Bệnh nhân lao khó mua bảo hiểm y tế

17/03/2015 - 08:06

PNO - PN - * Không điều trị - 1 lây cho 15

Hiện nay, dù được điều trị miễn phí nhưng việc vận động bệnh nhân (BN) lao đến cơ sở y tế vẫn còn nhiều khó khăn. Dự kiến sắp tới, người bệnh buộc phải mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới được điều trị miễn phí. Điều này khiến các nhân viên y tế lo lắng vì bệnh lao dễ lây lan trong khi nhiều người vẫn chưa có thẻ BHYT.

Benh nhan lao kho mua bao hiem y te

Bà S. và người nhà đang được bác sĩ tư vấn về bệnh lao

Hơn 40% bệnh nhân chưa có thẻ BHYT

Một khảo sát vừa được Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thực hiện ngẫu nhiên trên 952 BN lao ở 24 quận/huyện. Kết quả cho thấy, chỉ có 554 người có thẻ BHYT (chiếm 58,2%). Trong số BN không có thẻ BHYT thì người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn chiếm hơn 42% và BN tạm trú chiếm 44%. Ước tính hàng năm, TP.HCM có khoảng 16.000 ca đăng ký điều trị lao. Như vậy, những BN không được điều trị do không có BHYT sẽ là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.

Sáng 10/3, tại tầng hai của Tổ chống lao Q.8, có khoảng 50 BN lao đeo khẩu trang kín mít đang chờ tái khám. BN Phạm Thanh L., 47 tuổi, đường Tạ Quang Bửu cho biết: “Dù được điều trị lao miễn phí nhưng tôi vẫn ý thức được sức đề kháng của người mắc bệnh lao rất yếu, có thể kéo theo những bệnh khác nên trước đây, tôi vẫn mua thẻ BHYT. Thế nhưng kể từ lúc BHYT quy định chỉ bán BHYT theo hộ gia đình, tôi không mua được nữa.

Tôi sống chung với cha mẹ và anh chị em đến 13 người. Nếu muốn mua, tôi phải đi tách khẩu. Nhưng tôi không có nhà, công việc của tôi lại không ổn định, việc dành tiền mua BHYT đã khó, thêm quy định này thì “bít đường”. Coi như những quyền lợi về số năm mua thẻ BHYT trước đây của tôi mất trắng”.

Nghe anh L. chia sẻ, người nhà bà Lê Thị S., 79 tuổi, ngụ Q.8, góp lời: “Gia đình tôi có bốn người, nhưng chỉ duy nhất cô em gái có việc làm, nuôi ba người còn lại gồm mẹ, một người anh không có việc ổn định và tôi không còn sức lao động. Em gái tôi làm công nhân may, lương chỉ ba-bốn triệu đồng, đủ sống qua ngày thì lấy đâu mua cho cả nhà. Trước đây, gia đình tôi cũng mua thẻ BHYT cho mẹ nhưng giờ cũng đành bỏ luôn”.

Giữa trưa nắng, thất thểu đẩy chiếc xe đạp cà tàng vào Trạm Y tế P.Linh Đông (Q.Thủ Đức) tái khám lao kháng thuốc, ông Cồ Văn B., 56 tuổi, than: “Hàng ngày, tôi đi bán bông ngoáy tai, bật lửa… trong chợ, ăn còn chưa đủ thì làm sao có tiền mua thẻ BHYT? Cha mẹ và anh em qua đời, tôi nghèo khó nhưng không được xác nhận thuộc hộ nghèo vì tôi không có nhà, chỉ còn sổ hộ khẩu. Tôi rất mong được cấp BHYT theo diện khó khăn nhưng… khó quá!”.

Ngồi kế bên, bà Lan - vợ BN Ngô Văn Th., 58 tuổi, rầu rĩ: “Chồng tôi đang làm bảo vệ thì phát hiện lao kháng thuốc, sợ lây cho người khác nên xin nghỉ việc. Cách đây một năm, khi ông ấy bị biến chứng nặng, tôi đã vay mượn hàng xóm 33 triệu đồng. Để có tiền trả nợ và chăm sóc chồng, tôi để ổng ngồi xe lăn đi bán vé số. Biết là bệnh dễ lây, nhưng nếu mang khẩu trang thì người ta e ngại không mua. Tôi thật sự không đủ khả năng để mua BHYT cho chồng, nếu bắt buộc BN lao có BHYT mới điều trị thì tôi không biết phải làm sao”.

Không điều trị: hai - ba năm sau sẽ tử vong

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, phụ trách Tổ khám lao Q.8 chia sẻ: “Việc BN lao có được thẻ BHYT sẽ rất tốt vì được tầm soát ban đầu cũng như BHYT sẽ chi trả các khoản xét nghiệm, thuốc điều trị hỗ trợ. Thế nhưng, phần lớn người mắc lao là người nghèo nên khó có thể mua BHYT. Đặc biệt, địa bàn Q.8 là nơi có rất nhiều người dân nhập cư lao động chân tay. Các BN lao nếu không được cấp phát thuốc và điều trị miễn phí sẽ rất nguy hiểm. Mỗi tháng Q.8 tiếp nhận khoảng 100 BN mới đến khám, cả năm lên đến 1.000 ca bệnh. Nếu không điều trị, một BN lao có thể lây cho 15 người khác trong cộng đồng, nhất là lao phổi lây trực tiếp qua không khí”.

Bác sĩ Võ Văn Tám, phụ trách Tổ khám lao H.Bình Chánh lo lắng: “Số BN lao trên địa bàn phát hiện năm sau tăng hơn năm trước. Qua khảo sát trong tháng 12/2014 trên 67 BN, chỉ có bảy người mua BHYT; hơn 50% BN diện tạm trú, kinh tế khó khăn, không quan tâm đến bệnh tình và càng ít mua BHYT theo diện gia đình".

Chị Cúc - một nhân viên tại Tổ khám lao H.Bình Chánh ngán ngẩm: “Hiện nay, BN lao được phát thuốc điều trị miễn phí; thậm chí người bệnh được hỗ trợ tiền ăn, giường bệnh khi nhập viện, nhưng công tác vận động người bệnh đến điều trị rất khó khăn, do họ không muốn bỏ làm; thậm chí nhân viên y tế phải mang thuốc tới tận nhà năn nỉ người bệnh uống. Vậy mà cũng có đến 10% BN bỏ điều trị. Nếu buộc BN lao mua BHYT mà không có chính sách hỗ trợ thì khả năng vận động người bệnh điều trị càng khó và số BN bỏ điều trị sẽ tăng lên”.

Bác sĩ Phan Thượng Đạt, Trưởng khoa Điều trị lao kháng thuốc BV Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo: Nếu BN lao kháng thuốc không điều trị thì khoảng hai-ba năm sau sẽ tử vong; nếu tích cực điều trị thì trên 75% ca khỏi bệnh. Với BN lao thường, 90% điều trị lành bệnh, nếu không điều trị thì sau ba-bốn năm tử vong. Lao kháng thuốc rất nguy hiểm bởi tính chất lây lan trong cộng đồng. Việc điều trị lao kháng thuốc tốn kém gấp trên 50 lần so với lao thường.

Hiện Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Có thẻ BHYT sẽ là điều kiện tốt để chữa trị cho người mắc căn bệnh dễ lây lan này, đặc biệt là người mắc bệnh có sức đề kháng kém dễ mắc thêm nhiều bệnh khác. BHXH cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện cho người bệnh lao có thể mua được thẻ BHYT mà không theo hình thức mua BHYT hộ gia đình.

Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu - Phó giám đốc BHXH TP.HCM trăn trở: Việc quy định đối tượng mua BHYT theo hộ gia đình đã thành luật, nên khó tạo cơ chế riêng đối với BN lao mua thẻ BHYT riêng lẻ. Trước hết, với người bệnh thuộc hộ nghèo nhưng do rắc rối về giấy tờ, thủ tục thì cần đến nơi có hộ khẩu thường trú để xác minh, giải quyết. Với những trường hợp người bệnh gặp khó khăn về thủ tục hành chính thì liên hệ với các đơn vị bảo hiểm xã hội quận/huyện để nhờ giúp đỡ. Hiện nay các phường/xã đang thống kê lại danh sách đối tượng để hỗ trợ mua BHYT, tránh thiệt thòi cho người bệnh. Riêng nhóm cận nghèo, những người tạm trú tại TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn nhưng không còn đăng ký thường trú ở tỉnh thì cần có một tổ chức, đoàn thể hỗ trợ BHYT để giúp họ có điều kiện chữa bệnh, đặc biệt là bệnh lao.

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI