được chẩn đoán bị cao huyết áp vô căn, bệnh lý cơ tim do thiếu máu cục bộ, tăng lipid máu hỗn hợp, bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng Năm tới nay, bà H. không đi tái khám được mà vẫn sử dụng toa thuốc cũ, nhưng bà phải đổi một số loại qua loại thuốc khác cùng công thức do đây là thuốc BHYT, nhà thuốc không bán.

Trước đây, chi phí thuốc men của bà đều được BHYT chi trả nên gần như không tốn kém. Nay, bà phải mua thuốc bên ngoài, chưa kể thuốc cùng loại không có, bị đổi qua loại khác nên chi phí lên tới 700.000 đồng/tháng. Cực chẳng đã phải mua thuốc không cùng loại nhưng bà vừa uống vừa thấp thỏm chẳng biết có an toàn không.

Bà P.T.H. cho biết gửi toa thuốc bảo hiểm y tế trên cho các nhà thuốc thì đều nhận được câu trả lời là không có, bà phải đổi qua loại thuốc khác nhưng trong lòng vẫn bất an
Bà P.T.H. cho biết gửi toa thuốc bảo hiểm y tế trên cho các nhà thuốc thì đều nhận được câu trả lời là không có, bà phải đổi qua loại thuốc khác nhưng trong lòng vẫn bất an

Còn chị P.C.V., ở huyện Nhà Bè, cho biết cũng đang loay hoay chưa biết tính sao với toa thuốc của mẹ mình. Theo chị V., mẹ chị bị nhiều bệnh lý nền: lupus ban đỏ, đái tháo đường phụ thuộc insulin, cao huyết áp, loãng xương và trào ngược dạ dày.

Vào tháng Tư, mẹ chị phải đi cấp cứu do bị sốc nhiễm trùng, may mắn đã qua khỏi. Sau đó, bác sĩ nội tiết đã điều chỉnh liều thuốc lupus ban đỏ cho bà từ cách ngày uống một viên tăng lên thành mỗi ngày uống một viên. Mẹ chị V. đã uống liên tục toa thuốc kia gần bốn tháng, nếu không vướng dịch thì gia đình đã đưa bà quay lại bệnh viện tái khám để bác sĩ xem xét giảm liều thuốc lupus ban đỏ.

Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, mẹ chị V. không đi khám được, nên gia đình lo sợ thuốc của bà không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây biến chứng ngoài ý muốn. Thuốc trào ngược dạ dày của bà thì gia đình tự cắt bỏ vì nhà thuốc đã hết.

Tương tự, ông N.Đ.T., 67 tuổi, ở quận Bình Thạnh, phản ánh rằng mình bị đái tháo đường, tăng huyết áp và tim mạch, uống toa bác sĩ cho từ tháng Năm tới giờ. Tuy nhiên, cuối tháng Tám, đêm ngủ ông hay hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh, rất mệt, phải ngồi dậy mới bớt. Không chỉ thế, huyết áp ông đang cao nay bỗng dưng lại tụt chỉ còn 100 - 105/90. Ông tự ý bỏ thuốc loãng máu thì thấy hết mệt.

Không liên lạc được với bác sĩ mà tự ý bỏ thuốc khiến ông T. thấy bất an. Trước đó, bác sĩ từng dặn ông thuốc tim mạch phải uống mỗi ngày, nếu ngưng cục máu đông có thể gây tắc mạch và nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Không thể thực hiện như bình thường

Tiến sĩ - bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, những ngày qua không chỉ các đồng nghiệp mà cá nhân ông cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các bệnh nhân mạn tính do gặp các vấn đề về thuốc. Đa số bệnh nhân không tin tưởng khi dược sĩ tại nhà thuốc đổi thuốc, bởi họ cho rằng dược sĩ không phải là bác sĩ điều trị. 

Trước tiên, bác sĩ Lâm Văn Hoàng giải đáp thắc mắc của người dân về vấn đề khi mua thuốc theo toa BHYT không có thì đổi sang loại khác được không. Nói về thuốc điều trị bệnh mạn tính sẽ có hai giai đoạn là xử lý biến chứng cấp tính nguy hiểm và phòng ngừa các biến chứng lâu dài.

Hiện nay, dịch COVID-19 gây khó khăn, ảnh hưởng mọi mặt, mục tiêu của các bác sĩ là cố gắng kiểm soát ở mức độ tương đối để bệnh nhân không rơi vào ngưỡng nguy hiểm, chứ khó mà có thể đòi hỏi mọi thứ đều tốt như bình thường được. Ví dụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân ở xa không tái khám bệnh mạn tính được, đành phải mua thuốc ở cơ sở y tế địa phương hoặc tiệm thuốc bên ngoài.

Thuốc BHYT mỗi địa phương khác nhau, ngay cả mỗi bệnh viện cũng được phân tầng khác nhau. Như vậy, nếu không có thuốc giống như trong toa thì người bệnh có thể tạm thời đổi qua loại thuốc của nhà sản xuất khác nhưng cùng biệt dược. Tất nhiên, hiệu quả điều trị của thuốc cũng sẽ chênh lệch một chút nhưng ta chỉ dùng tạm thời nên vẫn chấp nhận được.

Tiếp đến, về vấn đề mua thuốc bên ngoài thì bệnh nhân phải tự trả phí, khi đổi qua loại thuốc khác giá sẽ chênh lệch, bác sĩ Lâm Văn Hoàng vô cùng đồng cảm với sự thiệt thòi này của người dân. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, bác sĩ mong rằng bệnh nhân hãy cố gắng thông cảm, chia sẻ bởi đó chỉ là tình huống bất khả kháng tạm thời.

Thêm nữa, đối với một số bệnh nhân khi uống toa cũ cảm thấy bất thường, mệt mỏi, khi ngưng một loại thuốc nào đó trong toa lại hết mệt thì cứ tạm ngưng, nhưng phải cố gắng liên hệ với bác sĩ ngay để được tư vấn và điều chỉnh thuốc kịp thời. Nếu trong toa thuốc có nhiều loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính mà mọi người không mua được đủ thì phải cố gắng duy trì thuốc cho những bệnh quan trọng nhất. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI